Dự án Sunwah Pearl và bản án kỳ lạ...

Chủ Nhật, 18/04/2021, 09:19
Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ, đối với các quyết định quan trọng của một doanh nghiệp như sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty,… thì cho phép các thành viên góp vốn được thỏa thuận một tỷ lệ biểu quyết cao hơn mức 75% tổng số vốn góp. Khi nào điều lệ công ty không quy định khác, thì mới áp dụng tỷ lệ luật quy định sẵn là 75%.

Vậy mà ngày 8/1/2021 vừa qua, một phiên tòa tại Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một phán quyết hết sức kỳ lạ đối với ban lãnh đạo chủ đầu tư của dự án Sunwah Pearl.

Bất chấp sửa đổi điều lệ

Dự án Sunwah Pearl (số 90 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, tiếp giáp với dự án đình đám như Saigon Pearl, Vinhomes Tân Cảng,…) do Công ty TNHH Bay Water (Bay Water) làm chủ đầu tư. Công ty Sun Wah VietNam Real Estate (D1) Limited (Sun Wah) hiện đang chiếm 90% vốn góp tại Bay Water, với đại diện là ông Choi Koon Shum, quốc tịch Trung Quốc và ông Choi Chun Sze Johnson (con trai ông Choi Koon Shum). Thành viên góp vốn còn lại là Công ty TNHH Đầu tư SATO (SATO), chiếm tỉ lệ 10% tại Bay Water. Ngày 10-5-2016, hai thành viên đã cùng thông qua bản Điều lệ công ty với quy định rất rõ tại Khoản 3, Điều 23: Bất kỳ sửa đổi nào đối với Điều lệ đều đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 100% thành viên hội đồng.

Trụ sở của Tập đoàn Sun Wah và Công ty TNHH Bay Water.

Ngày 3/9/2019, Hội đồng thành viên (HĐTV) của Công ty Bay Water đã họp để thảo luận thông qua việc sửa đổi Điều lệ với nhiều thay đổi quan trọng so với bản gốc (là điều lệ đang tồn tại có hiệu lực pháp luật). Sun Wah đã biểu quyết tán thành, còn SATO biểu quyết không tán thành. Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Điều lệ Bay Water như đã nói ở trên thì Công ty Bay Water không thể thông qua nghị quyết của HĐTV về việc sửa đổi điều lệ trong trường hợp này, bởi đã không đạt được sự chấp thuận của tất cả các thành viên hội đồng. 

Tuy nhiên, Công ty Bay Water đã bất chấp pháp luật, bất chấp quy định tại Điều lệ, vẫn ký thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 3/9/2019 để sửa đổi Điều lệ của Bay Water (Nghị quyết 05), trong đó có nội dung lược bỏ Khoản 3 Điều 23, nhằm tước bỏ toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của SATO.

Rõ ràng việc Công ty Bay Water ký thông qua Nghị quyết 05 là hành vi vi phạm pháp luật, vượt giới hạn pháp lý, phá bỏ điều lệ hợp pháp nhằm gạt bỏ quyền biểu quyết của Công ty SATO đối với những vấn đề hệ trọng của Công ty, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của thành viên góp vốn, được pháp luật bảo hộ.

Công ty SATO đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy Nghị quyết 05 nói trên. Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm ngày 17-8-2020 đã làm rõ: Điều lệ của Công ty Bay Water quy định việc sửa đổi Điều lệ phải được 100% thành viên thông qua và Nghị quyết số 05 đã vi phạm quy định này của Điều lệ. Do vậy, yêu cầu của Công ty SATO về hủy Nghị quyết 05 là có căn cứ chấp nhận. TAND TP Hồ Chí Minh đã giải quyết sơ thẩm vụ việc đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan khi quyết định hủy Nghị quyết số 05 của Công ty Bay Water.

Vụ việc này đã được Báo CAND ngày 9/9/2020 phản ánh.

“Đánh tráo khái niệm”?

