Nhà máy bị lấp cổng: Gần 3 tháng vẫn "án binh bất động"

Thứ Hai, 14/11/2016, 09:20
Bên ngoài nhà máy của Công ty Khoáng sản Việt Nam vẫn là các lán trại của người dân tự dựng lên như hơn 2 tháng trước, trong lán luôn cắt cử từ 5 đến 7 người trông nom 24/24h…


Thiệt hại từ việc ngừng sản xuất

Sau 2 tháng kể từ khi Báo CAND có bài điều tra về việc người dân lấp cổng không cho Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam (Công ty Khoáng sản Việt Nam), trụ sở tại Cụm công nghiệp Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, hoạt động, chúng tôi trở lại Hải Dương.

Bên ngoài nhà máy vẫn là các lán trại của người dân tự dựng lên như hơn 2 tháng trước, trong lán luôn cắt cử từ 5 đến 7 người trông nom 24/24h. Lý do mà người dân đưa ra là nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường, họ phải làm như vậy để tạo sức ép buộc di dời nhà máy ra khỏi khu vực.

Nhà máy của Công ty Khoáng sản Việt Nam vẫn bị lấp kín cổng.

Theo ông Hà Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Khoáng sản Việt Nam thì sự việc vẫn diễn biến như cách đây 3 tháng, người dân vẫn cắm lều bạt, không cho nhà máy mang nguyên liệu vào sản xuất. Công nhân của nhà máy ra vào đều bị người dân kiểm soát, chỉ được mang thức ăn, còn nguyên liệu sản xuất và các vật dụng để vận hành nhà máy đều bị ngăn cản.

“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để xây dựng cơ sở hạ tầng của Cụm công nghiệp cũng như đầu tư vào nhà máy. Hiện nay, mỗi tháng công ty vẫn phải trả lương công nhân, trả tiền thuê bến bãi (tàu chở nguyên liệu nằm trên cảng) lên tới vài trăm triệu. Nếu cứ tiếp tục ngừng sản xuất, bị lấp cổng thì thiệt hại rất lớn”.

Theo Trung tá Lê Văn Nghị, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Hải Dương thì ngay sau khi nhận được tin người dân đổ gạch đá, căng dây thép lấp cổng nhà máy, cho người chặn tất cả các ngả đường, ngăn cản công nhân không cho ra vào, gây áp lực với nhà máy, Phòng PC49 chủ động nắm tình hình, tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo các phòng ban chức năng xác minh, làm rõ, nhằm ổn định nội bộ nhân dân, không để tình hình phức tạp.

Việc trước mắt là trong thời gian sớm nhất vận động người dân tháo dỡ để doanh nghiệp hoạt động, lấy mẫu đánh giá, lúc đó mới đưa ra kết quả nhà máy có gây ô nhiễm môi trường hay không. 

“Chúng tôi sẵn sàng để cơ quan chức năng vào kiểm tra, lấy mẫu phân tích kết quả về môi trường. Nhưng nhà máy không có nguyên liệu sản xuất thì làm sao mà vận hành để lấy mẫu được. Công ty đề nghị tỉnh Hải Dương phải có giải pháp cho chúng tôi được mở cửa ra vào, bỏ đất đá lấp kín cổng công ty”- ông Hà Quang Hoàng nói.

Vẫn là chờ… vận động

Một doanh nghiệp bị lấp cổng gần 3 tháng nay là câu chuyện khá hy hữu khi chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động của tỉnh Hải Dương đang được triển khai có hiệu quả.

Để làm rõ việc Công ty Khoáng sản Việt Nam có gây ô nhiễm môi trường như khiếu nại của người dân hay không, ngày 6-10-2016, Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra tại Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim của Công ty Khoáng sản Việt Nam.

Tại thời điểm thanh tra, Đoàn thanh tra đã không lấy mẫu môi trường do Công ty không thể vận hành nhà máy vì người dân dựng hàng rào trước cổng, cản trở việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Ngày 20-10, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 2490 gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp, xử lý việc người dân phong tỏa cổng nhà máy để công ty có thể tạm thời hoạt động trở lại, phục vụ việc lấy mẫu môi trường theo quy định (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiến hành thanh tra).

Kết quả lấy mẫu phân tích môi trường sẽ là cơ sở để Đoàn thanh tra đánh giá, xác định các vi phạm của Công ty (nếu có) và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Sau khi nhận được công văn của Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo giao cho UBND huyện Kinh Môn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường vận động, yêu cầu người dân khu 7, xóm Đầm Mới, thị trấn Phú Thứ tự nguyện tháo dỡ các vật cản để Công ty có thể tạm thời hoạt động trở lại phục vụ cho việc Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường lấy mẫu theo quy định...”.

Theo ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương thì đến nay UBND huyện Kinh Môn chưa có báo cáo về UBND tỉnh kết quả giải quyết nội dung yêu cầu này.

Nửa tháng trôi qua sau khi UBND tỉnh Hải Dương có ý kiến chỉ đạo, UBND huyện Kinh Môn mới tổ chức đoàn công tác vào nhà máy để kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: “Nếu nguyên liệu trong nhà máy còn đủ vận hành để lấy mẫu kiểm tra thì sẽ thống nhất ngày giờ để nhà máy vận hành sản xuất.

Nếu theo tiêu chuẩn mà nguyên liệu còn lại trong nhà máy không đủ thì lúc đó sẽ tính đến giải pháp vận chuyển vào. Người dân dựng lều bạt cố thủ ngoài cổng nhà máy là để chờ xem cơ quan chức năng giải quyết như thế nào. Quan điểm của huyện nếu cưỡng chế, giải tỏa người dân dựng lều bạt, lấp cổng là rất khó, chúng tôi vẫn dùng biện pháp vận động, thuyết phục người dân tự tháo dỡ”.

Thiết nghĩ, việc tự ý lấp cổng không cho nhà máy hoạt động là việc làm vi phạm pháp luật, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương thì biện pháp giải quyết đưa ra lúc này được cho là “thấu tình đạt lý”. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục vận động mà người dân không tự tháo dỡ thì chính quyền tỉnh Hải Dương cần phải có giải pháp mạnh hơn để sự việc được giải quyết công bằng, mang lại hiệu quả đầu tư cũng như bảo vệ môi trường.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.