Người trồng rừng lo lắng vì thông tin thu hồi đất rừng

Thứ Hai, 09/01/2017, 10:54
Gần 40 hộ dân ở xã miền núi Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) trồng rừng, sống dựa vào rừng từ hàng chục năm nay, đang lo lắng trước thông tin Công ty Lâm nghiệp (CTLNĐ 9) triển khai thu hồi đất rừng này…

Tìm hiểu sự việc, các hộ dân trồng rừng ở đây cho biết: “Cách đây hàng chục năm, bà con chúng tôi thấy đất đai Nhà nước để trống không làm gì, nên tiến hành khai hoang, trồng rừng để phát triển sản xuất. Nhiều năm sau đó, chúng tôi cũng không thấy có ai đến hỏi han, thắc mắc gì. Nhưng nay CTLNĐ 9 đòi thu hồi, khiến chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng”. 

Chúng tôi theo chân người dân đến khu vực rừng đang xảy ra hiện tượng gần như là tranh chấp, giữa một bên là người dân khai thác đất trồng rừng và một bên là CTLNĐ 9 quản lý rừng và đất rừng. Khu vực này có hai loại cây trồng, một là cây rừng kinh tế và hai là cây hoa màu, chủ yếu là sắn được trồng sau một chu kỳ thu hoạch rừng. 

Người dân trồng rừng ở xã Cam Thành lo lắng trước thông tin CTLNĐ 9 thu hồi đất rừng.

Ông Trần Minh Dũng, thôn Cam Phú 3, xã Cam Thành lo lắng nói: “Người dân bao nhiêu năm nay thấy đất rừng bỏ trống thì trồng cây, mong xóa đói giảm nghèo; cũng không thấy ai ngăn cấm, răn đe. Bà con bỏ công và vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng rừng, nhưng nay bị thu hồi thì khó có thể xóa đói giảm nghèo được”. 

Thực tế người dân tổ chức khai hoang đất để trồng rừng kinh tế, cây hoa màu đã diễn ra từ hàng chục năm nay không chỉ ở xã Cam Thành mà còn nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đơn cử, xã Cam Tuyền có đến 200ha đất do bà con khai hoang như trên để trồng rừng kinh tế và cây hoa màu, đến nay đã thu hoạch qua nhiều chu kỳ khai thác. 

Ông Nguyễn Văn Tâm, thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền bộc bạch: “Dân chúng tôi ở đây khai hoang phục hóa từ những năm 1977, 1978, nghĩa là từ trước khi CTLNĐ 9 có mặt ở đây. Do đó, khi công ty này nói thu hồi đất khiến bà con chúng tôi khó thể đồng tình”.

CTLNĐ 9 có 100% vốn Nhà nước, được Nhà nước giao quản lý và sử dụng trên 4.000ha rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ, trong đó có gần 3.200ha rừng sản xuất và hơn 900ha rừng phòng hộ đầu nguồn.

Theo báo cáo của công ty này, thì việc xảy ra xâm lấn đất rừng và rừng trên địa bàn huyện này là cực kỳ nghiêm trọng. Bởi diện tích bị xâm lấn đến nay đã gần 1.000ha trong tổng số hơn 4.000ha kể trên. 

Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương chỉ đạo các ban ngành và địa phương vào cuộc. Theo đó, ngày 13-9-2016, tại huyện Cam Lộ đã diễn ra một phiên họp do Sở TN&MT Quảng Trị chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Cam Lộ và các lãnh đạo các xã Cam Thành, Cam Tuyền và Cam Chính, cùng với lãnh đạo CTLNĐ 9. 

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc CTLNĐ 9 cũng thừa nhận công tác quản lý của công ty thời gian qua là yếu kém. Tựu trung các ý kiến trong cuộc họp đều thống nhất cao là việc thu hồi đất rừng cần phải có lộ trình, quan tâm đến tính lịch sử của vấn đề cũng như đời sống người dân; cần chú trọng đến biện pháp tuyên truyền giáo dục, bên cạnh việc thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và CTLNĐ 9 cần chú trọng phối hợp, thống nhất với các địa phương, các ngành trong quản lý và bảo vệ rừng.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ thẳng thắn trao đổi: “Chúng ta luôn luôn yêu cầu và mong muốn người dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trong đó có pháp luật bảo vệ rừng. Rất cần phải nghiêm khắc với những đối tượng cố tình ngoan cố làm trái pháp luật. Nhưng mặt khác cũng cần quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hàng trăm hộ dân, cốt tìm cho ra một giải pháp tối ưu an sinh để an dân”. 

Thiết nghĩ, người nông dân đã bỏ công sức nhiều năm, cùng tiền bạc chắt chiu dành dụm để đầu tư trồng rừng, mong xóa đói giảm nghèo là một việc làm chính đáng. Mong rằng, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ cần phối hợp với CTLNĐ 9 có một giải pháp thấu tình đạt lý, nhằm tránh sự thiệt thòi cho người trồng rừng như trường hợp đã nêu trên.

P.T.Bình
.
.
.