Lý giải thiếu thuyết phục việc băm, hủy gỗ

Thứ Bảy, 04/04/2020, 08:59
Ngày 3/4, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô xác nhận, công ty đã nhận được thông báo kết luận của Chi cục Kiểm lâm Kon Tum về nội dung tố cáo của người dân  đối với ông Hồ Đình Tuấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Đak Rơ Nga (thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đak Tô, Kon Tum).


Theo ông Chung, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và chỉ đạo phòng, chống dịch của UBND tỉnh nên công ty chưa họp, thông báo nội dung kết luận đến cán bộ, nhân viên của công ty.

Đáng chú ý, theo giải thích của ông Chung, việc chỉ đạo băm, hủy gỗ tang vật vi phạm của ông Tuấn là do yếu tố khách quan (?). Nguyên nhân của hành động này xuất phát từ việc đơn vị không có đủ phương tiện, nhân lực để vận chuyển, kéo gỗ vi phạm về trụ sở để xử lý theo quy định. Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) sợ để gỗ lại hiện trường sẽ bị lâm tặc lấy trộm nên tiến hành băm, hủy để gỗ không còn giá trị sử dụng chứ không hề có dấu hiệu tiêu cực.

Ngoài ra, khi cán bộ QLBVR phát hiện lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép nhưng chỉ bắt giữ người đưa về trụ sở mà không lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm là do anh em không biết điều khiển xe độ chế chở gỗ lậu của lâm tặc. Do đó, đưa người về trụ sở sau đó sẽ tiến hành điều tra, xử lý sau.

Trước đó, như Báo CAND đã thông tin, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum có thông báo Kết luận số 22/TB-CCKL ngày 30/3 kết luận nội dung tố cáo của người dân đối với ông Hồ Đình Tuấn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đak Rơ Nga.

Thông báo kết luận nêu rõ, Trạm bảo vệ rừng Đak Rơ Nga không cương quyết đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đặc biệt, ông Tuấn là người chỉ đạo băm, hủy gỗ vi phạm khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra, phát hiện vi phạm nhưng chỉ đạo lập hồ sơ vi phạm không đúng bản chất, mức độ và diễn biến các vụ vi phạm; không có biện pháp ngăn chặn kịp thời; chỉ đạo chuyển tang vật, phương tiện vi phạm không đúng trình tự, thủ tục, thời hạn làm thất thoát tang vật, gây khó khăn cho cơ quan thẩm quyền trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật.

Thông báo kết luận cũng đã nhắc lại các vụ việc xảy ra trên lâm phần do Trạm bảo vệ rừng Đak Rơ Nga chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ.

Liên quan đến gỗ tang vật vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, năm 2013, Bộ Công an triệt phá vụ phá rừng quy mô lớn với hơn 400m3 gỗ vi phạm tại tiểu khu 274, 275 thuộc xã Đak Rơ Nga, huyện Đak Tô. Đến năm 2018, UBND tỉnh Kon Tum giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô kéo gỗ tang vật vi phạm từ rừng ra ngoài để xử lý theo quy định.

Qua kiểm tra, đối chiếu, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô đã “kéo thêm” 84m3 gỗ so với hồ sơ đã xác lập. Sau khi số gỗ “kéo thêm” bị phát hiện, công ty giải trình 84m3 này là gỗ cũ nằm rải rác dưới các khe suối trong rừng, quá trình kiểm tra các vụ án trước đó cơ quan chức năng không phát hiện được để đưa vào hồ sơ.

Trong quá trình kéo gom, vận chuyển gỗ vi phạm, công ty đã phát hiện và kéo gom ra ngoài để báo cơ quan chức năng xử lý. Vụ việc này đã gây dư luận không tốt trong thời gian dài tại địa phương.

Chí Hào
.
.
.