Hy hữu chuyện chính quyền xã đi kiện

Thứ Bảy, 30/04/2016, 22:46
Vụ việc UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội khởi kiện đòi lại đất đã giao cho công dân gây sự chú ý của dư luận, nhất là khi UBND xã bị thua kiện. Điều bất ngờ là sau vụ thua kiện vài tháng, một số lãnh đạo của chính UBND xã này lại bị công dân gửi đơn tố giác tới cơ quan Công an về hành vi phá hoại tài sản. Câu chuyện được bắt nguồn từ một hợp đồng kinh tế cách đây hàng chục năm nay.


Tranh chấp quanh bản hợp đồng

Năm 1992, UBND xã Chàng Sơn và Công ty Sản xuất và hợp tác lao động sản xuất Bạch Đằng (nay là Công ty TNHH MTV Bạch Đằng) ký hợp đồng số 20 về việc nạo vét lòng đầm xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất. Công ty Bạch Đằng nhận thi công đào sâu, nắm thẳng lòng đầm, bờ đầm với chiều dài 400m từ mép đường trục chính vào làng đến bờ đìa Đồng Giạt, chiều rộng đều 60m, chiều sâu 1,5m tính từ đáy đầm thời điểm đó trở xuống…

Khu đất, đầm UBND xã Chàng Sơn đã gia hạn hợp đồng cho ông Hòa sử dụng.

Thời hạn cuối cùng thanh lý hợp đồng là 30-12-2002. Sau khi ký hợp đồng trên, Công ty Bạch Đằng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa quê ở xã Chàng Sơn thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên sau đó hai bên có xảy ra tranh chấp mà chưa giải quyết được.

Ngày 31-5-2004 UBND xã Chàng Sơn ban hành quyết định số 17/QĐ-UB (do ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UNBD xã ký) về việc tiếp tục gia hạn hợp đồng số 20 và cho thuê sử dụng tiếp 10 năm một phần diện tích khu lò gạch để đầu tư xây dựng công trình nước sạch. Nghĩa vụ thanh toán tiền theo diện tích đất, đầm giao thuê sử dụng và gia hạn hợp đồng UBND xã quy định trong bản Phụ lục hợp đồng riêng và có sơ đồ kèm theo.

Phụ lục hợp đồng ký ngày 2-6-2004 giao ông Hòa được thầu quản lý sử dụng phần đầm nhỏ và diện tích mặt bằng khu lò gạch tính từ trạm bơm nước theo trục đường vào làng đến đường vào khu nghĩa trang của xã có chiều dài là 134m, giao cho ông Hòa quản lý sử dụng có thời hạn 20 năm tính từ ngày 2-6-2004.

Tuy nhiên, sau khi gia hạn hợp đồng, ông Hòa được UBND xã Chàng Sơn đề nghị thanh lý hợp đồng vì cho rằng ông Bằng ký hợp đồng này khi đã hết nhiệm kỳ. Vụ việc tranh chấp diễn ra trong một thời gian dài, khiến cho diện tích đất hồ trong hợp đồng không được sử dụng hiệu quả. Tiếp theo đó, UBND xã Chàng Sơn đã nộp đơn tới Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạch Thất khởi kiện vụ án dân sự đề nghị thanh lý hợp đồng số 20 năm 1992.

Trái với ý muốn của UBND xã Chàng Sơn, ngày 27-4-2015 TAND huyện Thạch Thất ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do: các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án chưa đủ để chứng minh cho cả quá trình thực hiện hoặc thanh lý hợp đồng.  Hợp đồng số 20 chưa thể hiện quyền, nghĩa vụ giữa hai bên…

Bởi vậy, UBND xã Chàng Sơn làm đơn khởi kiện là không có căn cứ. Đồng thời, TAND huyện Thạch Thất cũng cho rằng Quyết định số 17/QĐ-UB ngày 31-5-2004 của UBND xã Chàng Sơn về việc công nhận và tiếp tục gia hạn hợp đồng số 20 do ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Bằng ký là một quyết định hành chính. Trong trường hợp quyết định 17 là bất hợp pháp thì phải có quyết định hủy quyết định số 17.

Tại quyết định số 182/2015/QĐ-PT giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP Hà Nội, Hội đồng phúc thẩm cũng đã công nhận tính hợp pháp của Quyết định số 17/QĐ-UBND gia hạn hợp đồng số 20. Điều đó cũng có nghĩa là toàn bộ diện tích được gia hạn theo quyết định 17 thuộc quyền sử dụng của ông Hòa. Tuy nhiên, sự việc không dừng tại đó.

Hủy hoại tài sản hay thi hành công vụ không đúng quy trình?

Trong đơn gửi Báo CAND, ông Nguyễn Văn Hinh (em ruột ông Hòa) người được ủy quyền trông coi khu lò gạch đã tố cáo hai cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường (TNMT) huyện Thạch Thất và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn đã lạm quyền trong thi hành công vụ, cố ý hủy hoại làm hư hỏng tài sản của gia đình ông ở khu Lò gạch, xã Chàng Sơn.

Tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết, ngày 10-11-2015, ông Hinh cho rào quanh khu đất để chống lấn chiếm thì có các chuyên viên của Phòng TNMT và cán bộ UBND xã Chàng Sơn yêu cầu ông Hinh dừng thi công và tổ chức tháo dỡ tại chỗ. Về việc này, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho rằng, đây là đất đang tranh chấp nên khi nhận tin báo có việc quây rào nên huyện chỉ đạo yêu cầu dừng lại.

Nhưng do phía nhà ông Hinh không chấp hành nên những người thực hiện nhiệm vụ mới phải trực tiếp tháo dỡ hàng rào. Ông Phúc vẫn giữ quan điểm cho rằng quyết định gia hạn hợp đồng do ông Nguyễn Công Bằng ký là chưa đúng và việc tổ chức tháo dỡ thi công hàng rào là đúng pháp luật. Nói về hướng giải quyết tiếp theo trong vụ việc này, ông Phúc cho chúng biết: “Về việc giải quyết diện tích đất theo hợp đồng, xã phải chờ chỉ đạo của huyện”.

Cung cấp thông tin cho chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Tòa đã có quyết định rõ ràng, diện tích đất, hồ đó hiện thuộc quyền sử dụng của tôi, không còn tranh chấp gì. Bởi thế nên việc có người đến phá dỡ, chở hàng rào đi nơi khác mà không có biên bản, không có quyết định là trái pháp luật”.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, Công an huyện sau khi nhận đơn của ông Hinh đã giao cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH giải quyết vụ việc theo trình tự tin báo tố giác tội phạm.

Một vụ việc đã có 2 cấp tòa giải quyết nhưng vẫn còn lại nhiều hậu quả sau hàng chục năm tranh chấp. Tài nguyên thì không được sử dụng hiệu quả, các bên ký hợp đồng thì mất thời gian, công sức. Mong rằng Công an huyện Thạch Thất sớm có kết quả giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện Thạch Thất cần có biện pháp ổn định tình hình, tránh để xảy ra những vụ việc không đáng có.

Việt Hà
.
.
.