Mới dọa siết nhà đã lòi ra sai phạm

Thứ Ba, 07/06/2016, 09:35
Gần đây, khi một loạt vụ việc chủ đầu tư dự án tại TP Hồ Chí Minh đem dự án chung cư đi thế chấp ngân hàng, đến hạn không thể thanh toán bị vỡ lở khiến những người đã mua căn hộ tại các chung cư phát hoảng. Phần vì lo khi căn hộ chung cư đã bị đem đi thế chấp, phần thì bức xúc do bị chủ đầu tư lừa.


Nói như một số người dân ở chung cư Ruby Land, không hoảng sao được khi nhà mua, dọn về ở đã gần chục năm chưa có sổ, nay lại phát hiện chủ đầu tư đem tài sản của mình đi cắm ngân hàng. 

Như vậy là còn nhẹ so với việc hàng ngàn người dân sống trong 600 căn hộ chung cư Harmona ở quận Tân Bình đang phải từng ngày đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng siết nhà thay cho chủ dự án. Bởi theo thông báo của chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn, thời hạn bàn giao tài sản thế chấp là vào ngày 9-6 tới.

Lật giở lại vụ việc, cách đây hơn 2 năm, chi nhánh BIDV - Bắc Sài Gòn đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Thanh Niên vay 327 tỷ đồng để đầu tư dự án chung cư Harmona. Tài sản thế chấp cho hợp đồng vay vốn này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án chung cư Harmona của Công ty CP Vật tư XNK Tân Bình. Đến nay chủ dự án vẫn chưa trả hết nợ. 

Dự án chung cư Harmona.

Vụ việc đổ bể những ngày gần đây, một số người dân mua nhà, sinh sống ở đây còn phát hiện thêm rằng có những căn hộ có 2 hợp đồng và một trong 2 hợp đồng này đã bị đem đi cầm cố cho ngân hàng. 

Điều này cũng phù hợp với thông tin được đại diện chủ đầu tư là ông Vũ Tuấn Khanh thừa nhận, rằng “Dự án Harmona có khoảng 36 căn hộ đã bị đem đi thế chấp kéo dài quá hạn thanh toán”. 

Trên thực tế, đã có đến vài chục hộ dân tại tòa nhà nhận được thông báo siết tài sản đảm bảo từ phía ngân hàng từ cách đây một vài tháng mặc dù họ không vay BIDV. Hiện tượng 1 căn hộ đem thế chấp 2 lần, rồi vừa bán vừa đem thế chấp như vậy khiến nhiều người dân ở chung cư Harmona buộc phải nghi ngờ rằng mình bị chủ đầu tư lừa.

Sự việc vỡ lở với một loạt dấu hiệu sai phạm, không thể không nhắc đến trách nhiệm của phía ngân hàng. Bởi khi thông tin trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện chi nhánh NH này đã khẳng định: Trong hợp đồng tín dụng ký kết giữa ngân hàng và đại diện chủ đầu tư về việc tài trợ dự án Harmona đều có điều khoản nêu rõ việc chuyển nhượng tài sản khi chưa trả hết nợ phải có ý kiến chấp thuận của ngân hàng. Tiền bán căn hộ từ dự án phải được chuyển về tài khoản tại BIDV để thu nợ.

Do đó việc chủ dự án đã bán hết căn hộ cho khách hàng mà không chuyển tiền về tài khoản của chi nhánh NH là vi phạm cam kết giữa hai bên nên chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm. Nhưng ngoài chuyện giám sát tài sản đảm bảo và theo dõi việc thu tiền bán căn hộ lỏng lẻo, thì cách xử lý nợ của chi nhánh NH này cũng trước sau bất nhất.

Bởi theo cam kết giữa đại diện bên vay với Phó giám đốc chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn vào ngày 26-5, thì đến ngày 15-6 đơn vị này sẽ tất toán toàn bộ khoản vay với ngân hàng. Tuy nhiên trước đó, vào ngày 24-5 Giám đốc chi nhánh ngân hàng này đã có thông báo sẽ tiến hành thu hồi tài sản là dự án chung cư Harmona vào ngày 9-6.

Báo cáo với quận Tân Bình và các cơ quan liên quan về việc này trong ngày 26-5, bà Lê Thị Diệu Phú, tổng giám đốc Công ty CP Vật tư XNK Tân Bình cam kết chậm nhất là ngày 20/6 chủ đầu tư sẽ thông báo đến các hộ dân khi bên vay trả dứt nợ ngân hàng, xóa đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo với chung cư Harmona.

Bà Phú còn khẳng định rằng, với vai trò là chủ đầu tư, DN này sẽ đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người mua căn hộ tại đây. Việc thanh toán với chi nhánh BIDV sẽ đúng theo cam kết, không ảnh hưởng đến các hộ dân. 

Không để người mua căn hộ chịu cảnh vạ lây, chi nhánh NHNN và chính quyền thành phố đã kịp lên tiếng với NH cho vay, nhưng vấn đề người mua nhà yêu cầu là phải làm rõ những dấu hiệu vi phạm tại dự án này. Nhất là việc tại sao tài sản đã đem thế chấp được giao dịch đảm bảo lại còn có thể vừa bán vừa đem cầm cố. Bởi một mình chủ đầu tư không dễ dàng thao túng một cách trắng trợn với người mua nhà.

Đ.Thắng
.
.
.