Viết tiếp bài: Xung quanh việc khó di dời du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây

Sau thanh tra sẽ cấp phép cho nhà hàng đủ điều kiện hoạt động trở lại trên Hồ Tây

Thứ Tư, 29/06/2016, 07:27
Tính đến ngày 28-6, sau hơn 1 tuần lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp mạnh như cắt điện, cắt nước, rào cổng… hoạt động của các nhà hàng nổi, du thuyền trên Hồ Tây đã chính thức ngừng hoạt động. Thế nhưng, mới đây, một số doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng nổi đã đồng loạt làm đơn kiến nghị gửi tới Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ… đề đạt nguyện vọng được tạm thời duy trì hoạt động kinh doanh ở địa điểm hiện tại cho đến khi đủ điều kiện kinh doanh tại vị trí mới.


Muốn di dời, nhưng không có bến mới

Sau khi Báo CAND đăng hai bài phản ánh việc vì sao khó di dời du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây, phóng viên nhận được đơn kiến nghị từ phía các đơn vị kinh doanh phản ánh về vấn đề này.

Du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây.

Cụ thể, theo đơn kiến nghị từ Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Công ty TNHH Nhuận Mai, Công ty cổ phần Sông POTOMAX (là công ty thành viên của Công ty cổ phần Dịch vụ Hồ Tây) cùng nêu rõ, đều đồng thuận cao với chủ trương di chuyển của thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác di dời thì gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp trên đều là thành viên của các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, được UBND thành phố phê duyệt, cho phép hoạt động kinh doanh trên Hồ Tây vào vị trí trên trục đường Thanh Niên và được Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh theo quy định. Ngày 12-5-2008, các doanh nghiệp đã thực hiện việc di dời lần thứ nhất từ vị trí trục đường Thanh Niên về địa điểm mới tại số 2 - số 10 đường ven hồ Thụy Khuê.

Đây là địa điểm được UNBD quận Tây Hồ thỏa thuận địa điểm và được Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa với thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, sau khi hết hạn 1 năm (đến tháng 5-2009) thì đã bị ngừng lại không gia hạn giấy phép bến thủy nội địa với lý do là tại Quyết định số 92 của UBND TP Hà Nội là các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí trên Hồ Tây phải có giấy phép con và giao cho UBND quận Tây Hồ cấp phép, nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể.  Vì vậy, UBND quận Tây Hồ không cấp giấy phép con cho các doanh nghiệp. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp chưa được gia hạn giấy phép bến thủy nội địa, với những lý do thực tế không phải do lỗi từ phía các doanh nghiệp.

Lý giải về việc doanh nghiệp chưa thể di dời khỏi nơi neo đậu hiện tại, là vì các doanh nghiệp chưa được bàn giao địa điểm cụ thể để di chuyển; các doanh nghiệp chưa nhận được thiết kế cầu bến được phê duyệt. Mặc dù các doanh nghiệp đồng thuận chấp hành theo chủ trương di dời, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bến cụ thể để di dời, mà ở điểm bến cũ thì bị ngừng kinh doanh.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp mong muốn sớm đủ điều kiện để được di chuyển về địa điểm mới. Cụ thể, mong UBND TP Hà Nội và các cơ quan tạo điều kiện sớm bàn giao địa điểm cụ thể cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp di chuyển.

Giao thiết kế cầu bến đã được phê duyệt để doanh nghiệp thi công thực hiện. Đồng thời quy hoạch khu vực Đầm Bảy đồng bộ và bền vững gồm xây dựng điện 3 pha phục vụ sản xuất, đường nước sạch, có bãi đỗ xe tập trung để các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh và phục vụ khách du lịch đến tham quan Hồ Tây; cho phép các doanh nghiệp được xả nước thải sinh hoạt từ các phương tiện thủy nội địa vào hệ thống thu gom chung của Hồ Tây và đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, để đảm bảo cho đời sống hằng ngày của gần 200 người lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp không bị gián đoạn và giảm phần nào thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải ngừng kinh doanh, các doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được kinh doanh tại vị trí cũ đến khi có vị trí mới.

Sau khi thanh tra, sẽ xét điều kiện cấp phép

Ngày 28-6, trao đổi với phóng viên,  ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, đã nhận được đơn kiến nghị của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chủ trương của thành phố, trước mắt sẽ tạm dừng hoạt động của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên Hồ Tây, đồng thời tới đây sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra lại tất cả các nhà nổi, du thuyền đang neo đậu tại Hồ Tây. Sau khi có kết quả thanh tra sẽ xem xét việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Tuy nhiên, khi đăt vấn đề khi nào bến mới sẽ được hoàn thiện, vị này cho biết, rất khó ấn định thời gian. Vì hiện tại vẫn đang chờ đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra phương án thực hiện. Đây cũng là lý do vì sao chưa thể di chuyển các tàu thuyền từ vị trí hiện tại về nơi này. 

Trả lời câu hỏi vì sao trong 7 năm (từ năm 2009) khi có quyết định di dời bến thủy của UBND thành phố) đến nay vẫn chưa có bản thiết kế cho bến Đầm Bảy, đại diện quận Tây Hồ cho hay, trước đó, việc này được thành phố giao cho Sở GTVT Hà Nội. Trong chỉ đạo mới, UBND quận được giao nhiệm vụ, nhưng đang chờ công văn. Sau khi nhận nhiệm vụ, sẽ tích cực triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng.

Đề cập vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Việt Phương cho biết, Sở GTVT đã trình thành phố mẫu thiết kế cầu dẫn tàu, nhưng TP không chấp thuận và yêu cầu làm thành bến tàu tập trung cho các phương tiện cập vào. TP cũng đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì và Sở GTVT phối hợp trong việc xây dựng bến tàu. Sở GTVT đang thành lập đoàn kiểm tra đánh giá, sau đó báo cáo TP quyết định.

Đặng Nhật
.
.
.