Dân nghèo bị xiết đất do nợ tiền phân bón

Thứ Tư, 04/07/2018, 11:22
Nhiều hộ dân nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) lâm vào cảnh khốn đốn, bị chủ nợ xiết đất đai, hoặc phải bán tháo quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ do vay theo kiểu “siêu lãi suất”, “lãi mẹ đẻ lãi con”. Trước đó họ chỉ nợ tiền mua phân bón hoặc vay với số tiền nhỏ để phát triển kinh tế.


“Sập bẫy”…  phân dê (!)

Ông Lơ Mu Ha Pol (72 tuổi, ngụ thôn Đạ Nghịt 1, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) lật đật đưa chúng tôi ra thửa đất phía sau nhà, rầu rĩ nói: “Bây giờ nó là của người ta rồi!”. Ông già người Kho này cố nhớ lại, đó là khoảng năm 2011 hoặc 2012, vì không có tiền mua phân hóa học để bón cho cà phê, ông được một người tên là Cao Thị Mai bán chịu cho chừng 3 tạ phân dê, tương đương trên dưới 15 bao.

Thôn Đạ Nghịt 1, xã Lát, nơi nhiều gia đình bị chủ nợ xiết đất do mua chịu phân bón.

Vào thời điểm đó, giá mỗi bao phân dê trung bình là 25.000 đồng. Vì tin tưởng vào sự “hào phóng” của chủ nợ, gia đình ông Ha Pol không hỏi rõ số tiền phân này, chỉ ký vào tờ giấy do người bán phân dê đưa ra, không giữ bất cứ giấy tờ gì để làm căn cứ khi có tranh chấp xảy ra.

Bón phân dê nhưng rẫy cà phê của gia đình ông Ha Pol không đạt năng suất, quả vẫn bị lép và rụng nhiều. Cùng với giá cà phê “rớt” xuống thấp, tiền thu về ít ỏi, hộ nông dân với gần chục miệng ăn này càng ngày càng lún vào khốn khó. Đã qua mùa thu hoạch cà phê mà vợ chồng ông Ha Pol vẫn chưa thể trả được tiền như đã thỏa thuận với chủ nợ trước đó.

Mấy năm sau, gia đình ông Ha Pol vẫn chưa thể trả nợ, cũng chưa thấy người trước đó đã cho mua chịu phân dê đòi tiền, gia đình ông Ha Pol biết tỏ ra biết ơn về lòng tốt của chủ nợ lắm. Bẵng đi một thời gian dài, bà Mai xuất hiện tại nhà ông Ha Pol, tung ra giấy ghi nợ, buộc vợ chồng ông phải trả tiền đã mua chịu phân dê trước đó. 

Sau ngày chủ nợ tới thông báo số tiền và ra hạn ngày phải trả, vợ chồng ông Lơ Mu Ha Pol lo lắng như ngồi trên đống lửa. “Rồi ngày nào chủ nợ cũng tới đòi tiền, chửi mắng, đe dọa đủ đường, đòi phải trả nợ cho họ ngay!...”, ông Ha Pol kể. Sau nhiều ngày liên tục bị chủ nợ “khủng bố”, để được yên thân, bước đường cùng, gia đình nông dân này đành phải chấp nhận để chủ nợ xiết, lấy miếng đất sau nhà.

Cạnh hộ ông Lơ Mu Ha Pol là gia đình chị Liêng Hót Ka Pham (32 tuổi). Chị Ka Pham cũng là một trong số nhiều nạn nhân của chiêu bán chịu phân bón với lãi suất “trên trời” của người tên là Cao Thị Mai. Ôm người con mới sinh trên tay, chị Ka Pham buồn bã kể lại, khoảng năm 2012, vì không có tiền nên vợ chồng chị đã mua chịu 100 bao phân dê cùng khoảng 3 tạ phân hóa học của bà Mai để bón cho 1,5ha cà phê.

Vì tin vào lòng tốt của chủ nợ, gia đình chị không hỏi tổng số tiền mua hai loại phân bón trên, chỉ ký vào giấy xác nhận nợ do bà Mai đưa ra. Cũng như gia đình ông Ha Pol, vợ chồng chị Ka Pham không có khả năng trả nợ sau khi đã thu hoạch cà phê.

