Hồ Đan Kia ngập vỏ thuốc hóa học, nước sinh hoạt vẫn đảm bảo

Thứ Tư, 20/07/2016, 09:43

Mặc dù hồ Đan Kia ngập ngụa trong vỏ chai, lọ thuốc BVTV nhưng Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng khẳng định chất lượng nước sinh hoạt vẫn đạt chuẩn.

Ngày 20-7, ông Võ Quang Tuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng, đơn vị mua lại nước của Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn Đan Kia để cung cấp nước cho người dân TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương cho biết, chất lượng nguồn nước sinh hoạt vẫn được đảm bảo.

Vỏ chai, lọ thuốc BVTV tại hồ Đan Kia.

Theo ông Võ Quang Tuân, hiện trung bình mỗi năm Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng mua lại khoảng trên 9 triệu mét khối nước sinh hoạt lấy từ hồ Đan Kia đã qua xử lý của hai nhà máy xử lý nước (Đan Kia 1 và Đan kia 2).

Những năm gần đây, hồ cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt này bị xâm lại đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài việc bị san lấp, lấn chiếm lòng hồ để sản xuất nông nghiệp, một khố lượng lớn rác thải rắn, trong đó có rất nhiều vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật cực kỳ độc hại mùa mưa theo nước đổ dồn về đây.

Vỏ chai, lọ thuốc BVTV được Đội quản lý lòng hồ Đan Kia thu gom.

Do đó, từ Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép thành lập Đội quản lý lòng hồ Đan Kia (trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng). Đơn vị này có trách nhiệm quản lý, bảo vệ hồ, trục vớt rác, làm sạch lòng hồ. Tuy nhiên, hồ Đan Kia vẫn bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải độc hại tiếp tục tuồn về đây. Nguyên nhân là Đội quản lý lòng hồ Đan Kia dọn dẹp không suể, đặc biệt là vào mùa mưa.

Mặc dù vậy, ông Võ Quang Tuân khẳng định nguồn nước sinh hoạt đơn vị này mua lại của hai nhà máy xử lý nước lấy từ hồ Đan Kia vẫn đạt chuẩn về chất lượng.

Chất thải độc hại gần đường ống dẫn nước về nhà máy xử lý nước của Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn Đan Kia 

Trong khi đó, tại một báo cáo được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng) công bố vào năm 2014 cho thấy, nguồn nước ở các hồ cung cấp nước nguyên liệu cho các nhà máy xử lý nước, gồm hồ Đan Kia, Chiến Thắng và Tuyên Lâm đều rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tất cả các mẫu nước đều không đạt quy chuẩn. Tổng chất rắn lơ lửng vượt tới 31 lần, E.coli mức vượt cao nhất 1.200 lần, Coliform vượt 90 lần…

Bên cạnh đó, dư lượng hóa chất BVTV cũng đã phát hiện trong nước một số hoạt chất thuộc nhóm Chlor và lân hữu cơ với mức vượt từ 2-3 lần.

 

Kim Ngân
.
.
.