Những sai phạm đất đai nổi cộm ở Phú Yên

Thứ Tư, 26/05/2021, 09:26
Trong số những vụ việc sai phạm về đất đai ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) thu hút sự quan tâm của dư luận, có 3 vụ nổi cộm liên quan đơn tố giác tội phạm đang được cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật.


Lập dự án để chuyển nhượng thu lợi

Tháng 6/2005, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản thỏa thuận cho phép Công ty CP Pymepharco có trụ sở giao dịch ở 166-170 Nguyễn Huệ, phường 7, TP Tuy Hòa thực hiện dự án Trung tâm kinh doanh dược – mỹ phẩm – dịch vụ y tế Phú Yên. Theo đó, ngày 18/9/2007, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng và giao đất không thông qua đấu giá 1.183m² tại A2 đường Hùng Vương, phường 4, TP Tuy Hòa cho Pymepharco trong thời hạn 70 năm với số tiền gần 3,6 tỷ đồng.

Sau khi được cấp “sổ đỏ” ngày 3/1/2018, Pymepharco không xây dựng bất kỳ hạng mục nào trên khu đất này mà thế chấp tại một chi nhánh ngân hàng, sau đó góp vốn với Công ty CP xuất nhập khẩu dược Phú Yên. Đến ngày 2/7/2018, Tổng giám đốc Pymepharco ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho một ngân hàng với giá 16 tỷ đồng. Những động thái đó cho thấy Pymepharco chỉ lập dự án trên giấy để được giao đất không thông qua đấu giá rồi chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác để kiếm lãi hơn 12 tỷ đồng.

UBND tỉnh Phú Yên giao cho Pymepharco khu đất A2 Hùng Vương, TP Tuy Hòa có diện tích 1.183m² không thông qua đấu giá trong thời hạn 70 năm.

Đối chiếu với quy định pháp luật sẽ thấy rõ việc UBND tỉnh Phú Yên giao đất không thông qua đấu giá khu đất nêu trên cho Pymepharco là trái với Luật Đất đai; Quyết định 842/QÐ-TTg ngày 4-9-1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất để xây dựng đường Hùng Vương và cơ sở hạ tầng khu dân cư mới thuộc tuyến đường Hùng Vương tại Phú Yên, trái với Quy chế do chính UBND tỉnh Phú Yên ban hành, gây thất thoát ngân sách nhiều tỷ đồng.

“Dọn” rừng phòng hộ ven biển để xây sân golf

Dự án Khu du lịch- Liên hợp cao cấp (DL-LHCC) New City Việt Nam do Công ty TNHH New City Việt Nam có trụ sở giao dịch ở 183-185 Hùng Vương, phường 5, TP Tuy Hòa làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đây là dự án 100% vốn nước ngoài, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 8/7/2008, sau đó điều chỉnh lần thứ nhất vào ngày 9-9-2014. Tổng diện tích đất thực hiện dự án 357,52ha, trong đó có 122,52ha ở xã An Phú, TP Tuy Hòa.

Ngày 27/6/2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép tỉnh Phú Yên chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện 28 dự án ở địa phương này, riêng Khu DL-LHCC New City Việt Nam chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án trồng rừng thay thế nên chưa được xem xét. Thế nhưng ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Phú Yên đã có thông báo chuyển mục đích đất rừng phòng hộ tại xã An Phú để thực hiện dự án bằng “giải pháp” thu hồi từng đợt với diện tích dưới 20ha.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên đã chia nhỏ diện tích rừng phòng hộ để không xin phép Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp luật. UBND tỉnh Phú Yên có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, cấp giấy phép khai thác 64,12ha rừng phòng hộ ven biển khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích đất rừng phòng hộ sang mục đích khác; cho phép chủ đầu tư vừa triển khai xây dựng vừa hoàn tất thủ tục khi chưa được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có quyết định cho thuê đất, chưa bàn giao đất trên thực địa, chưa có hồ sơ thiết kế cơ sở, chưa có giấy phép xây dựng… là vi phạm quy định pháp luật. 

Khi triển khai dự án, chủ đầu tư dự án đã “dọn” 32,4ha rừng phi lao để làm sân golf, trong khi khu rừng này được trồng từ năm 1979-1980, có tác dụng chắn gió, cát, triều cường xâm thực. 6 năm sau đó, HTX Nông nghiệp Đông An Phú đảm nhiệm quản lý, khai thác, trong năm 2000, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã tài trợ trồng lại những cây phi lao bị chết khô, bị đốn hạ trái phép.

Bất thường thương vụ đấu giá 262 lô đất

Giữa năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Phú Yên làm chủ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị (KĐT) Nam Tuy Hòa giai đoạn 1 với hơn 38ha, trong đó có 262 lô đất nhà ở liền kề, 196 lô biệt thự và 10 lô đất thương mại – dịch vụ phía hữu ngạn hạ lưu sông Đà Rằng.

Sau đó UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo bán đấu giá sỉ 262 lô đất gây bức xúc dư luận ở địa phương, vì mục tiêu đầu tư dự án giải quyết nhu cầu đất ở cho hàng ngàn người dân địa phương nhưng UBND tỉnh Phú Yên đưa ra lý do đấu giá bán sỉ là cần có nguồn tiền hoàn trả hai khoản nợ tạm ứng 464 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước. Phương án đấu giá trái với quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, nên 3 ứng viên không có đủ điều kiện vẫn được tham gia đấu giá. Đã vậy, ngày 18/4/2017, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định bãi bỏ điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Sau phiên đấu giá ngày 6/6/2017 với mức khởi điểm bình quân 614 triệu đồng mỗi lô 128m2, UBND tỉnh Phú Yên công nhận bà Ngô Thị Điều (SN 1964, trú ở 170 Lê Hồng Phong, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, Bình Định) trúng đấu giá 162,5 tỷ đồng, cao hơn mức khởi điểm 1,6 tỷ đồng. Do được “ưu ái” giảm giá hơn 8 tỷ đồng của UBND tỉnh Phú Yên về chính sách hỗ trợ 5%, nên người trúng đấu giá chỉ nộp gần 154,5 tỷ đồng, thấp hơn tổng mức khởi điểm trước khi đấu giá gần 6,5 tỷ đồng. Sau khi nộp tiền vào ngày 12/9/2017, bà Ngô Thị Điều thông qua các doanh nghiệp môi giới bất động sản bán lại mỗi lô đất 1,1 đến 1,3 tỷ đồng…

Được biết, giữa tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan thương vụ đấu giá 262 lô đất và đang tập trung làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan.

Phương Lan
.
.
.