Hàng trăm nông dân kêu trời vì bị… chính quyền nợ tiền tỷ

Thứ Năm, 10/11/2016, 08:54
Thời gian qua, hàng trăm nông dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thu hồi đất để nhường đất cho các dự án xây dựng công trình vẫn còn bị chính quyền địa phương nợ hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm. Người dân đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng các cấp nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết…

Năm 2009, dự án xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (BDCT) huyện Phú Lộc, tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, triển khai xây dựng. Dự án do Ban đầu tư và xây dựng huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã thu hồi 0,93ha đất sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân. 

Ngoài tổng số tiền hỗ trợ, đền bù cấp cho các hộ dân (416 triệu đồng), UBND huyện Phú Lộc còn lập danh sách phê duyệt chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất để xây dựng dự án là hơn 650 triệu đồng. 

Các hộ dân huyện Phú Lộc bức xúc vì nhiều năm chờ đợi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sau khi giao đất.

Tuy nhiên theo phản ánh các hộ dân ở thị trấn Phú Lộc, mặc dù đã 6 năm trôi qua nhưng đến nay, số tiền này địa phương vẫn còn nợ “chây ỳ” với người dân. Bị thu hồi đất sản xuất, tiền chuyển đổi nghề và tạo việc làm chưa được chi trả đã khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. 

Cầm trên tay xấp hồ sơ dày cộm là những lá đơn kiến nghị và các văn bản trả lời của cơ quan chức năng từ cấp huyện đến cấp tỉnh, ông Trần Tùng (52 tuổi, trú tổ dân phố 5, thị trấn Phú Lộc) không giấu được sự bức xúc. 

Ông cho biết: Năm 2009, để thực hiện dự án xây Trung tâm BDCT huyện Phú Lộc, gia đình ông đã bàn giao 1.333m² đất nông nghiệp trồng lúa cho dự án. Theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 10-4-2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm thì gia đình ông sẽ được hỗ trợ 81,3 triệu đồng. 

“Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua số tiền này vẫn chưa được địa phương cấp phát. Sau khi giao đất cho dự án, gia đình tôi chỉ còn 2 sào ruộng nên cuộc sống rất chật vật. Để kiếm tiền nuôi 4 đứa con ăn học, vợ chồng tôi phải làm thêm đủ thứ nghề khác nhau như chạy hàng, phụ hồ...”, ông Tùng rưng rưng nói.

Liên quan đến việc chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất, theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, do văn bản báo cáo của UBND huyện Phú Lộc chưa nêu cụ thể quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, chi trả tiền cho người dân cũng như căn cứ pháp lý khi phê duyệt phương án bồi thường nên hội đồng tư vấn đền bù của UBND tỉnh chưa có cơ sở đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giải quyết... 

Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương có phương án giải quyết hợp lý, nhanh chóng hỗ trợ và tạo việc làm để hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất ở huyện Phú Lộc ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.

Anh Khoa
.
.
.