Mấy năm sau, bà Mai xuất hiện, đưa giấy kê khai nợ cả gốc lẫn lãi cho vợ chồng chị Ka Pham với tổng số tiền lên tới gần 100 triệu đồng, yêu cầu chị phải trả. Nghe số tiền chủ nợ công bố, đôi vợ chồng trẻ này giật thót mình, toát mồ hôi hột, không hiểu sao 100 bao phân dê và 3 tạ phân hóa học mua chịu sau vài năm lại có giá cao khủng khiếp đến thế. “Rồi ngày nào bà Mai cũng tới đòi tiền, chửi mắng và cầm theo ớt bột để đe dọa nữa. Hai bên đã mấy lần giằng co, đánh nhau rồi!...”, chị Ka Pham kể.

Không thể chịu nổi sự “khủng bố” triền miên của bà Mai, vợ chồng chị Ka Pham đành phải gọi người bán tháo 1,5ha đất là của hồi môn của cha mẹ cho sau khi lập gia đình với giá 400 triệu đồng, trả cho chủ nợ gần 100 triệu đồng.

Đau lòng hơn là gia đình Liêng Hót KBrơn, năm 2001 được “chủ đầu tư” cho mua chịu 700 bao phân dê. Năm 2003, do chưa có tiền trả, gia đình Liêng Hót KBrơn bị chủ nợ xiết 3.000m² đất cà phê nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ mua phân. Năm 2016, gia đình KBrơn lại bị chủ nợ xiết thêm 1.000m² đất ngay sau ngôi nhà của mình.

Lấy được đất, “chủ đầu tư” lại “vẽ” ra số tiền vợ chồng KBrơn vẫn còn nợ là 20 triệu đồng và đòi tiếp tục xiết thửa đất để làm đường dẫn vào 1.000m² đất bên trong. Nếu chủ nợ đạt được mục đích, anh KBrơn buộc phải phá bỏ một phần căn nhà của gia đình mình. Chủ nợ vẫn thường xuyên tới nhà “gây hấn”, yêu cầu anh KBrơn cắt đất, phá bỏ một phần căn nhà để mở đường vào thửa đất phía sau mà trước đó họ đã xiết nợ của gia đình anh.

Tuy nhiên, anh KBrơn kiên quyết từ chối, chỉ viết giấy xác nhận đang nợ 28 triệu đồng. “Vài tháng sau, không hiểu sao chủ nợ tới thông báo số tiền mình nợ đã tăng lên 100 triệu đồng rồi. Từ đó tới giờ, nhà mình mất ăn mất ngủ, đến căn nhà này bây giờ cũng khó mà giữ nổi!...”, KBrơn mếu máo.

Cũng ở xã Lát, PV Báo CAND còn gặp nhiều trường hợp khác (hầu hết là đồng bào K’ho) bị “sập bẫy” sau khi được “hào phóng” cho nợ tiền mua phân, đó là ông Ha Phương (mua 300 bao phân dê, giá 25.000 đồng/bao, vừa bị xiết mất 4.000m² đất trồng cà phê mà vẫn chưa dứt nợ); ông Liêng Jrang Ha Siêt (nợ tiền phân bón 19 triệu đồng vào năm 2011, 4 năm sau, bị buộc phải trả 136 triệu đồng); ông Liêng Jrang Ha Tư (nợ tiền mua phân 17 triệu đồng, 4 năm sau bị chốt nợ, buộc phải trả 100 triệu đồng);…

Theo các “con nợ”, điều kiện được vay rất đơn giản, trước hết là phải có đất; đất có vị trí đẹp thì được ưu tiên. Khi được mua chịu phân bón (phân dê và phân hóa học), các “con nợ” đều không giữ lại giấy tờ làm chứng, chỉ ký vào giấy xác nhận nợ do “chủ nợ” đưa. Do nhận thức hạn chế và sự cả nể, bà con thậm chí còn không hỏi số tiền mình đang nợ từ việc mua phân bón là bao nhiêu. Những gia đình vay tiền mặt từ các “nhà đầu tư” cũng không kiểm tra kỹ số tiền ghi trên giấy ghi nợ có đúng với số tiền thực tế được nhận hay không. “Cứ đưa giấy ra là mình ký thôi, tin nhau mà!..”, ông Ha Phương, chua xót nói.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Kơ Săk KGuynh, Phó Trưởng Công an xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, hiện nay tại các thôn Đạ Nghịt, Đạ Nghịt 1 và Păng Tiêng và Păng Tiêng 1 vẫn còn gần 50 gia đình là bà con dân tộc thiểu số đang là con nợ của một số đối tượng, trong đó nổi cộm lên là bà Cao Thị Mai và một người tên là Hồng Mẫn.

