Đất dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc bị “xẻ thịt” lâu năm

Chủ Nhật, 21/06/2020, 08:51
Được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất từ năm 1998, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (Công viên LSVHDT) là một trong những dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh. Đây là công trình khoa học cấp Quốc gia, được đầu tư mới đồng bộ, hiện đại và lớn nhất cả nước với diện tích lên đến 395ha tại phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh và một phần nhỏ diện tích nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.


Tuy vậy, sau 22 năm, dự án mới chỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng được hơn 90%. Trước thực trạng lấn chiếm và không thực hiện việc bàn giao, trả lại mặt bằng của người dân, doanh nghiệp (DN), năm 2018, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra toàn bộ dự án này.

Theo kết luận thanh tra, Trung tâm Đầu tư và phát triển Công viên LSVHDT đã ký kết 19 hợp đồng với 15 đơn vị để cho thuê mặt bằng hoặc trá hình bằng hợp đồng hợp tác đầu tư trong nhiều năm.

Cảng gỗ của Công ty Mê Kông ngang nhiên hoạt động.

Tổng diện tích đất đem cho thuê lên đến hơn 35,4ha. Trong đó có 10 mặt bằng cho thuê với thời hạn 1 - 5 năm và trên các khu đất cho thuê này đã mọc lên nhiều công trình nhà xưởng, nhà điều hành, kho bãi. Ngoài ra, tại đây cũng đã có đến 24 trường hợp lấn chiếm mặt bằng sử dụng trái phép với tổng diện tích hơn 4,6ha để kinh doanh quán cà phê, quán ăn, bãi đậu xe cơ giới, xe container, garage sửa xe… bằng cách chiếm dụng, sử dụng đất trái phép hoặc cho thuê lại đất để kiếm lời. Trước những sai phạm tại dự án, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chủ tịch UBND quận 9 khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với ban quản lý dự án xử lý những trường hợp lấn chiếm đất trong công viên.

Dù vậy, đến nay cũng mới cũng chỉ có 10 doanh nghiệp thực hiện thanh lý hợp đồng và bàn giao mặt bằng; 4 DN đã thanh lý nhưng mới chỉ bàn giao một phần mặt bằng; 1 DN đã thanh lý nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Còn lại 4 DN, gồm Công ty TNHH đầu tư SXTM Ngọc Thành; Công ty CP đầu tư và tiếp vận Mê Kông; Công ty TNHH Tân Tuấn Kiệt và công ty CP đầu tư giải trí Thỏ Trắng vẫn chưa chịu thanh lý hợp đồng và giao trả mặt bằng cho dự án.

Trong đó 2 DN là Công ty Ngọc Thành và Công ty Mê Kông dù thời hạn thuê mặt bằng chỉ có 6 tháng và 1 năm để kinh doanh bến cảng tiếp vận đã bị Sở GTVT rút giấy phép bến cảng nhưng vẫn chây ì, quyết bám trụ lại trên đất làm dự án công viên. Trong khi đó, phần đất công viên được cắt ra đem cho 4 DN này thuê đều có diện tích rất lớn, Công ty Ngọc Thành thuê 22 ngàn m2; Công ty Tuấn Kiệt thuê 30 ngàn m2; Công ty Mê Kông thuê 26 ngàn m2.

Riêng Công ty Thỏ Trắng được cho thuê đến hơn 53 ngàn m2 với thời hạn kéo dài đến 25 năm để DN này tổ chức dịch vụ ăn uống, vui chơi cho khách đến tham quan. Càng bức xúc hơn khi 2 DN trong số này là Công ty Ngọc Thành và Công ty Mê Kông đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ cuối năm 2018 và đã bị Sở GTVT rút giấy phép hoạt động bến cảng nhưng vẫn cố thủ, bám trụ lại để giữ đất kinh doanh chứ không chịu trả lại mặt bằng cho BQL dự án.

Để thu hồi các khu đất này, BQL Công viên đã nhiều lần ra thông báo chấm dứt hợp đồng cũng như phối hợp với UBND phường Long Bình vận động hoặc mời lên làm việc. song đến nay việc giải quyết vẫn chưa có kết quả. Theo một lãnh đạo UBND quận 9, hiện địa phương này vẫn đang rốt ráo giải quyết đối với những trường hợp người dân lấn chiếm đất và chưa chịu bàn giao mặt bằng.  

Theo báo cáo của BQL Công viên, chưa kể tình trạng người ở các nơi khác nhảy vào lấn chiếm đất, thì dự án còn đến hơn 280 hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng. Sai phạm mang đất dự án công viên đi cho thuê để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy, nhưng đến nay việc xử lý trách nhiệm cũng mới chỉ dừng lại ở mức giao cho BQL Công viên LSVHDT tổ chức kiểm điểm đối với 6 tập thể và 11 cá nhân có liên quan đến thời điểm xảy ra sự việc.

Để chấm dứt tình trạng chiếm dụng đất công xảy ra tại dự án công ích này, UBND TP Hồ Chí Minh cần kiên quyết chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận 9 phối hợp cùng với BQL Công viên tập trung thu hồi đất của các DN đã thuê nhưng không chịu trả. Đặc biệt là xử lý tình trạng lấn chiếm bờ sông để kinh doanh bãi cát, bãi gỗ, nơi tập kết đất, điểm thu mua phế liệu, quán ăn.

Bảo Sơn
.
.
.