Nhiều dự án tại Hậu Giang chậm tiến độ do đâu?

Thứ Hai, 16/07/2018, 09:07
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, trong 3 năm (từ 2015 đến  2017), trên địa bàn tỉnh dự kiến có 1.038 công trình, dự án thu hồi đất và dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa (dưới 10ha). 

Trong số các công trình, dự án thu hồi đất có 579 công trình, dự án đã hoặc đang triển khai thực hiện, trong đó có 71 công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa (dưới 10ha), còn lại 459 công trình, dự án chưa triển khai thực hiện, đề xuất chuyển tiếp qua các năm sau hoặc đề xuất thu hồi lại dự án.

Việc chậm triển khai thực hiện các công trình, dự án không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn gây bức xúc trong nhân dân. 

Điển hình, năm 2007, sau khi thành lập KCN Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có quy hoạch 216 ha đất của người dân nơi đây để giao cho dự án Vinashin và đã chi trả bồi thường cho dân hơn 222 tỷ đồng, với diện tích thu hồi 171 ha. 

Tuy nhiên, dự án này không được thực hiện, mà bàn giao lại cho Vinalines, nên diện tích còn lại khoảng 45 ha của hơn 60 hộ dân ấp Phú Nhơn (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bị “treo” đến nay. Hơn 10 năm nay, các hộ dân kể trên phải sống trong cảnh chờ đợi di dời. 

Dự án xây dựng Khu dân cư thương mại chợ Cầu Móng (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm.

Dù nhà cửa, vườn cây đã bị xuống cấp, không cho hoa lợi nữa nhưng phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, đất đai, bởi nơi đây đang “vướng” vào quy hoạch.

Bà Lê Thị Yến bức xúc: “Căn nhà cấp 4 của gia đình tôi xây dựng đã hơn 30 năm rồi, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng không dám sửa chữa hay xây mới. Chủ trương của trên chúng tôi luôn chấp hành nhưng cứ tình hình này thì gia đình tôi không biết sống sao (!)”.

Một thực tế khác, việc chậm triển khai các dự án, công trình làm cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân các khu vực liên quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vườn cây ăn trái đã hết “tuổi thọ” nhưng người dân không dám tái sản xuất. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Như cho biết, từ lúc công bố quy hoạch KCN Sông Hậu, bà chỉ dám trồng hoa màu ngắn ngày như dưa leo, đậu bắp,… để duy trì cuộc sống hằng ngày. Còn việc đầu tư trồng cam, bưởi, cây ăn trái lâu năm, gia đình bà không dám bởi nếu đầu tư lớn, giữa chừng Nhà nước thu hồi lại không được bồi thường.

Tại huyện Phụng Hiệp, tính đến tháng 5-2018, huyện đã triển khai thực hiện được 53/118 công trình, dự án cần thu hồi đất và đã thực hiện 6/14 công trình chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, có 42 công trình, dự án đã quá 3 năm nhưng chưa triển khai thực hiện. 

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, nguyên nhân chính khiến cho các dự án, công trình này chưa triển khai thực hiện là vì chưa được bố trí nguồn vốn, đồng thời một số dự án dự kiến thực hiện nhưng bị ảnh hưởng vì chia tách các đơn vị hành chính xã, thị trấn. 

Ngoài ra, một số dự án kêu gọi đầu tư, nhưng chưa có nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư không có khả năng thực hiện… Đơn cử như dự án xây dựng Khu dân cư thương mại chợ Cầu Móng với diện tích 35.000m² đất ở xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp). 

Do nhà đầu tư (Công ty TNHH Việt Thắng) không có năng lực về tài chính, nên đã 6 năm trôi qua, đến nay vẫn chưa có hạng mục nào của dự án thành hình…

Tại TP Vị Thanh, từ năm 2014 đến năm 2017 có 118 công trình, dự án thu hồi đất và 1 dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa (dưới 10ha). 

Trong số các công trình, dự án thu hồi đất có 25 công trình, dự án đã triển khai thực hiện, 18 công trình, dự án đã ban hành và công bố thu hồi đất, 3 dự án đã chuyển mục đích sử dụng đất, 82 công trình, dự án chưa triển khai thực hiện…

Các công trình, dự án chậm thu hồi đất chủ yếu là dự án xây dựng nhà văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao, bệnh viện, trường học do chưa được phân bổ vốn. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND TP Vị Thanh cho biết, hiện có 13 công trình, dự án trên địa bàn triển khai rất chậm. Điều đáng nói là các chủ đầu tư đã nhiều lần cam kết với lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhưng tiến độ vẫn ì ạch, gây nhiều lãng phí và bức xúc cho người dân.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, việc thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được đăng ký khá lớn, nhưng kết quả thực hiện chưa cao vì gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của từng cấp chưa kịp thời, nguồn vốn thực hiện chưa được cân đối làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Bên cạnh đó, việc dự báo về nhu cầu sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình, dự án chưa sát với thực tế, việc xem xét khả năng thực hiện dự án chưa được quan tâm, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng kịp thời…

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm triển khai các công trình, dự án trên địa bàn là do việc tiếp thu Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của các đơn vị thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại cấp huyện chưa được kịp thời. Trong khi đó, dự báo về nhu cầu sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình dự án chưa sát với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. 

Việc xem xét khả năng thực hiện dự án chưa được đánh giá đầy đủ và toàn diện, làm ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là các công trình, dự án dự kiến kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhiều dự án đến nay vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi, lựa chọn chủ đầu tư, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch đạt kết quả thấp.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy hoạch là một công cụ có tính 2 mặt. Nếu thực hiện tốt và có cơ sở khoa học, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy hoạch đã được thông qua mà những người thực thi không thực hiện tốt hoặc không khoa học thì nó sẽ là lực cản rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ tham mưu xử lý thu hồi các dự án vốn doanh nghiệp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. 

Trần Lĩnh
.
.
.