Hà Nội ngổn ngang do hạ cáp ngầm

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:06
Ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, lưới điện trung, hạ áp của Thủ đô góp phần đáng kể vào kế hoạch chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan trên các tuyến phố, xóa hình ảnh “mạng nhện trên trời” tồn tại hàng chục năm nay. Thế nhưng, khi thực hiện thi công, nhiều tuyến phố bị đào bới “kép” ngổn ngang, làm ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và vệ sinh môi trường.

Nhếch nhác và ngổn ngang

Có mặt tại tuyến phố Đội Cấn - đoạn gần phố Đốc Ngữ (quận Ba Đình) chúng tôi thấy bề mặt nhiều đoạn đường lồi lõm, bì bõm nước. Nguyên nhân chính là do đơn vị thi công hạ ngầm đường điện trước đó không thực hiện việc hoàn trả mặt bằng…

Theo người dân sinh sống trên tuyến phố này, tình trạng trên xuất hiện đã lâu, song đến nay chưa được khắc phục. Ngày 18-8, ghi nhận trên dọc tuyến phố Đội Cấn, chúng tôi còn bắt gặp vô số vị trí vỉa hè bị án ngữ bởi những đường ống nhựa (chứa dây điện) có đường kính 15-20 cm “ngoi” lên từ dưới lòng đất. Nền gạch vỉa hè xung quanh bị xới tung lên, trông rất phản cảm.

Trước ngôi nhà số 178 Đội Cấn, chúng tôi thấy một khung sắt được lắp đặt nơi đây, bao quanh là 3-4 ống nhựa nằm chỏng chơ trên nền đất. Vỉa hè tuyến phố vốn hẹp nay càng trở nên hẹp hơn khi xuất hiện cảnh ngổn ngang. Tìm hiểu chúng tôi được biết, cảnh nhếch nhác, ngổn ngang này xuất hiện đã nhiều ngày nay, nhưng chưa có đơn vị chức năng nào khắc phục, xử lý.

Không riêng gì tuyến phố Đội Cấn, tình trạng mất mỹ quan, gây mất TTATGT do quá trình thi công hạ ngầm hệ thống đường cáp, lưới điện gây ra cũng xuất hiện trên nhiều tuyến phố khác thuộc khu vực nội thành Hà Nội như: Khâm Thiên, Quang Trung, Trần Quốc Toản...

Người dân trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cũng đang chịu tác động kép của việc hạ ngầm. Không chỉ hạ ngầm điện mà ngay cả ngành nước cũng tiện thể cải tạo lại hệ thống đường nước, tới đây là đường cáp viễn thông. Một người dân sinh sống ở mặt phố này cho biết: “Trước cửa nhà tôi có 4 cái cột điện, giờ chuẩn bị đóng thêm cái tủ điện nữa, tôi rất lo lắng sau khi hoàn thành hạ ngầm thì 4 cái cột điện này có bỏ đi không?”.

Trao đổi với ông Đặng Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ, chúng tôi được biết, hạ ngầm đường điện tuyến Thụy Khuê có chiều dài 3,5km, thi công từ ngày 1-4 và phấn đấu đến ngày 15-9 thì hoàn tất dự án. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt hệ thống đường dây điện, do một vài trục trặc về kỹ thuật như: không luồn dây được vào đường ống cáp, đường ống cáp bị tắc v.v… nên nhân viên thi công phải đào xới lên để sửa chữa.

Hạ ngầm đường điện trên đường Thụy Khuê.

Kiểm tra chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt

Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ký biên bản hợp tác đầu tư với 4 chủ đầu tư lớn là: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Điện lực Hà Nội; Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Công ty CP Viễn thông FPT bổ sung sau) để ngầm hóa hệ thống dây viễn thông và đường dây điện trung, hạ áp bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp, giảm việc đầu tư hạ ngầm các đường dây bằng ngân sách thành phố và góp phần đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị.

Nếu cùng song song hạ ngầm sẽ giảm thiểu chi phí, đồng thời mặt đường không phải rơi vào tình trạng “nay lấp, mai đào”. Nhưng trên thực tế, ở nhiều tuyến phố song song cùng hạ ngầm đường dây viễn thông và đường dây điện thì đường điện đã làm xong nhưng viễn thông, cáp lại chưa triển khai. Nhiều tuyến phố phải chịu hai lần đào lên lấp lại, vừa ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị và TTATGT.

Năm 2016, Hà Nội có 18 tuyến phố được phê duyệt hạ ngầm, đến nay đã cơ bản thi công xong hạ ngầm, cắt bỏ dây cũ, cột cũ. Đợt 1 năm 2017 Hà Nội phê duyệt hạ ngầm tại 57 tuyến phố, yêu cầu hoàn thành trước ngày 31-5-2017, tuy nhiên các tuyến giai đoạn 1 mới đang thi công trên 17 tuyến phố, tiến độ hiện nay mà chúng tôi biết được thì nhiều đơn vị đã không làm kịp.

Theo đại diện của Phòng Hạ tầng kỹ thuật – Sở Xây dựng Hà Nội thì đợt hạ ngầm giai đoạn 2 - 2017 dự kiến có 42 tuyến đang hoàn thiện trình thành phố duyệt trong tháng 9-2017 để các doanh nghiệp triển khai. Nếu tiến độ thi công đợt 2 không kịp thì phải đẩy sang năm 2018.

Được biết, từ tháng 6-2017, việc cấp phép hạ ngầm UBND thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải nên hai lực lượng là Thanh tra Sở Xây dựng và Thanh tra Giao thông Vận tải và UBND các quận sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát nhằm sớm xử lý vi phạm.

Thiết nghĩ, những tồn tại trong thi công ngầm hóa hiện nay cần phải được lực lượng thanh tra của hai đơn vị tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm, không để ảnh hưởng đến TTATGT và gây bức xúc trong nhân dân.

Trần Hằng – Trần Huy
.
.
.