Hở khâu hậu kiểm sau khi doanh nghiệp đăng ký vốn “khủng”

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:27
Trước nghi vấn về việc Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh có những dấu hiệu tăng vốn điều lệ "ảo", PV Báo CAND đã tìm hiểu và được biết, Công ty CP Địa ốc Alibaba đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5-5-2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh.

Chỉ vài tháng sau đó, ngày 3-12-20016, doanh nghiệp (DN) này đã thực hiện đăng ký thay đổi lần thứ nhất, với vốn điều lệ được đẩy lên mức 20 tỷ đồng và trụ sở chính dời sang số 321 Điện Biên Phủ. Đến ngày 26-9 vừa qua, DN này tiếp tục đăng ký thay đổi với số vốn điều lệ đã vọt lên con số 1.600 tỷ đồng, các thành viên góp vốn bằng tiền mặt.

Nhân viên môi giới Công ty CP Alibaba dẫn khách đi xem nền tại các dự án tự vẽ ở Long Thành, Đồng Nai đông như ngày hội.

Công ty này có 3 cổ đông, trong đó người góp nhiều nhất là ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm trời, số vốn đăng ký của DN này đã tăng gấp 1,6 ngàn lần. Nhận xét về tình trạng tăng vốn quá nhanh này, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Địa ốc Alibaba có một số điểm đáng lưu ý là DN đăng ký vốn điều lệ rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản (BĐS).

Bởi qua nhiều năm hoạt động, thì đến năm 2016, cả nước cũng chỉ có 1 tập đoàn BĐS có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng; 3 tập đoàn nằm ở vị trí tiếp theo với vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng.   

Với Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, DN này chỉ vừa đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 12-10 vừa qua với số vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng, góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản.

Chỉ sau vài ngày đăng ký thành lập, DN đã thay đổi, dời trụ sở chính từ quận Thủ Đức về cùng địa chỉ với công ty CP địa ốc Alibaba. Công ty có 3 cổ đông, gồm công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp vốn lên tới 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; còn lại do 2 cá nhân là ông Lê Xuân Sơn (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7), đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ; bà Đặng Thị Bích Ngọc (ngụ phường 8, quận Gò Vấp), đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ.

Nhận xét về quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của DN này, Hiệp hội BĐS thành phố đã chỉ ra rằng, ngoài việc đăng ký vốn điều lệ quá lớn, đến mức phi lý đối với một DN mới khởi nghiệp trên thị trường BĐS, thì cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhưng lại dám cam kết góp vốn vào Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh đến 7.800 tỷ đồng là điều càng phi lý hơn.

Cần nói thêm về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali, DN này đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11-12-2010 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Một thành viên Renthouse, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng và chỉ có 1 thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện.

Ông Luyện cũng là người đại diện pháp luật của DN; trụ sở chính của DN này nằm trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh. Sau nhiều năm èo uột, ngày 5-8-2017, DN đăng ký thay đổi lần đầu với tên mới là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Hơn tháng sau, DN này tiếp tục đăng ký thay đổi lần thứ 2 để dời trụ sở chính về cùng địa chỉ với 2 DN trên. Do đó, việc ông Luyện đã góp đủ vốn điều lệ hay chưa; kết quả kinh doanh và quyết toán thuế qua các năm như thế nào nhưng lại dám đăng ký góp vốn với số tiền khủng trên để nắm giữ gần 2/3 vốn điều lệ của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh là điều cần sớm được làm rõ. 

Trước thực trạng trên, một cán bộ của Sở KH - ĐT thành phố cho rằng, Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng, nhưng chế tài hậu kiểm việc góp vốn lại thiếu chặt chẽ. Do đó vấn đề góp vốn khi đăng ký thành lập DN cần được giám sát, kiểm tra triệt để từ các cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp DN lợi dụng "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.

Kiến nghị với thành phố và Chính phủ về vấn đề này, Hiệp hội BĐS đề nghị thành phố chỉ đạo các sở ngành chức năng chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn DN tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời các bộ, ngành TW cần rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp; Bộ luật Dân sự tương thích với Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh sơ hở, lỏng lẻo, thiếu phối hợp để DN lợi dụng.

Bảo Sơn
.
.
.