Hàng trăm ha rừng Đắk Nông nguyên sinh "chảy máu" dữ dội

Thứ Hai, 18/04/2016, 09:52
Ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thừa nhận, việc rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Ntao quản lý đang bị tàn phá. Trong đó, rừng tại Tiểu khu 1764 bị tàn phá nhiều nhất.


Trong cái nắng khô khốc của Tây Nguyên, từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào QL20 khoảng chừng 10km, hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn một màu xanh tạo cho người đi đường một cảm giác khá mát mẻ. 

Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên tìm cách tiếp cận ở Tiểu khu 1764 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Ntao quản lý lại là những hình ảnh trái ngược. Trước mặt là những diện tích rừng nguyên sinh đã bị phá hủy, hàng trăm cây gỗ lớn bị chặt hạ, lấy gỗ, đốt gốc. Nhiều chỗ gỗ rừng đốt cháy chưa hết nằm la liệt trên mặt đất....

Khi thấy chúng tôi, một số người dân địa phương vẫn thản nhiên chặt phá rừng để lấy đất làm rẫy. Sự xuất hiện của người lạ không làm ảnh hưởng đến công việc hủy hoại rừng của họ. Cách đó chỉ vài trăm mét là một trạm quản lý, bảo vệ rừng nhưng “cửa đóng im ỉm”, không có người trực. 

Dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy những cánh rừng nguyên sinh dọc hai bên đường này đã bị tàn phá trong một thời gian dài và đang  tiếp diễn. Nhiều cây gỗ có đường kính gốc lên tới trên 1 mét, cao từ 20 - 30 mét bị chặt hạ hàng loạt. Loại gỗ quý hiếm đã được vận chuyển đi đâu không rõ. Những cây gỗ ít có giá trị kinh tế hơn, dù có đường kính rất lớn đều bị đốt cháy đen, nằm trơ trọi ngang dọc trên mặt đất.

Trao đổi với PV, ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thừa nhận, việc rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Ntao quản lý bị tàn phá là có thật. Trong đó, rừng tại Tiểu khu 1764 bị tàn phá nhiều nhất.

Còn ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp trong nhiều năm qua. Tại một số địa bàn hầu như ngày nào cũng có tranh chấp, phát hiện phá rừng. 

Ngoài việc cánh “lâm tặc” đốn hạ cây rừng để lấy gỗ thì tình trạng một số đầu nậu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân thuê họ phát dọn, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất, sau đó sang nhượng, mua bán trái phép để trục lợi.

“Trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặt tại những “điểm nóng” về phá rừng. Ngoài ra, giao cho lực lượng Công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo quy định của pháp luật”, ông Dần cho biết thêm.

Văn Thành
.
.
.