Vụ hơn 500 giáo viên tại Đắk Lắk sắp mất việc:

Nhiều giáo viên, nhân viên tiếp tục đề nghị giải quyết quyền lợi

Thứ Tư, 21/03/2018, 10:33
Liên quan đến vụ việc hơn 500 giáo viên sắp mất việc tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk mà Báo CAND đã phản ánh, ngày 19-3, một số giáo viên, nhân viên hợp đồng trong biên chế đã gửi đơn “tố” việc mình bỗng dưng bị mất việc.


Theo phản ánh của cô Nguyễn Thị Bình (30 tuổi, giáo viên Trường THCS Eakly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), năm 2012, cô được UBND huyện Krông Pắk nhận về hợp đồng giảng dạy tại Trường Eakly, bộ môn tiếng Anh. Hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế ký năm 2012 của cô Bình có ghi rõ: “Cô sẽ được nhận đầy đủ chế độ lương hàng tháng, bắt đầu từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2017 (kể cả những tháng nghỉ hè)”.

Cũng theo lời cô Bình, trong đợt nghỉ hè năm 2017, ông Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Eakly đưa ra lý do, nhà trường không đủ ngân sách để chi trả nên cắt lương của giáo viên hợp đồng, có cả của cô Bình. Việc trả lương sẽ được thực hiện theo tiết dạy cụ thể. 

“Tôi thuộc diện hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, kinh phí chi trả lương từ nguồn ngân sách giao trong chỉ tiêu biên chế của trường. Việc nhà trường trả lương cơ bản cho tôi, yêu cầu dạy 15 tiết/tuần là chưa đảm bảo, do chưa có tiền đứng lớp, phụ cấp và các khoản khác, là chưa đúng với Quyết định 1793 của huyện ký vào ngày 26-6-2012 nên tôi không đồng ý ký thỏa thuận với trường”, cô Bình phản ánh.

Cô Hà bức xúc trước việc mình bỗng nhiên bị chấm dứt hợp đồng.

Tương tự, cô Huỳnh Thị Hà (nhân viên thiết bị trường học tại Trường Tiểu học Phan Bội Châu, huyện Krông Pắk) phản ánh, vào các năm 2008, 2009, cô được ký quyết định hợp đồng lao động chờ thi viên chức. Sau thời gian đó, UBND huyện Krông Pắk tổ chức kỳ thi tuyển dụng biên chế nhưng cô không đậu. Đến tháng 4-2016, cô tiếp tục được UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng lao động chờ thi tuyển viên chức.

“Sau khi được UBND huyện ký hợp đồng, tôi được nhà trường bố trí làm nhân viên trường học tại trường. Đến tháng 8-2016, tôi nghỉ thai sản và đến tháng 1-2017, nhà trường thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhà trường chấm dứt hợp đồng nhưng không thông báo cho tôi, không thực hiện các chế độ dành cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng là điều không công bằng”, cô Hà bức xúc nói.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề trên, bà Hồ Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Bội Châu giải thích: Cô Hà được huyện UBND Krông Pắk ký quyết định hợp đồng vào tháng 4-2016 để đợi kỳ thi biên chế nhưng đến tháng 12-2016, huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng với những giáo viên, nhân viên hợp đồng không thi đậu trong kỳ thi biên chế trước đó và cả quyết định mới được ký. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi của PV về việc nhiều hợp đồng giáo viên trong năm 2016 được UBND huyện Krông Pắk ký có nội dung “chờ thi viên chức”, nhưng từ năm 2016 đến nay, huyện chưa tổ chức kỳ thi nào nhưng giáo viên vẫn bị chấm dứt hợp đồng? thì bà Nhàn nói: “Tôi làm theo đúng chỉ đạo của UBND huyện thôi!”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Eakly khẳng định: Nhà trường không có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng mà thẩm quyền thuộc UBND huyện. 

“Thời gian qua, cô Bình cứ yêu cầu nhà trường phải trả đúng số tiền như trước đây của một giáo viên biên chế. Tuy nhiên, do kinh phí cấp về cho nhà trường không thể đủ để trả như yêu cầu cho cô Bình. Mặc dù cô Bình không đi dạy nhưng nhà trường vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ cho cô trong thời gian qua”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, hiện trong trường có tổng cộng 6 người như trường hợp của cô Bình. Trong đó, toàn trường chỉ có 12 lớp nhưng có tới 3 giáo viên Tiếng Anh. Trình trạng dôi dư giáo viên trước đây nên hiện nhà trường cũng chỉ biết chờ huyện đưa ra hướng xử lý.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có cô Bình, cô Hà bỗng nhiên bị cắt hợp đồng lao động một cách đột ngột mà hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Pắk có đến hàng trăm trường hợp tương tự.  

Văn Thành
.
.
.