Người dân mong di dời nhà máy thép ô nhiễm ở Đà Nẵng

Thứ Tư, 28/02/2018, 20:06
Chiều ngày 28-2, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã trực tiếp có mặt tại thôn Vân Dương 2 để đối thoại với các hộ dân. Tuy nhiên nguyện vọng “được di dời” của người dân khỏi nơi ô nhiễm do hai nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc gây ra vẫn chưa được giải quyết…


Sau sự việc hàng trăm hộ dân sống tại thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trắng đêm “vây” hai nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc vì tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sinh hoạt vào chiều tối ngày 26-2. 

Vào 14h chiều ngày 28-2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Hồ Kỳ Minh cùng đại diện 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đã tổ chức trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên.

Người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 đối thoại với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về việc 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm môi trường.

Tại cuộc đối thoại, một người dân đại diện thôn Vân Dương 2, ông Lê Dân đã bức xúc phát biểu: Việc đối thoại, họp về 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc diễn ra không ít hơn 20 lần, quá nhiều lần lãnh đạo thành phố đã đối thoại với người dân nhưng hiện người dân vẫn “sống chung với ô nhiễm, bệnh tật” từ ô nhiễm của hai nhà máy thép gây ra. Hiện mong muốn duy nhất và cấp thiết của người dân đó là chính quyền TP quyết định dời dân đi hay dời nhà máy đi. Nếu dời dân đi thì xin lãnh đạo TP nói rõ khi nào di dời, cần bao lâu, 1 năm hay nửa năm.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ông Hồ Kỳ Minh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên vào chiều ngày 28-2. 

Cùng chung tình cảnh với ông Dân, hàng trăm người dân có mặt trong buổi đối thoại đã đồng loạt giơ tay có ý kiến. Đa số ý kiến đó đều nhắc lại như lời ông Dân: Đó là chính quyền cần một cái quyết định dứt khoát về việc di dời dân hay nhà máy. 

Nhà máy thép Dana Ý.

Ông Ngô Lộc (tổ 3, thông Vân Dương 2) chia sẻ: “Tình trạng này đã kéo dài gần chục năm nay. Hoa màu thất thoát, ruộng cũng không canh tác được. Không khí thì ô nhiễm, mỗi lần nhà máy hoạt động là thải khí CO2 độc hại ra môi trường. Chưa kể, nước thải sản xuất làm đất đai ô nhiễm nghiêm trọng, cây cối cứ mọc lên là chết yểu hết”. 

Người dân cũng bức xúc cho biết, tình trạng ô nhiễm gây nhiều bệnh tật, hàng chục người dân của cả 2 thôn bị ung thư đang điều trị, nhiều người dân thì mắc các bệnh u bướu, bệnh đường hô hấp.... Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm, hay lời hứa di dời cho người dân khỏi vùng ô nhiễm hiện vẫn chưa thực hiện. Và nhà máy thép này vẫn hàng ngày tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Theo Ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2, chính quyền TP. Đà Nẵng hứa cuối năm 2017 sẽ di dời khoảng 50% số hộ dân ra khỏi khu vực nhà máy. Trong năm 2018 này sẽ giải tỏa dứt điểm. Nhưng hiện nay, công tác di dời dân chưa thực hiện như kỳ vọng…

Tại cuộc đối thoại ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ với bà con nơi cạnh nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc việc sống bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm trong mấy năm qua. Bản thân ông đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đối thoại, họp với bà con về vấn đề ô nhiễm của hai nhà máy rất nhiều lần. Lãnh đạo thành phố thừa nhận rằng hai phương án được đưa ra là di dời nhà máy hoặc di dời dân là  không tối ưu nhưng bắt buộc chính quyền thành phố phải chọn một phương án. 

Cũng theo ông Minh, việc di dời bà con đi là rất khó vì thành phố đang khó khăn về quỹ đất bố trí tái định cư. Nếu có thì lộ trình đến năm 2020 mới có đất tái định cư, ngoài ra cần có vốn giải tỏa nhưng không có, phải đề nghị hai nhà máy thép bỏ tiền ra rồi sau đó trả lại….

Trước dư luận lên tiếng về sự việc trên, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các nhà máy dừng sản xuất để khắc phục hậu quả ô nhiễm. Đồng thời, đích thân Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng đoàn kiểm tra đã thị sát việc gây ô nhiễm của 2 nhà máy thép trên và yêu cầu triển khai gấp việc giải tỏa, tái định cư các hộ dân tại khu vực này. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Hòa Vang, Công ty cổ phần thép DANA - Úc, Công ty cổ phần thép DANA - Ý và các cơ quan đơn vị liên quan tính toán, lập phương án về khai thác quỹ đất nằm trong khoảng cách ly an toàn đối với nhà máy thép theo quy định của pháp luật (về nguyên tắc, kinh phí giải tỏa khoảng cách ly an toàn do các công ty chịu trách nhiệm đảm bảo và thành phố sẽ giao khu vực này cho các công ty khai thác theo quy hoạch của thành phố). Tuy nhiên, câu trả lời dân đi hay nhà máy thép đi vẫn còn bỏ ngỏ trong sự căng thẳng của người dân lẫn chính quyền TP Đà Nẵng.

Hoài Thu
.
.
.