Mối nguy từ khai thác cát tràn lan

Hạ nhiệt ở những điểm nóng (bài 3)

Chủ Nhật, 10/01/2016, 09:52
Để ngăn chặn cát “tặc” hoành hành, những năm gần đây, lực lượng Công an cả nước đã lập nhiều chuyên án, điều tra khám phá hàng trăm vụ phạm pháp hình sự liên quan đến những băng nhóm, đường dây khai thác trộm cát, sỏi với các hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ…

Năm 2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 7 vụ với 22 phương tiện khai thác cát trái phép, tịch thu 8 máy hút cát, xử phạt 25 đối tượng. Ngoài ra, PC49 Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành GTVT và Cục C49 phát hiện 9 vụ với 25 phương tiện khai thác cát trái phép và xử phạt 16 đối tượng. 

Để răn đe, Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ, Công an Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tiến hành điều tra vụ việc 42 đối tượng sử dụng 9 tàu có trọng tải từ 7 – 15 ngàn tấn khai thác trộm cát nhiễm mặn ở khu vực Cồn Ngựa; phối hợp điều tra, xác minh vụ việc 16 phương tiện khai thác trộm cát trên sông Mỏ Nhát. Đồng thời, Công an cũng tiến hành điều tra, xác minh 3 vụ mua bán hóa đơn VAT để phù phép cho việc mua bán cát trái phép, hợp thức hóa số lượng cát khổng lồ đã san lấp tại một số dự án lớn ở địa phương.

Các phương tiện khai thác trộm cát bị thu giữ.

Người dân quận 9, TP Hồ Chí Minh bức xúc đồng loạt lên tiếng phản ứng cát “tặc” hút bay hàng chục ha đất ven sông Đồng Nai. Để ngăn chặn, lực lượng của PC49 Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã tổ chức hàng trăm cuộc tuần tra đêm. 

Ngày 11-12 vừa qua, Phòng CSGT đường Thủy - Công an thành phố đã phối hợp với Cảnh sát cơ động tổ chức bắt giữ, bàn giao hai thuyến máy cùng 9 đối tượng khai thác cát trái phép cho Công an quận 9 để điều tra, xử lý. 

Trước đó, ngày 27-11-2015, ở khu vực phường Long Bình, quận 9, Bộ đội Biên phòng thành phố cũng phát hiện, bắt quả tang 5 xà lan khai thác cát trái phép, gồm 2 xà lan biển số thành phố được trang bị cẩu cạp cát và 3 xà lan chở cát tự hành mang biển số Long An đang khai thác cát trái phép cùng 15 đối tượng tham gia. Số cát có trên các xà lan đã ở mức 100m³. Lạ một điều, khi lực lượng chức năng ngày đêm truy quét cát tặc dưới sông, thì 2 bên bờ sông Đồng Nai vẫn có những bãi cát chất cao như núi cả có phép lẫn không được phép ngang nhiên tồn tại. 

Trong vài ba năm gần đây, lực lượng CSGT đường thủy cả nước cũng đã tiến hành lập biên bản xử lý hơn 85 ngàn trường hợp vi phạm. Trong đó xử lý 4.337 lượt phương tiện khai thác cát, 71 ngàn lượt phương tiện vận chuyển cát; xử lý 170 điểm khai thác cát vi phạm và 2.728 lượt bến bãi cát, sỏi. 

Cùng vào cuộc xử lý tình trạng cát “tặc”, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã phát hiện, điều tra xử lý 86 vụ, 151 phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát trái phép với 324 đối tượng tham gia. Trong số đó, chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ với hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên gồm 52 đối tượng tham gia xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại các điểm nóng về cát “tặc” ở phía Bắc, lực lượng Công an đã phối hợp đấu tranh, triệt phá ổ nhóm lợi dụng giấy phép nạo vét luồng lạch để khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn Bắc Từ Liêm và Đan Phượng của Hà Nội, bắt giữ 42 tàu khai thác cát trái phép. 

Qua đấu tranh làm rõ, các chủ tàu cuốc, tàu hút đã khai nhận chỉ trong vòng gần 3 tháng đầu năm 2015 đã khai thác và nhập cho Công ty Anh Tùng đến hơn 812 ngàn m³ cát để DN này thu về trên 4,8 tỷ đồng. 

Qua chuyên án đấu tranh, triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng ở huyện Thường Tín, Cục CSGT đã thu giữ 10 phương tiện thủy và gần 114,5 ngàn m³cát, trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 12 đối tượng về hành vi khai thác tài nguyên trái phép. 

Tổng cộng, từ năm 2014 đến nay, Công an TP Hà Nội đã đấu tranh, bắt giữ trên 162 vụ với 216 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 3 vụ; tịch thu gần 200 đầu nổ, tạm giữ gần 200 tàu thuyền và nhiều phương tiện, thiết bị dùng cho hoạt động khai thác trộm cát.

Nhận định của C49 về dấu hiệu hình thành các băng nhóm tội phạm hình sự sử dụng vũ khí nóng bảo kê, tranh giành địa bàn, chống người thi hành công vụ diễn ra ở không ít địa phương cho thấy: do lợi nhuận cao, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu “bảo kê” của một số cán bộ có trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên ở cơ sở… 

C49 xác định chặn cát “tặc” vẫn đang và sẽ tiếp tục là vấn đề nóng, nên thời gian tới, Công an các tỉnh, thành trọng điểm vẫn cần tăng cường kiểm tra đột xuất, bất ngờ, tiến hành vây ráp các điểm nóng trên sông để phát hiện đối tượng, hung khí, vũ khí, phương tiện có nghi vấn liên quan đến tội phạm. Hơn nữa, cần nắm chắc số đối tượng khai thác, lẫn thu mua, tiêu thụ cát để phát hiện các đầu mối bảo kê, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ sẵn sàng manh động để trấn áp.

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý khoáng sản MB – Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Hoạt động khai thác cát sỏi trái phép đã giảm nhiều, nhưng hiện vẫn còn diễn ra trên địa bàn 20 tỉnh, thành. Trong 4 năm trở lại đây, các tỉnh, thành này đã xử phạt tổng cộng 1.892 vụ và thu về số tiền 16 tỷ đồng. Thu phạt từ cát tặc cao nhất thuộc về Đồng Nai với mức 2,7 tỷ, Bắc Giang 1,03 tỷ, Lạng Sơn 1,6 tỷ và Thanh Hóa là 1,16 tỷ. Nhưng để ngân sách thu được số tiền phạt ít ỏi này, một lượng tài nguyên khổng lồ đã được chuyển thành tiền, chạy vào túi cát “tặc”. (PV)
Đức Thắng - Thanh Ngọc
.
.
.