Hàng trăm hộ dân phản đối dự án trạm nghiền xi măng vì lo sợ ô nhiễm

Thứ Năm, 28/09/2017, 08:31

Trong đơn thư tập thể của gần 100 hộ dân tại ấp Lộc Thạnh (xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) gửi đến Báo CAND trình bày sự việc, vào tháng 6-2016, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC (Dic- Intraco, có địa chỉ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh), đầu tư xây dựng dự án trạm nghiền xi măng, tại ấp Lộc Thạnh. Các hộ dân địa phương cho rằng, trạm nghiền xi măng hoạt động nơi đây sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm náo loạn cuộc sống của vùng quê, nên đã phản đối dự án…

Ông Huỳnh Quốc Hùng (nhà sát khu đất chuẩn bị đầu tư xây dựng trạm nghiền xi măng) bức xúc: “Người dân xung quanh đây sống bằng nghề trồng dừa, không hiểu tại sao Nhà nước không kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dừa mà lại cho xây dựng nhà máy xi măng. Gia đình tôi phải sử dụng nước sông, uống nước mưa nên nhà máy sản xuất xi măng hoạt động ở cạnh bên như thế thì chắc chắn nguồn nước, không khí sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của gia đình tôi cũng như bà con xung quanh”... 

Với bức xúc trên, mới đây ngày 25-8, khoảng 100 người dân ở 2 xã Lộc Thuận và Phú Vang (huyện Bình Đại) đã kéo đến UBND tỉnh Bến Tre để phản ứng việc chủ trương đầu tư, xây dựng trạm nghiền xi măng tại địa phương. Sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre - Huỳnh Quang Triệu đã cùng các ngành chủ trì tiếp xúc với đại diện những hộ dân trên.  

Ông Huỳnh Quang Triệu đã ghi nhận ý kiến của bà con, hứa sẽ báo cáo lên Thường trực HĐND và cho rằng hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc triển khai lấy ý kiến của tập thể nhân dân trong khu vực xung quanh, nếu bà con đồng thuận thì dự án sẽ thực hiện, nếu số đông bà con không đồng thuận sẽ dừng dự án.

Xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Thu Dung, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận cho biết: “Dự án trạm nghiền xi măng đặt sát bờ sông Tiền với diện tích 12.883m2 là đất công. Sau đó chủ đầu tư thỏa thuận sang nhượng thêm đất của dân xung quanh với diện tích hơn 13.000m2 nữa để chuẩn bị triển khai dự án. Tuy nhiên, khi họp dân để giới thiệu dự án, chủ trương đầu tư, một số người dân phản ứng vì cho rằng nhà máy sẽ gây ô nhiễm môi trường”. 

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho rằng: “Công ty DIC đã 2 lần mời lãnh đạo xã, huyện, tỉnh đến tham quan nhà máy của họ ở Quảng Bình. Trong đó giai đoạn 1 khai thác đá vôi rồi đun với đất sét để thành clanke. Trạm nghiền xi măng tại xã Lộc Thuận thực hiện ở giai đoạn 2 là nghiền nát clanke thành xi măng để cung cấp ra thị trường nên không có khói bụi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường...”.

Cũng theo đại diện UBND huyện Bình Đại, sở dĩ chọn địa điểm xã Lộc Thuận là do nơi đây có nguồn đất “sạch” với diện tích 12.883m², vị trí cạnh bờ sông để nhà đầu tư xây dựng cầu cảng nhằm chuyển clanke từ Quảng Bình vào thuận tiện. 

Trong khi đó Cụm công nghiệp Bình Thới (xã Bình Thới, huyện Bình Đại) và Khu công nghiệp Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Bình Đại) cũng nằm cạnh bờ sông Tiền nhưng Nhà nước chưa có vốn để xây dựng cầu cảng, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Quan điểm nhất quán của huyện là không đánh đổi phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến môi trường…

Trần Lĩnh
.
.
.