Nguồn nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm chảy ra sông Cầu Đỏ có đáng lo ngại?

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:08
Trong những năm qua, nước thải sau xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng) chảy lộ thiên ra hệ thống kênh mương, qua đồng ruộng rồi đổ vào sông Cầu Đỏ, chỉ cách nhà máy nước về phía thượng lưu chưa đầy 200m.

Trong khi, Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay sử dụng nước sông Cầu Đỏ để sản xuất làm nhiều người dân lo ngại. Vì, họ từng chứng kiến những khi trời mưa, nước thải lẫn nước mưa từ khu công nghiệp chảy ra xối xả với màu nước đục, bốc mùi xú uế, mùi dầu diezel…

Tuy nhiên, Trưởng ban Quản lý dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm khẳng định, nước thải sau xử lý đều đạt rất sâu so với chuẩn A nên không đáng ngại với môi trường...

Chỉ cách nhà máy nước 185m!

Khu vực xả thải nước mưa từ khu công nghiệp Hòa Cầm có diện tích 136,7ha ra môi trường có vị trí tại cuối đường số 1 thông qua một miệng cống hộp. Từ đây, cũng có một đường ống HPDE cỡ lớn dẫn nước thải đã qua xử lý từ trạm xử lý nước thải đi qua một số nhà dân đã giải tỏa rồi chảy lộ thiên vào mương thoát nước ở giáp khu vực dân cư tổ 7A, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Tuy nhiên, để tìm ra điểm xả thải lộ thiên này là không hề dễ dàng.

Ông Nguyễn Tấn Trình, người dân tổ 7D, phường Hòa Thọ Tây, dẫn chúng tôi đi tìm đường ống, chỉ vào các khu vực trước đây người dân đào hồ nuôi cá, ếch nay bị bồi lấp và chỉ trồng đám rau muống cằn cỗi, nói: “Người dân nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ, ếch chuẩn bị thu hoạch thì nước mưa lẫn nước thải chảy ra làm chết hết. Nước mưa từ khu công nghiệp cũng chảy ra quá mạnh làm đất cát bồi lấp cát, vậy là hết luôn hồ”.

Lội qua đồng cỏ xâm xấp nước vốn trước đây là đồng ruộng phải bỏ hoang do ảnh hưởng bởi nước thải, ông Trình dẫn chúng tôi đi dọc đường ống HPDE lẫn khuất trong cỏ và bụi rậm bên cạnh kênh dẫn nước thải trước đây. Đường ống bỗng nhỏ lại đột ngột sau một hố ga, chỉ bằng một nửa so với thượng lưu. Ngược lại sự trông đợi của chúng tôi, đến đoạn xả thải ra môi trường, đường ống không hề chảy một giọt nước.

Ông Trình cũng bày tỏ sự bất ngờ và khó hiểu: “Sao đường ống khô rốc thế nhỉ? Trước đây, nước chảy ra rất nhiều. Đặc biệt, cách đây 2 tuần, khi trời mưa, nước mưa lẫn nước thải chảy ra còn gây ngập nước hồ rau muống và có mùi hôi chua, mùi dầu diezel nữa. Có thể là do các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp xả lén nữa, chứ làm sao mà hôi thối như thế được”.

Hồ nuôi cá, ếch trước đây của ông Nguyễn Tấn Trình (tổ 7D, phường Hòa Thọ Tây) bị nước thải chảy ra bồi lấp hồ, làm chết cá.

Ông Trình chỉ cho chúng tôi hướng chảy của mương thoát nước thải đi qua cống dưới đường nhựa ở trước mặt xưởng gỗ, rồi băng qua đồng ruộng, qua cống băng đường Cầu Đỏ - Túy Loan, tiếp tục chảy vào mương qua đồng lúa, cuối cùng ra sông Cầu Đỏ.

