Nhiều sai phạm trong thực hiện dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Lắk

Thứ Tư, 25/11/2015, 09:13
Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tổng số 74 dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh thì có 35 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, cải tạo và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên diện tích hơn 30.000ha. 


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai các dự án, các DN còn để ra nhiều sai phạm, trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên được giao cho các DN quản lý đang bị lấn chiếm, chặt phá từng ngày.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các DN “thả nổi” việc để mất rừng, mất đất là do năng lực quản lý yếu kém và nguồn tài chính không đủ để thực hiện dự án. Điển hình như tháng 4-2011, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng được UBND tỉnh giao 372ha đất tại địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea Hleo để triển khai thực hiện dự án. 

Theo quy định, công ty phải khoanh nuôi và làm giàu hơn 100ha rừng nghèo kiệt, QLBV hơn 50ha rừng tự nhiên, số diện tích còn lại trồng rừng và cao su. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai dự án, công ty này mới chỉ trồng vỏn vẹn được hơn 26ha cao su, số diện tích còn lại để cho người dân lấn chiếm, chặt phá một cách vô tội vạ…

Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành điều tra sai phạm tại một số dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Cũng theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các dự án đã được giao đất đều triển khai không mấy hiệu quả. Huyện Ea Súp là địa phương thu hút được nhiều DN đầu tư nhất (28 dự án) nhưng đến nay số dự án triển khai hiệu quả chỉ tính trên đầu ngón tay. Kiểm tra tại 13 dự án trồng cao su và QLBVR trên địa bàn cho thấy, hầu hết các dự án đều bị các DN thả nổi, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc. 

Tại dự án trồng cao su của Công ty TNHH Anh Quốc, trong năm 2011, công ty này trồng hơn 100ha cao su nhưng do năng lực tài chính yếu kém, buông lỏng công tác quản lý, chăm sóc nên đến nay số cao su này đã chết hoàn toàn...

Một số DN khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất không đúng mục đích. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát (xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo) đã tự ý chuyển đổi hơn 50ha đất được giao trồng rừng sang trồng cà phê để kinh doanh; dự án trồng cao su và trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Phúc Nguyên (xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar) đã tự ý sử dụng hơn 150ha đất không đúng mục đích; dự án của Công ty TNHH trồng rừng 27-7 (huyện Ea Súp) đã tự khai hoang gần 40ha đất rừng để trồng cao su khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép; dự án của Công ty CP địa ốc Tân Bình Phát (huyện Ea Súp) đã tự ý trồng hơn 40ha mì trên đất dự án để kinh doanh…

Cũng theo Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số hơn 58.600ha dự án giao đất, giao rừng cho DN thì đến nay các DN này đã để mất gần 2.000ha rừng và 5.396ha để người dân xâm canh, tranh chấp với các DN. 

Ông Lê Cước, Trưởng phòng QLBVR Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, hiện nay tình trạng chặt phá, bao chiếm, sử dụng đất đai quy định đang diễn ra khá phức tạp tại các dự án. “Sở NN và PTNT đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương 2 dự án, thu hồi đất 6 dự án, đề nghị xử lý vi phạm hành chính 1 dự án, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền 4 dự án. Sở TN-MT cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số dự án sử dụng đất không đúng mục đích. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ những sai phạm của 3 dự án khác”.

Văn Thành
.
.
.