Ngày 8/1/2021, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm giải quyết việc dân sự để xem xét kháng cáo. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phan Đức Phương. Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã nhận định, cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng xác định, tại phiên tòa phúc thẩm không có bất kỳ nội dung nào mới, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo của Công ty Bay Water, bác kháng cáo của Công ty Sun Wah, giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

Tuy nhiên, Hội đồng phiên họp phúc thẩm do thẩm phán Phan Đức Phương làm chủ tọa lại đưa ra nhận định trái ngược với cấp sơ thẩm, không chấp nhận ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, mà sửa quyết định sơ thẩm theo hướng không huỷ Nghị quyết 05, cho phép Bay Water được sửa đổi Điều lệ.

Phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc dẫn lại những điều khoản pháp luật như hai bên trình bày, đã đánh giá: Công ty Sun Wah góp vốn 90% trên tổng số vốn, lớn hơn quy định cần phải có 75% vốn góp đồng ý (theo khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014) nên có quyền biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty. Đồng thời, Công ty SATO có quyền yêu cầu Công ty Sun Wah mua lại phần góp vốn của mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 của Luật Doanh nghiệp 2014 và theo Khoản 1 Điều 10 Điều lệ Công ty Bay Water.

Lập luận của phiên tòa phúc thẩm khiến cho nhiều người tham dự phiên tòa bất ngờ. Khoản 1 Điều 10 Điều lệ công ty là sự ghi nhận lại nội dung tại Khoản 1 Điều 52 về “Mua lại phần vốn góp” Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, quy định này xác định “quyền yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên công ty trong trường hợp nghị quyết công ty đã được thông qua một cách đúng pháp luật”. Còn Khoản 3 Điều 23 của Điều lệ công ty là sự ghi nhận nội dung tại Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, nghị quyết HĐTV của Công ty Bay Water về sửa đổi điều lệ chỉ có thể thông qua đúng pháp luật khi được sự chấp thuận của tất cả thành viên công ty (bao gồm Sun Wah và SATO).

Là thẩm phán của Tòa án Cấp cao, rõ ràng ông Phan Đức Phương buộc phải biết: Nếu Khoản 1 Điều 10 và Khoản 3 Điều 23 của Điều lệ Bay Water (được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Doanh nghiệp) có sự mâu thuẫn, vậy thì lẽ nào Khoản 1 Điều 52 và Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 do Quốc hội ban hành là các điều luật mâu thuẫn với nhau?

Phiên toà phúc thẩm đang “đánh tráo khái niệm”? Bởi, thay vì đánh giá việc Công ty Bay Water ban hành điều lệ mới có trái pháp luật hay không, thì phiên phúc thẩm lại lái vụ việc theo hướng đề nghị Công ty SATO có thể bán cổ phần cho Công ty Bay Water. Đây là hai vấn đề không liên quan tới nhau. Chẳng lẽ cứ thành viên nào phản đối công ty về việc ban hành điều lệ trái pháp luật, thì họ chỉ có quyền yêu cầu công ty mua lại vốn góp, chẳng khác nào cổ vũ cho các thành viên là cổ đông lớn, mặc nhiên ban hành, thông qua các nghị quyết một cách trái pháp luật, không cần tuân thủ các tỷ lệ biểu quyết đã được quy định tại điều lệ đã có.

Có thể thấy rằng, quyết định phúc thẩm mà Hội đồng phúc thẩm do thẩm phán Phan Đức Phương làm chủ tọa công bố đã tạo ra một tiền lệ không tốt cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Các nhà đầu tư ngoại với tiềm lực về tài chính, nếu muốn thâu tóm, gạt bỏ các doanh nhân Việt ra khỏi công ty, thì chỉ cần thông qua các nghị quyết trái pháp luật, sau đó bằng cách nào đó, họ sẽ hợp pháp hóa nghị quyết trái pháp luật của mình, chà đạp lên số phận của các cổ đông nhỏ. Vậy ai sẽ bảo vệ nhà đầu tư nhỏ trong nước? Thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xem xét lại bản án phúc thẩm, để đảm bảo sự công minh, công tâm của pháp luật.

Đức Huy – Khánh Tùng
.
.
.