“Tuyến mương thoát nước thải đổ vào sông Cầu Đỏ chỉ cách Nhà máy nước Cầu Đỏ chưa đầy 200m. Nhà máy nước lấy nước sông có lẫn nước thải của khu công nghiệp và ở gần như vậy khiến người dân rất lo lắng”, ông Trình nói.

Tìm hiểu, phía Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, đã tiến hành khảo sát và đo đạc, tuyến mương nước thải chỉ cách nhà máy nước Cầu Đỏ 185m.

Do đó, Công ty có báo cáo lên chính quyền TP Đà Nẵng để có hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chất lượng nguồn nước sản xuất để cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố được kiểm nghiệm luôn đạt các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.

Nước thải sau xử lý chảy ra môi trường là không đáng ngại?

Ông Bùi Đức Lợi, Trưởng ban Quản lý dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm khẳng định: “Trong hai năm qua, do chúng tôi trực tiếp giám sát chặt chẽ Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Cầm nên nước thải sau xử lý luôn đạt sâu chuẩn A trước khi xả ra môi trường, nước thải từ các doanh nghiệp khi chảy đến Nhà máy xử lý nước thải tập trung luôn đạt chuẩn B.

Hiện tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 85% với 54 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Cơ khí, kho bãi, điện, điện tử, lắp ráp, nên có rất ít nước thải, hầu như chỉ có nước thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân với mỗi ngày chỉ có từ 400-600 khối (m³) nước thải (trong đó, Công ty Điện tử Foster chiếm từ 60-70% nước thải).

Chúng tôi cũng đã quản lý đến 80% trữ lượng nước cấp đối với mỗi doanh nghiệp, với cách quản lý đầu vào như vậy đã hạn chế tối đa việc doanh nghiệp xả lén nước thải ra môi trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp ở đây đều đã cam kết bảo vệ môi trường, điều mà các khu công nghiệp khác khó làm được.

Vừa qua, cũng đã có đoàn chuyên gia Đức đến hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ chúng tôi trong công tác quản lý và xử lý nước thải, đặc biệt là phương pháp hồi lưu xử lý nước thải nên chỉ tiêu về nước thải sau xử lý đều đạt rất sâu so với chuẩn A. Với trữ lượng nước thải ít ỏi và được xử lý tốt như vậy thì không đáng ngại với môi trường”.

Được biết, vào ngày 2-7, UBND TP Đà Nẵng đã có Thông báo số 163/TB-VP giao UBND quận Cẩm Lệ phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành giải tỏa, di dời đối với 19 hộ dân ở tổ 7A, phường Hòa Thọ Tây, chịu ảnh hưởng trực tiếp sau đường ống xả thải.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Công ty CP Đầu tư Khu Công nghiệp Hòa Cầm khẩn trương thực hiện xây dựng tuyến ống dẫn nước thải sau xử lý của khu công nghiệp về hạ lưu Nhà máy nước Cầu Đỏ (cách Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 500m về phía hạ lưu, gấp đôi so với phạm vi bảo vệ nguồn nước mặt tính từ điểm lấy nước xuôi hạ nguồn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng).

Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất về việc quy hoạch Khu công nghiệp phía Tây Khu công nghiệp Hòa Cầm với diện tích khoảng 40ha để phục vụ bố trí di dời các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố (các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư khiến người dân rất bức xúc), trước mắt quy hoạch từ 10 – 20ha để triển khai trước...

Khi người dân hết lo lắng với nước thải từ khu công nghiệp Hòa Cầm hiện tại chảy ra sông Cầu Đỏ gây quan ngại cho nguồn cấp nước sinh hoạt thì trong tương lai, liệu nước thải từ các cơ sở sản xuất từng gây bức xúc cho người dân trong các khu vực dân cư về ô nhiễm môi trường được di dời về đây có làm ô nhiễm nguồn nước sông Cầu Đỏ, nơi cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân Đà Nẵng?

Viết Nam
.
.
.