Mùa dịch, doanh nghiệp cẩn trọng để tránh bồi thường hợp đồng

Thứ Ba, 07/04/2020, 08:51
Nợ ngân hàng không gánh nổi lãi, cổ đông lần lượt rút vốn, công nhân nghỉ hàng loạt, đối tác bồi thường hợp đồng… đó là những tác động dây chuyền khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ đóng cửa, giải thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nói về tình trạng hiện nay của DN mình, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, chia sẻ: “Các loại quần áo trẻ em công ty sản xuất chủ yếu để tiêu thụ dịp hè, thu đông. Nhưng với tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, sản phẩm của công ty làm ra gần như không tiêu thụ được, chất hàng đống trong kho. Không thu hồi được vốn, nếu cứ tiếp tục duy trì thì công ty không kham nổi lương trả cho công nhân, cho nên tạm thời công ty phải cho hơn 80% công nhân tạm nghỉ việc”.

Giám đốc một DN chuyên sản xuất hàng thời trang ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) than, trước Tết Nguyên đán, DN ký một số đơn hàng gia công cho đối tác nước ngoài thực hiện cho đến tháng 6-2020. Tuy nhiên, ngay sau Tết, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc - thị trường nhập nguyên phụ liệu dệt may chính của DN. Trong khi đó, nguyên phụ liệu còn dự trữ sẵn trong kho của DN chỉ đủ sản xuất cho đến hết tháng 3 vừa qua. Không nhập được nguyên phụ liệu để sản xuất, DN đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng cho đối tác.

Theo đánh giá của các DN, với tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên toàn cầu chưa thấy dấu hiệu chấm dứt, thì hậu quả sẽ còn kéo dài. Dự đoán sức mua trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm mạnh vì nhiều người dân bị mất nguồn thu nhập do ảnh hưởng dịch, không đi làm. Còn DN thì không gồng nổi do phài gánh hàng loạt các khoản chi phí như lương công nhân, tiền mặt bằng, lãi vay ngân hàng, thuế... Nhưng lo lắng nhất của DN đó là phải đền bù thiệt hại cho đối tác, nếu DN không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

“May mặc là một trong những ngành đang gặp phải khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bắt đầu dịch bệnh COVID-19, hiện tượng đóng biên, không giao được hàng đã xảy ra. Dịch bệnh càng nguy hiểm, các biện pháp phòng ngừa càng được thắt chặt như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, không mở cửa hàng kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu. Vì ảnh hưởng trên mà sự kiện bất khả kháng bỗng trở nên “đắt hàng”.

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, tại VIAC có rất nhiều hợp đồng có quy định về sự kiện bất khả kháng (BKK) như dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai. Bên cạnh đó, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về hệ quả của việc này.

Theo phân tích của PGS.TS Đỗ Văn Đại, sự kiện BKK hội tụ 3 điều kiện, gồm: yếu tố khách quan, không lường trước được và không thể thực hiện được. Vì vậy, khi thỏa thuận soạn thảo, ký kết hợp đồng và phương thức xây dựng điều khoản về sự kiện BKK để hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, DN cần lưu ý ở góc độ pháp lý, Bộ luật Dân sự Việt Nam đưa ra khái niệm BKK dựa vào 3 yếu tố trên. Xét về mặt pháp lý thì ban đầu bản thân dịch COVID-19 không phải là sự kiện BKK, bởi vì một trong những yếu tố của BKK là không thể thực hiện được.

Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, khi dịch bùng phát thì cơ quan công quyền đã đưa ra lệnh không cho hoạt động và lệnh này trở thành BKK. Trong trường hợp có xảy ra thiệt hại thì về nguyên tắc, người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, luật cũng cho phép trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận lại. Do đó tùy theo quan hệ giữa các bên, khi xảy ra thiệt hại xuất phát từ lệnh cấm đó, thì các bên hoàn toàn có thể cùng chia sẻ rủi ro. Các bên nên quy định rõ về nghĩa vụ thông báo khi có sự kiện BKK xảy ra để giảm bớt tối đa nhất những thiệt hại sẽ phát sinh.

Để giúp DN gánh chịu ít thiệt hại nhất có thể khi phát sinh sự kiện BKK, Luật sư Nguyễn Quốc Vinh, Giám đốc Công ty Luật Tilleke & Gibbins - Trọng tài viên VIAC, khuyên DN lưu ý: Trước khi giao kết hợp đồng, DN luôn suy nghĩ xem rằng các điều khoản về BKK có phù hợp với hợp đồng của mình. Không phải mọi hợp đồng mà điều khoản BKK đều được áp dụng (ví dụ như hợp đồng tặng cho, hợp đồng vay). Tuy nhiên, rất nhiều các hợp đồng sẽ cần có điều khoản về BKK (hợp đồng mua bán, xây dựng, cung cấp dịch vụ).

Nếu hợp đồng của mình cần có điều khoản BKK thì phải xem xét xem điều khoản BKK được soạn thảo như thế nào? Lưu ý rằng danh mục các sự kiện BKK được liệt kê tại hợp đồng rất quan trọng, nó có thể bao gồm cả những trường hợp bất lợi cho mình; Tại các điều khoản về BKK đã có quy định về nghĩa vụ thông báo, thời hạn gia hạn hợp đồng, hậu quả của BKK hay chưa?

Khi hợp đồng đã được giao kết, nếu đã thỏa mãn các điều kiện luật định về BKK, thì DN cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Nếu trường hợp không thỏa mãn điều kiện BKK, cần cân nhắc xem mình có đủ điều kiện áp dụng Điều 420 Bộ luật Dân sự để yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Thúy Hà
.
.
.