Nỗi khổ của người nuôi cá tầm và cá sấu

Thứ Năm, 29/04/2021, 08:29
Liên quan đến tình trạng nhập khẩu cá tầm không thuần chủng vào Việt Nam mà Báo CAND đã phản ánh, vừa qua Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PCTPVMT) đã có văn bản gửi Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.

Tại văn bản này cho biết, kết quả làm việc với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã có 7 doanh nghiệp được cho thông quan nhập khẩu 337 tấn cá tầm Xiberi - động vật thuộc phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp. Toàn bộ số cá trên đã được bán ra thị trường ngay sau khi được nhập về.

Cá tầm thuần chủng ở một trang trại.

Qua làm việc với các cơ quan cho phép nhập khẩu số cá tầm trên, Cục Cảnh sát PCTPVMT xác định các cơ quan như Hải quan cửa khẩu, Cục Thú y và các trạm kiểm dịch động vật ở cửa khẩu… đã không nhận được thông báo của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam về việc dừng hiệu lực đối với các giấy phép CITES nhập khẩu đã được cấp ra trước đó. Vì vậy các đơn vị vẫn căn cứ hồ sơ của doanh nghiệp để làm thủ tục nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam.

Để xảy ra việc này còn có sự nhận thức chủ quan của cán bộ Hải quan cửa khẩu, Trạm kiểm dịch cửa khẩu, Cục Thú y khi cho rằng cá tầm được nuôi tại các trang trại của Trung Quốc không là động vật hoang dã; không nằm trong nội dung của Chỉ thị số 05/CT-TTg quy định về “Cấm nhập khẩu động vật hoang dã” nên đã cho thông quan các lô hàng.

Qua các tài liệu thu thập được, Cục Cảnh sát PCTPVMT cũng xác định việc nhập khẩu và làm thủ tục nhập khẩu nhiều lô cá tầm Xiberi của các doanh nghiệp và Cơ quan quản lý Nhà nước là trái với Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống COVID-19.

Cục Cảnh sát PCTPVMT xác định: Văn bản chỉ đạo hành chính trên không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên việc làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể xem xét, xử lý cán bộ công chức của ngành Hải quan và Thú y theo Luật cán bộ công chức. Sự việc cũng đã được Cục Cảnh sát PCTPVMT báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT có biện pháp chấn chỉnh các đơn vị, cá nhân liên quan đến hoạt động nhập khẩu cá tầm trên.

Liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm không thuần chủng, không đúng với giấy phép được cấp này, hiện tranh cãi giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chấm dứt. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho rằng, khi Thủ tướng đã chỉ đạo ngưng nhập khẩu động vật hoang dã là phải ngưng tất cả, kể cả số giấy phép đã cấp ra chưa nhập xong. Còn phía Tổng cục Lâm nghiệp lại cho rằng trước khi ngưng, CITES phải giải quyết cho các doanh nghiệp được thực hiện nhập khẩu hết số lượng trong các giấy phép CITES đã cấp ra.

Từ kết quả giám định mẫu của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, ngày 30/3 vừa qua Tổng cục Hải quan đã khẳng định cá tầm nhập về không đúng với giấy phép do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp; không đúng với khai báo hải quan.

Trong khi nhập khẩu cá tầm không thuần chủng vẫn diễn ra cả trong thời điểm dịch bệnh, thì hoạt động xuất khẩu cá sấu sống sang Trung Quốc đã bị ách tắc hơn 1 năm qua. Thông tin về tình trạng ách tắc trong xuất khẩu cá sấu sống sang Trung Quốc vào ngày 16/4, Hiệp hội Bò sát, lưỡng cư (BSLC) Việt Nam cho biết, cá sấu nước ngọt thuộc nhóm 1B về Quản lý động thực vật nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước CITES. Đây là một trong 36 loài được phép nhập khẩu vào Trung Quốc làm thực phẩm.

Tại Việt Nam, việc gây nuôi cá sấu nước ngọt đã bắt đầu cách đây khoảng 40 năm và hiện khá phổ biến ở các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Hiện cả nước đã có khoảng 10 trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt CITES với sản lượng đạt khoảng 120 nghìn con giống mỗi năm. Nghề nuôi cá sấu trong nước có thị trường xuất khẩu cá sấu chủ yếu là Trung Quốc nhưng đột nhiên bị ngăn bởi một văn bản của hải quan nước này từ cuối năm 2019.

Theo một đại diện Hiệp hội BSLC Việt Nam, năm 2019 các doanh nghiệp trong nước đã làm thủ tục xuất khẩu đến 115.776 con cá sấu sống sang Trung Quốc, nhưng chỉ xuất đi được khoảng 32.800 con. Lý do, Hải quan biên giới của Trung Quốc không cho nhập khẩu cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả số cá đã được cấp giấy phép CITES.

Trong khi đó, thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ nêu cấm quá cảnh các mặt hàng đặc biệt có rủi ro cao về an toàn sinh học. Tình trạng này khiến các trại nuôi cá sấu nước ngọt lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ và bế tắc.

Hiệp hội BSLC Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2019, giá cá sấu cống chỉ còn 47,5 nghìn đồng/kg, giảm còn 1/3 so với mức giá lúc cao điểm. Giá rớt nhưng vẫn không bán được trong khi chủ trại nuôi vẫn phải đầu tư bảo dưỡng chuồng trại, cho ăn và duy trì đàn cá sấu hiện có.

Để gỡ ách tắc trong xuất khẩu cá sấu sống, ngay từ cuối năm 2019 Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã có văn bản gửi Cơ quan quản lý CITES Trung Quốc và được cơ quan này khẳng định vẫn cấp phép nhập khẩu cá sấu sống từ Việt Nam. Hiệp hội BSLC Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng Tổng cục Hải quan có giải pháp gỡ vướng ách tắc xuất khẩu với phía Trung Quốc.

Ngày 29/3, Hiệp hội BSLC Việt Nam đã tiếp tục đề nghị các bộ, ngành trên đàm phán về thương mại và quản lý xuất nhập khẩu với phía Trung Quốc, tạo điều kiện để cá sấu sống của Việt Nam được thông quan, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hai bên.

Đ.Thắng
.
.
.