Di tích Nhà lưu niệm bà Từ Cung thành nơi kinh doanh nhà hàng cơm niêu (!)

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:56
Sau khi thuê được mặt bằng điểm Di tích Nhà lưu niệm bà Từ Cung tại 145 Phan Đình Phùng, TP Huế, chủ quán cho “mọc lên” quán cà phê Nền Cũ. Kinh doanh được một thời gian, chủ quán nâng cấp cơi nới dựng thêm những mái tôn trang trí màu sắc loè loẹt để khai trương Nhà hàng cơm niêu Dấu Xưa trước sự phản ứng của du khách và người dân...


Nhà lưu niệm bà Từ Cung, mẹ của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là di tích được du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan tìm hiểu đời sống sinh hoạt của gia đình vua Bảo Đại. Nhà lưu niệm bà Từ Cung kết nối với Cung An Định hình thành tuyến tham quan tìm hiểu về vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn. 

Thế nhưng, vì mục đích tăng thêm doanh thu dịch vụ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế, đơn vị đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng trước sự phản ứng của người dân và du khách. 

Di tích Nhà lưu niệm bà Từ Cung thành chỗ kinh doanh nhà hàng cơm niêu.     

Với cách khai thác di tích lịch sử văn hoá giản đơn và mang tính thương mại hoá quá tầm thường như vậy của Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã gây bất bình trong dư luận xã hội, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Huế, các văn nghệ sĩ… 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã nhiều lần lên tiếng rằng, quản lý di tích lịch sử ở Huế quá tuỳ tiện, thích thì làm, thấy có vài đồng tiền thu thì cứ việc. Như vậy là thiếu trách nhiệm, nếu không nói là thiếu văn hoá đối xử với di tích của người xưa để lại; thiếu tôn trọng ý kiến góp ý của dư luận và nhân dân. Các điểm di tích lịch sử đem cho thuê chỉ có cơ quan quản lý di tích biết và đơn phương ký hợp đồng. Mỗi điểm di tích đều có dấu ấn riêng của nó muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di tích cần công khai, tranh thủ ý tưởng của nhiều người chắc chắn sẽ có cách làm tốt hơn tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Cho mở hàng quán trong điểm di tích vấn đề ô nhiễm môi trường, sự biến dạng di tích diễn ra là điều tất yếu...

Ông Thái Công Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế khá ngạc nhiên khi các điểm di tích cần trùng tu tôn tạo, tạo điểm nhấn trong tuyến tham quan di tích Huế lại đem cho thuê mặt bằng làm phá vỡ hệ thống di tích; theo ông, đó là việc làm không thể chấp nhận được. Cho thuê mặt bằng di tích để kinh doanh ăn uống là việc làm tuỳ tiện, tắc trách. 

“Không thể hiểu nổi khi Nhà lưu niệm mẹ vua Bảo Đại, điểm tham quan thu hút du khách lâu nay bây giờ lại biến thành quán cơm niêu. Làm gì và làm như thế nào để ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của một gia đình hoàng tộc trong những ngày trở về cuộc sống đời thường của người dân mới là việc làm có trách nhiệm của ngành quản lý di tích”, ông Nguyên nói. 

Ông Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng lên tiếng cho rằng ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt gọi là khu vực 1, còn cho thuê mặt bằng để xây dựng bát nháo và sau này tiếp tục hành xử như thế đối với Nhà lưu niệm bà Từ Cung. Ông Phu nêu câu hỏi, làm như vậy có vi phạm Luật Di sản không?... Đề nghị các cơ quan liên quan cần nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh để công tác bảo vệ các di tích Huế được tốt hơn…

Chiến Hữu
.
.
.