Bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông trường:

Người dân mong chờ giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng - Bài cuối

Thứ Hai, 01/10/2018, 09:59
Ở Ba Vì, không chỉ riêng địa bàn xã Yên Bài đang gặp rắc rối, phức tạp vì sự quá chậm trễ trong việc phân định quản lý đất đai. Cả huyện có tổng số 12 nông, lâm trường cũng ở tình trạng trên.


Mặc dù đã có hành lang pháp lý để giải quyết, thực hiện chuyển giao nhằm gỡ vướng cho công tác quản lý, ổn định đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không tích cực giải quyết dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, có hành lang pháp lý để thực hiện.

Bàn giao nửa vời

Tại Kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển ký đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo: 

Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa tại Nông trường Việt Mông. Đề xuất cho phép Công ty CP Việt Mông được nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tỷ lệ ½.000 và đầu tư dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”. 

Phần đất nằm ngoài dự án, Công ty CP Việt Mông bàn giao cho UBND TP Hà Nội quản lý; UBND TP Hà Nội thực hiện kiểm tra, rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đất đai. 

Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Còn người dân thì tiếp tục không đồng tình với dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” bởi họ nghi ngờ có dấu hiệu của lợi ích nhóm.

Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có tới 12 nông trường cũng đang ở tình trạng tương tự. Trước đây, việc quản lý các nông, lâm trường theo hình thức tập trung bao cấp đã hình thành nên những khu dân cư với nhiều thế hệ sinh sống, nhiều nông trường có quy mô về diện tích và dân số tương đương với một xã. 

Bởi vậy, việc chuyển giao nhân hộ khẩu cho chính quyền quản lý là tất yếu. Tuy nhiên, sự chuyển giao không đồng bộ dẫn đến những bất cập kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Nhiều công trình xây dựng dở dang trên đất nông trường.

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì quản lý 655,5ha đất, chủ yếu sử dụng thông qua giao khoán đất cho các hộ và một số tổ chức. Có 680 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức được giao khoán với diện tích 279,2798ha. 

Đến nay, số nhân khẩu, hộ khẩu là những cán bộ nhân viên thuộc trung tâm bàn giao về cho địa phương quản lý tại xã Tản Lĩnh và Vân Hòa với tổng số 801 hộ và gần 2.700 nhân khẩu. 

Các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống của nhân dân cũng như đất ở, đất sản xuất của người dân không được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa sử dụng 22/221,41ha đất được giao nhiệm vụ chăn nuôi để giao khoán trồng cây lâu năm và giao đất làm nhà ở và đất vườn. Năm 2008, địa phương nhận bàn giao quản lý 192 hộ với 719 nhân khẩu. Tuy nhiên, các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống cho nhân dân lại không được chuyển giao cho địa phương quản lý.

Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì được giao 210,63ha quản lý tập trung đất rừng và rừng cây lâm nghiệp, không giao khoán, chỉ giao cho công nhân và hộ dân quanh vùng làm nhiệm vụ trông nom bảo vệ. Từ năm 2004 đến nay, có 183 hộ với 671 nhân khẩu được bàn giao cho hai xã Minh Quang và Ba Trại là các CBCNV của đơn vị. Các công trình phúc lợi công cộng cũng như đất đai phục vụ đời sống của người dân cũng vẫn do Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì quản lý.

Xí nghiệp Nông lâm nghiệp sông Đà, Xí nghiệp Dứa Suối Hai, Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì (Trại gà Cu Ba), Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì, Xí nghiệp Giống cây trồng TW Ba Vì… cũng ở tình trạng bàn giao nửa vời. 

Tức là việc quản lý nhân hộ khẩu của CBCNV được bàn giao về địa phương, nhưng các công trình phúc lợi, đất đai vẫn thuộc quyền quản lý của các đơn vị này dẫn đến hàng loạt khó khăn trong đời sống nhân dân. 

Theo đánh giá của UBND huyện Ba Vì, hiệu quả sử dụng đất tại các đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp đều kém; giao nộp ngân sách cho Nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp đều ở mức thấp.

Có lối nhưng không đi?

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì cho biết, đã có nhiều đoàn giám sát của Quốc hội về đây làm việc, và địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, nhưng những vướng mắc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc giao người sinh sống trên đất nông trường về cho địa phương quản lý đã được thực hiện từ năm 2008, nhưng đất thì chưa. 

Trước thực trạng ảnh hưởng tới công tác quản lý và đặc biệt là đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, UBND huyện Ba Vì đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, tổ chức nông, lâm trường nghiêm túc thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2015/TT-BNNPTNT và xây dựng đề án sắp xếp tổng thể các đơn vị nông, lâm nghiệp, trong đó xác định nông, lâm trường phải có nghĩa vụ, quyền lợi như các tổ chức sử dụng đất khác.

UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị TP Hà Nội cho phép xử lý cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình theo phương án: 

Đối với diện tích đất ở được xử lý theo điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản…- PV).

Đối với diện tích đất nông nghiệp, đề nghị cho phép cấp chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu tại địa phương và đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức đất bình quân chung về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ở xã đó. Phần diện tích đất còn lại chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm. 

Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì cho phép lập hồ sơ thuê đất trả tiền hàng năm với nhà nước theo mục đích hiện trạng đang sử dụng. 

Đối với tổ chức đang sử dụng đất yêu cầu lập dự án đầu tư và lập hồ sơ thuê đất với UBND TP. Đối với các hộ xây dựng công trình và làm nhà ở không phù hợp quy hoạch là đất ở thì kiên quyết xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng.

Những vướng mắc xung quanh việc chuyển giao đất nông, lâm trường về cho địa phương quản lý diễn ra trên diện tích rộng, nhưng bức xúc nhất, phức tạp nhất là ở xã Yên Bài. Tình trạng vi phạm trong xây dựng, quản lý đất đai cũng diễn ra nhiều, cho thấy công tác quản lý yếu kém. Thế nên, việc phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý đất đai ở đây cần phải thực hiện ngay, để kéo dài sẽ càng phức tạp. 

Trong khi đó, UBND huyện Ba Vì phải nhiều lần ra văn bản yêu cầu các cá nhân, đơn vị phải giữ nguyên hiện trạng, cấm chuyển nhượng đất trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đất đai. Đề nghị UBND TP Hà Nội; Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết quyền lợi cho người dân để ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế.

Ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, mặc dù chính quyền mới tiếp nhận nhân khẩu, chưa tiếp nhận bàn giao đất đai nhưng huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống dân sinh như làm đường giao thông, trường học… 

Người dân muốn cấp bìa đỏ, nhưng không ủng hộ các dự án triển khai bởi người dân cho rằng, nhận khoán rồi là đất của họ. Những vướng mắc hiện tại ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con nhân dân ở đây, bà con không an cư lạc nghiệp. 

Việc này cũng dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển đổi đất không qua chính quyền (còn gọi là mua bán trao tay) phát sinh phức tạp, Nhà nước không quản lý được. 

Điều 17, Nghị định 118/2014/NĐ-CP quy định:

1. Trường hợp diện tích đất mà công ty nông, lâm nghiệp đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là CBCNV của công ty đang làm việc, đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở, làm vườn, ao gắn liền với nhà ở trong khu dân cư trước ngày 1-7-2004 được UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 103 Luật Đất đai.

2. Trường hợp công ty nông, lâm nghiệp giải thể thì UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh lập phương án bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cư trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. 

Việt Hà – Trần Huy
.
.
.