Điều tra vụ đốn hạ gần 3.000m2 rừng thông đặc dụng ở Cố đô Huế

Thứ Tư, 11/10/2017, 12:53
Khu vực rừng thông đặc dụng ở khu vực 5, phường An Tây, TP Huế (Thừa Thiên- Huế) trên 30 năm tuổi vừa bị đốn hạ gần 3.000m2 nhưng phải một thời gian sau chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới phát hiện vụ việc và truy tìm thủ phạm phá rừng...

Tìm hiểu được biết, từ năm 1986 đến năm 1989, khu vực rừng thông đặc dụng ở tổ 10, khu vực 5 phường An Tây, TP Huế được HTX nông nghiệp An Tây trồng và hiện do UBND phường An Tây quản lý. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực rừng thông này cho biết, thời gian gần đây, có nhiều người đến đốn hạ vô số cây thông, cưa xẻ đưa lên xe để vận chuyển đi nơi khác nhưng không thấy cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn.

“Thấy họ chặt thông rầm rộ thế, chúng tôi cứ tưởng đây là khu vực rừng của Nhà nước cho phép khai thác nên không thông báo với phường. Đến khi có đoàn lên kiểm tra thì họ đã chặt và vận chuyển gỗ thông đi hết rồi”, một hộ dân thông tin.

Qua ghi nhận, khu vực rừng thông nằm khá gần với khu dân cư. Từ tuyến đường Châu Chữ đi đến khu vực rừng thông bị chặt phá chỉ vượt qua một quả đồi nhỏ với quãng đường chưa đầy 100m. Tại hiện trường, một diện tích lớn rừng thông đã bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc, các thân gỗ đã được chuyển đi chỉ còn cành lá thông đã khô héo sót lại...

Bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết, ngay sau khi biết thông tin vụ việc chặt phá rừng thông đặc dụng xảy ra, phường đã phối hợp với các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có 2.809m2 rừng thông bị chặt hạ mà nguyên nhân có thể xuất phát từ việc chiếm đất trồng keo tràm, hoặc xây dựng lăng mộ.

Một khoảng rừng thông đặc dụng ở khu vực 5 phường An Tây, TP Huế bị chặt phá trái phép.

Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã để rừng thông đặc dụng bị chặt trái phép, bà Mai thừa nhận: “Trong vụ phá rừng thông đặc dụng xảy ra trên địa bàn với diện tích khá lớn này thì phần nào có trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, là đơn vị chủ rừng. Địa bàn phường có diện tích đất tự nhiên 1.035ha, trong đó có 2/3 là đất rừng cảnh quan, nghĩa trang, nghĩa địa.

Ngoài ra có hơn 14ha rừng đặc dụng do phường quản lý được phân bố không tập trung, trong khi lực lượng quản lý đô thị mỏng, chỉ có 2 người vừa kiểm tra đảm bảo trật tự xây dựng đô thị, ngăn chặn lấn chiếm và chặt phá rừng nên không thể phát hiện sớm vụ việc để xử lý kịp thời”.

 Trao đổi về vụ việc, ông Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Huế cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế và UBND TP Huế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra đến hiện trường phát hiện có 254 cây bị chặt nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 170 gốc có dấu vết còn khá mới.

“Theo quy định, diện tích rừng đặc dụng bị phá trên 1.000m2 sẽ khởi tố hình sự. Và hiện cơ quan CSĐT Công an TP Huế đang thụ lý vụ việc, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo luật định”, ông Vinh cho biết thêm.

Anh Khoa
.
.
.