Những ưu ái với “đày tớ” khiến Nhà nước thất thoát hơn 9,2 tỷ đồng

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:30
Sau khi Báo CAND đưa tin cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 14 bị can khác về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 điều 165 BLHS, nhiều người đã liên lạc và đề nghị phản ánh rõ nét hơn về hành vi phạm tội của các bị can. Theo đó, phóng viên đã tìm hiểu nội dung vụ án để cung cấp thông tin cho bạn đọc.


Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô là dự án do Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 10-2008. 

Đây là dự án liên doanh giữa Công ty Techno Star Management L.t.d – Vương quốc Anh và Công ty Dầu khí Telloil của Cộng hòa liên bang Nga, có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, công suất thiết kế mỗi năm hơn 8 triệu tấn dầu thô, khi dự án hoạt động không chỉ đóng góp ngân sách nhà nước mỗi năm 111 triệu USD mà còn giải quyết việc làm cho 1.300 lao động.

Dự án có tổng diện tích 534ha đất, 500ha mặt nước ở xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, trong đó khu vực nhà máy 404ha, cảng Bãi Gốc 134ha. Sau khi UBND tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giai đoạn 1 gồm 134 ha, UBND huyện Đông Hòa xác định 238 trường hợp thuộc diện đền bù, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 95 tỷ đồng.

Ngoại trừ ông Nguyễn Tài không khắc phục  hậu quả, các bị can còn lại cùng một số người có liên quan đã nộp trả cho ngân sách nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngoài ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa và Phó Chủ tịch Thường trực Huỳnh Ngọc Sương còn có nhiều cán bộ chức trách ở huyện Đông Hòa được giao nhiệm vụ xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khi thực thi nhiệm vụ được giao, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hòa cùng các cộng sự đã cố ý làm trái quy định của nhà nước, thẩm định và phê duyệt hồ sơ đề nghị bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật nhiều trường hợp, dẫn đến ngân sách Nhà nước thất thoát hơn 9,2 tỷ đồng. Một trong những cán bộ được “ưu ái” bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật là ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đông Hòa.

Ông Cường có diện tích đất trong diện thu hồi 13.864m². Tổ kiểm kê không xác định vị trí, ranh giới, nguồn gốc thửa đất mà lập thủ tục bồi thường theo chỉ dẫn của ông Cường để áp giá bồi thường đất rừng sản xuất gần 208 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Cường còn được “ưu ái” hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hơn 366 triệu đồng, trong khi ông này đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tương tự như thế, ông Nguyễn Kích, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trái pháp luật 304 triệu đồng. Ông Lương Tấn Thuận, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Tây Hòa; ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa đang hưởng lương từ bảo hiểm xã hội theo chế độ hưu trí, cả hai người không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, không trực tiếp sản xuất, không phải là người thường trú, tạm trú hợp pháp tại nơi thu hồi đất, thế nhưng họ vẫn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trái pháp luật hơn 1,5 tỷ đồng...

Nghiêm trọng nhất là trường hợp ông Nguyễn Hữu Phí, trú ở 323 Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa có 11 thửa đất với tổng diện tích 70.118m² thuộc diện giải tỏa. Theo quy định pháp luật, hạn mức được bồi thường cho mỗi trường hợp không vượt quá 20.000m² nên ông Phí tiếp cận và được một số cán bộ hướng dẫn “vẽ” ra 4 giấy chuyển nhượng hồ tôm cho 4 người thân trong gia đình, trong đó đã hợp thức hóa lùi lại thời gian rồi nhờ Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Lê Văn Hoàng cùng một số cán bộ của huyện Đông Hòa thẩm định, phê duyệt bồi thường hơn 3,7 tỷ đồng. Ngay sau đó, 4 người được “chuyển nhượng” hồ tôm phải ký vào giấy ủy quyền để ông Phí trực tiếp nhận số tiền nêu trên, hưởng lợi bất chính.

Theo kết luận điều tra số 02/KL-CSĐT(PC46) ngày 12-4-2016 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, trong vụ án này, ông Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa được xác định là đối tượng chủ mưu. 

Mặc dù ông Tài không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng với các chứng cứ, tài liệu thu thập được và lời khai của các bị can khác trong vụ án này, đặc biệt là kết luận giám định bút tích của ông Tài trên một số văn bản liên quan đến việc chỉ đạo giải quyết bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật nên có đủ căn cứ kết luận và đề nghị truy tố bị can Nguyễn Tài về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị đề nghị truy tố theo điều luật nêu trên còn có nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hòa Huỳnh Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa Nguyễn Kích, Phó giám đốc Huỳnh Ngọc Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Kỳ Tổng, Phó trưởng phòng Dương Văn Nhân, nhân viên Trần Trọng Duy, Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, nhân viên Phòng Kinh tế hạ tầng Huỳnh Công Dự, nhân viên Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Nguyễn Dương Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Lê Văn Hoàng và 1 người dân duy nhất là Nguyễn Hữu Phí, người đã hợp thức hóa hồ sơ bồi thường hỗ trợ để hưởng lợi bất chính tiền tỷ.

PV
.
.
.