Hải Phòng báo động tình trạng cây xanh đô thị bị “bức tử”

Thứ Hai, 07/09/2020, 15:09
Hầu hết các cây xanh bị xâm hại, bức tử đều nằm trên vỉa hè có các trình xây dựng chuẩn bị hoàn thành, nên rất có thể là ý đồ thực hiện của chủ đầu tư để thực hiện mục đích cá nhân…


Công trình mọc lên, cây xanh… lụi tàn

Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với Công ty CP công viên cây xanh Hải Phòng và UBND phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) tổ chức kiểm tra phát hiện 4 cây xanh có dấu hiệu bị xâm hại. 

Tại hiện trường vỉa hè khu vực thửa đất 01,lô 3C, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, cả 4 cây xanh gần 20 năm tuổi, gồm 2 cây hoa sữa và 2 cây phượng vỹ, có đường kính 30 cm bị chết khô. Đáng chú ý, qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên 4 cây bị chết có gần 100 lỗ tròn có đường kính 1cm, được khoan sâu vào thân cây. Trong đó cây hoa sữa xuất hiện  1 vệt hóa chất màu xanh chảy từ ngang thân xuống gốc.

Theo báo cáo của Công ty CP công viên cây xanh Hải Phòng, 1 tháng trước đó cả 4 cây trên vẫn xanh tốt, không có dấu hiệu bị sâu hại, mục thân, hỏng dễ. Nhiều khả năng các cây xanh trên bị chết là do đầu độc bằng hóa chất. Đây là thủ đoạn xâm hại cây xanh lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn TP Hải Phòng.

Hàng loạt cây xanh chết bất thường với những lỗ khoan trên thân cây.

Trước đó, cũng trên tuyến đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An, người dân bức xúc phản ánh tình trạng một số cây phượng vĩ tuổi đời khoảng 20 năm trồng ở vỉa hè, ngang nhiên bị chặt hạ không thương tiếc. Sau khi những cây phượng bị chặt hạ, một số người đã tự ý trồng cây xoài, chay và một số cây khác, khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

Còn cách đây hơn 1 năm, trước cửa công trình thửa đất số 1, lô 26 Khu đô thị mới ngã 5 – Sân bay Cát Bi, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, có đến 3 cây phượng, 1 cây hoa sữa, đều khoảng 20 năm tuổi cũng bị chặt hạ. Sau đó, tại chính các vị trí cây trồng cũ mọc lên nhiều loại cây khác không thuộc giống cây được thành phố quy hoạch. Kết quả cơ quan chức năng đã xác minh làm rõ, yêu cầu chủ đầu tư công trình tại thửa đất số 1 lô 26 là Công ty TNHH Hoàng Lộc, trồng lại cây xanh tại khu vực này theo quy định.

Qua những vụ việc trên, điểm chung là hầu hết các cây xanh bị xâm hại, bức tử đều nằm trên vỉa hè có các công trình xây dựng chuẩn bị hoàn thành. Theo đó dư luận không loại trừ khả năng chủ đầu cố tình bức hại với mục đích bỏ đi cây xanh cho rộng vỉa hè trước cửa hoặc thay thế cây xanh khác phù hợp phong thủy, quy mô công trình. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến lợi ích chung, đó là đảm bảo quy hoạch cây xanh chung của cả thành phố.

Phải xử lý nghiêm để răn đe

Đại diện Công ty CP công viên cây xanh Hải Phòng cho biết, thông qua những vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn bức hại cây xanh ngày càng tinh vi. Trong khi đó lực lượng thanh tra thì rất mỏng, với tổng số 7 người chia ra quản lý hàng trăm tuyến phố khác nhau nên khó khăn cho công tác kiểm soát.

Theo ông Phạm Kiến Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng xác nhận, đã nắm bắt được việc chặt hạ cây xanh nêu trên. Tuy nhiên, khi phát hiện 1 cây phượng bị chặt sạch cành lá, lập tức Công ty đã trao đổi với đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư công trình đang xây dựng ở thửa đất trên, tại khu vực những cây xanh bị chặt hạ. Tuy nhiên, đại diện phía doanh nghiệp luôn khẳng định không biết, không liên quan việc chặt hạ cây xanh. 

Để làm rõ hành vi chặt hạ cây xanh trên, Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng lại phải có văn bản báo cáo vụ việc đến Sở Xây dựng, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương và Công an phường xác minh, xử lý vụ việc…

Nhiều tuyến đường bị người dân tự ý đào bới, trồng lại bằng những giống cây không theo quy hoạch.

Việc xâm hại, bức tử cây xanh chính là những hành vi phá hoại tài sản nhà nước, hủy hoại môi trường, mà hầu hết các vụ việc đều được thực hiện có tổ chức. 

Để xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại cây xanh, Sở Xây dựng Hải Phòng trước mắt đã đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp cùng lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân cây chết. Đồng thời, Sở Xây dựng Hải Phòng cũng đề nghị các cấp, ngành thành phố, quan tâm tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu chung từ hệ thống camera giám sát lắp đặt trên đường phố để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại cây xanh.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng phải có biện pháp giám sát chặt chẽ cây xanh trên địa bàn, nhất là những khu vực có công trình xây dựng. Đồng thời tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, vận  động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh. Kịp thời phát hiện cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi phá hoại cây xanh, cảnh quan môi trường…

V. Huy
.
.
.