Nhiều dự án khiến rừng bị mất, đất bị chiếm

Chủ Nhật, 28/06/2020, 09:44
Từ chủ trương giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái, trồng rừng kinh tế... sau hơn 10 năm, phần lớn các dự án liên quan đến rừng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Hiệu quả kinh tế chưa thấy rõ nhưng điểm chung ở hầu hết các dự án này mà PV Báo CAND ghi nhận được là rừng bị mất, đất bị lấn chiếm…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, các dự án tại huyện Lạc Dương được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho DN tập trung chủ yếu dọc theo QL27C, nối liền phố núi Đà Lạt với phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) và tỉnh lộ ĐT722, vào xã Lát, Đưng Knớ, nối với đường Trường Sơn Đông, giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.

Hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương có 37 DN được thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án với diện tích hơn 4.177ha. Trong đó, 14 dự án nông lâm kết hợp; 9 dự án du lịch sinh thái; 7 dự án trồng rừng kinh tế; 4 dự án nuôi cá nước lạnh... Hầu hết các DN được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư có liên quan đến rừng và đất rừng tại huyện Lạc Dương đều chậm tiến độ thực hiện dự án. Nhiều dự án đã phải xin gia hạn quá hai lần.

Rừng thuộc dự án của Công ty CP Mai Viết bị tàn phá.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT), không ít dự án đến nay vẫn “án binh bất động” trong khi tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng, phức tạp, như Công ty TNHH L.S, Công ty CP A. T, Công ty CP địa ốc T. Đ, Công ty CP Đ.S, Công ty TNHH T.V...

Thời gian qua, PV Báo CAND đã tiếp cận nhiều dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng cho các DN tại huyện Lạc Dương. Tình trạng chung ở hầu hết các dự án này là triển khai không đúng tiến độ, không đúng nội dung trong GCNĐT được cấp thẩm quyền cấp, tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, san ủi, rừng bị tàn phá nghiêm trọng xảy ra khá phổ biến.

Một báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất nhiều nhất là dự án của Công ty TNHH Thành Phong, để mất 15,3ha rừng; Công ty CP Đạ Sar để mất 19ha rừng, để lấn chiếm 11,3ha; Công ty CP Mai Viết để lấn chiếm 11,9ha, mất 4ha rừng...

Có mặt tại dự án của Công ty CP Mai Viết, thuộc tiểu khu 93 và 123, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, PV Báo CAND chứng kiến cảnh người dân địa phương “nhảy dù” vào giữa dự án này ngang nhiên tàn phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất. Nhiều hécta rừng đã và đang bị đầu độc, cưa hạ, lấn chiếm, hàng loạt cây gỗ lớn thuộc rừng tự nhiên còn nằm ngổn ngang trên mặt đất. Rừng sau khi cưa hạ được dọn sạch bằng những mồi lửa hung tàn, cây gỗ cháy đen, nương ngô, cà phê và các loại cây ăn quả khác đua nhau mọc lên.

Nhiều cây thông cao vút, thẳng tắp, có đường kính gốc lên tới 50-60cm cũng bị cưa hạ la liệt trong thời gian dài. Tại khu vực này, một số căn nhà đã được dựng lên để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng lực lượng chức năng không có biện pháp ngăn chặn, giải tỏa khiến tình hình trở nên phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng xấu tới an tinh trật tự.

Theo xác minh của PV Báo CAND, tháng 6-2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp GCNĐT cho Công ty Cổ phần ĐTL với tên dự án là “Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái rừng, kết hợp trồng cây nông nghiệp đặc thù của địa phương và quản lý bảo vệ rừng”. Quy mô dự án là 180ha với tổng nguồn vốn hơn 210 tỷ đồng. Chậm nhất, tới năm 2012, DN này phải hoàn thiện toàn bộ dự án và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, tháng 5-2011, dự án trên lại được Công ty CP thương mại XNK Mai Viết tiếp nhận và được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp GCNĐT.

Theo tiến độ, chậm nhất tới năm 2013 dự án này phải hoàn thành và đi vào hoạt động. Dù vậy, đến nay các công trình, hạng mục đầu tư của dự án có tổng nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng này trên thực tế chỉ có trong hồ sơ. Ngoài thực địa, rừng bị lấn chiếm, tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng, chưa có bất kỳ hạng mục đầu tư nào theo GCNĐT ngoài khu vực nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp của DN.  

Theo Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương, hầu hết các dự án có liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn đều để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất, phát sinh tranh chấp đất kéo dài với người dân. Ngoài việc chậm tiến độ, nhiều DN từ khi được giao dự án tới nay không triển khai thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư, không có biện pháp bảo vệ rừng. Các dự án trồng rừng không có hiệu quả, chủ yếu là trồng để đối phó, không quản lý, chăm sóc dẫn đến rừng sau khi trồng bị chết hàng loạt, điển hình là tại Công ty Cổ phần Đạ Sar, Công ty TNHH Đặng Gia, DNTN Bích Đào...

Trong 37 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp GCNĐT tại huyện Lạc Dương, có ít nhất 26 doanh nghiệp để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích thống kê sơ bộ trên 213ha, gây thiệt hại 665m3 gỗ. Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương nhận định, hiện nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp trên lâm phần đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các DN thuê đất, thuê rừng diễn biến hết sức phức tạp. Việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng tại các DN chưa kịp thời, không dứt điểm.

“Hầu hết các DN còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan nhà nước về rừng, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm trong lâm phần đã được cho thuê để thực hiện dự án!..”, ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết.

Trước thực trạng trên, Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương đã có báo cáo UBND huyện xem xét, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi một số dự án để xảy ra nhiều sai phạm, không triển khai các hạng mục theo đúng GCNĐT.

Khắc Lịch
.
.
.