Nhiều nông dân phải phá bỏ ruộng ngô “đắng”

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:52
Sắp bước vào thời điểm thu hoạch vụ ngô Đông-Xuân, nhưng hiện tại nhiều nông dân ở một số địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế đành xót xa nhổ bỏ nhiều diện tích ngô, vì cây ngô chậm phát triển, có trái nhưng không có hạt. Vụ ngô “đắng”, khiến họ rơi vào tình cảnh trắng tay…


Chúng tôi về xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) và chứng kiến cảnh nhiều nông dân HTX nông nghiệp Tây Toàn phải nhổ bỏ cây ngô mang đi cho gia súc ăn dù gần đến thời điểm thu hoạch ngô.

Đứng bên vườn ngô xơ xác, cây còi cọc, chỉ cao cách mặt đất từ 40-50cm và bị bệnh vàng lá, anh Phan Văn Xuân (ở thôn Cổ Lão) lo lắng cho biết, ngoài làm lúa, vợ chồng anh “đấu” thêm một diện tích đất của HTX với giá 1,5 triệu đồng/sào và sử dụng trong 3 năm để trồng ngô.

Nhiều nông dân xã Hương Toàn lo lắng do ruộng ngô không đạt năng suất.

“Trước vụ mùa, tôi đến đại lý trong xã để mua 2 túi giống ngô HN88 (loại 500g) của Công ty CP giống cây trồng Trung ương với giá gần 300.000 đồng đưa về gieo trồng trên diện tích hơn 2 sào từ đầu tháng 2-2017. Tuy nhiên sau thời gian chăm sóc, đến nay cây vẫn còi cọc, phát triển rất chậm, lá vàng. Một số cây ngô có trái thì lại không có hạt nên tôi đành nhổ cho bò ăn”, anh Xuân ngậm ngùi nói.

Cùng chung tình cảnh với anh Xuân, rất nhiều hộ nông dân ở các thôn Cổ Lão, Dương Sơn, xã Hương Toàn đã đầu tư mua giống ngô cùng phân bón và bỏ công chăm sóc ruộng ngô, nhưng đến nay phải phá bỏ, do cây ngô chậm phát triển.

Anh Phạm Văn Khớp (42 tuổi), lắc đầu bảo: “Bình quân mỗi vụ ngô, gia đình tôi thu hoạch bán kiếm được từ 4-6 triệu đồng và mỗi năm trồng được 2 vụ như thế. Tuy nhiên vụ ngô năm nay, một tháng đầu cây phát triển bình thường, nhưng sau đó chững lại, bị vàng lá rồi mắc bệnh lùn... Xảy ra sự việc bất thường này, có thể do giống ngô gieo trồng bị kém chất lượng”.

Ông Hoàng Tăng Mẫn, Đội trưởng Đội sản xuất số 2, HTX Tây Toàn cho biết, HTX có trên 1.000 hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Trong đó, riêng thôn Cổ Lão có 36ha đất thì hơn 10ha được tận dụng trồng ngô, với 235 hộ dân tham gia. Theo ông Mẫn, do giống ngô HN88 cho trái có hạt mềm, dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng nên người dân địa phương đều sử dụng giống ngô này gieo trồng.

“Tuy nhiên chỉ được một vài vụ đầu, chứ giờ người dân trồng ngô ở xã thường chịu rủi ro, nhiều vụ chấp nhận thua lỗ do cây ngô trồng không cho năng suất như mong muốn nhưng không biết nguyên nhân do đâu...”, ông Mẫn nói.

Tìm hiểu được biết, trước đó tại địa bàn xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, người trồng ngô cũng chịu thiệt hại nặng khi cây ngô mắc các chứng bệnh lạ, làm giảm năng suất của cây ngô. Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, xác nhận: “Qua kiểm tra cho thấy người dân ở xã Quảng Thọ sử dụng giống ngô HN88 của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương để gieo trồng nên đơn vị đã lấy mẫu gửi đến cơ quan chuyên môn kiểm tra thì phát hiện nguyên nhân là do giống ngô này có chất lượng kém.

Ngay sau đó, Sở cùng chính quyền địa phương đã mời đại diện công ty này về làm việc để có phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân”. Liên quan đến các chứng bệnh vàng lá, lùn cây xảy ra trên cây ngô tại xã Hương Toàn, chiều 27-3, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về địa phương này để kiểm tra nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp khắc phục, giúp bà con nông dân ổn định sản xuất.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 1.000ha ngô/1.300ha trong kế hoạch sản xuất ngô năm 2017 với các loại giống chủ yếu như ngô nếp nù, HN88, ngô lai lấy hạt.

“Do diện tích trồng cây ngô rất lớn nên đơn vị luôn khuyến cáo người dân phải lựa chọn các loại giống ngô có chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương để đưa vào sản xuất để tránh thiệt hại”, ông Vang cho hay.

Anh Khoa
.
.
.