Những gia đình này trước đó mua chịu phân bón hoặc chỉ vay số tiền nhỏ để đầu tư chăm sóc cho cây cà phê. Vì phải vay với lãi suất rất cao nên chỉ sau vài năm, số tiền nợ đã tăng lên gấp nhiều lần. “Lãi mẹ đẻ lãi con, hầu hết người mua chịu phân bón và vay tiền không có khả năng trả nợ, bởi gia đình họ rất nghèo, nhiều hộ còn chưa đủ ăn và phải nhận trợ cấp của Nhà nước!...”, ông Kơ Săk KGuynh cho biết.

Ông Lơ Mu Ha Pôl, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lát, huyện Lạc Dương cho biết, nạn “cho vay nặng lãi” bùng phát mạnh tại địa phương từ năm 2011 nhưng các bên chỉ thỏa thuận miệng hoặc viết giấy xác nhận nợ do chủ nợ giữ nên công tác quản lý, xử lý và bảo vệ người vay gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Ha Pôl, do không có tiền trả nợ trong khi số tiền người vay tăng lên hằng tháng rất lớn nên chủ nợ đã xiết đất của nhiều hộ, trong đó hộ bị xiết nhiều nhất lên tới cả hécta đất rẫy.

“Trong diện tích đất bị xiết nợ, có cả đất do Nhà nước cấp cho các gia đình thuộc diện thiếu đất sản xuất tại tiểu khu 227A, xã Lát, huyện Lạc Dương. Khoảng 80% diện tích đất của người dân tại địa phương được Nhà nước cấp nay đã bị bán hoặc bị xiết nợ”, ông Ha Pôl nói.

Làm sao để người dân không bị “sập bẫy lãi suất”, lâm vào cảnh nợ nần, mất tài sản, đất đai đang là vấn đề khẩn cấp được cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đặt ra. Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, qua rà soát, ngành chức năng và các địa phương đã nắm được danh sách các số đối tượng chuyên cho vay mang tính chất nặng lãi và đã giao cho Công an huyện theo dõi, lập hồ sơ xử lý. Về mặt pháp luật, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân khởi kiện các đối tượng cho vay (tiền và bán chịu phân bón) đã xiết đất đai của bà con.

Theo UBND huyện Lạc Dương, nguyên nhân dẫn đến việc người mua chịu phân bón nay phải trả bằng đất tại xã Lát là do một số đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin của bà con địa phương để cho vay tiền hoặc cho mua phân bón chịu sau đó tính lãi suất lớn, đẩy giá tiền lên cao. Bà con nghèo đi vay tiền, mua chịu phân bón ở xã Lát đều không giữ giấy tờ làm chứng.

Hầu hết các trường hợp ký vào giấy xác nhận nợ nhưng không đọc kỹ nội dung, chưa kiểm tra số tiền nên dễ bị người cho vay lợi dụng, kê khống. Các đối tượng này thậm chí biết rõ nhiều gia đình không có khả năng trả nợ nhưng cố tình cho vay nhằm buộc bà con phải viết giấy trả nợ bằng việc “cắt đất” cho họ với giá rẻ mạt.

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không vay mượn theo kiểu “tín dụng đen”, hợp đồng không rõ ràng. Hướng dẫn cho người dân có nhu cầu vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế thì liên hệ với ngân hàng chính sách để được tư vấn, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi dưới sự bảo lãnh của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo UBND xã Lát làm việc với các bên liên quan tiến hành khoanh nợ, đồng thời ngăn chặn việc sang nhượng đất để giữ đất cho người nghèo, tuyệt đối nghiêm cấm tình trạng chủ nợ xiết đất của người dân.

UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo Công an huyện có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, bám sát địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng, tiền tệ, dụ dỗ, lôi kéo người dân vay tiền, mua chịu sản phẩm với lãi suất cao, hoặc nhằm phục vụ mục đích xấu, chiếm đoạt tài sản của người đi vay.

Hiện, UBND xã Lát cũng đã mời bà Cao Thị Mai và hộ ông Hồng Mẫn lên để thỏa thuận, đối chiếu nợ với những người đã vay để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn. Từ kiến nghị, đề xuất của cấp có thẩm quyền, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với các nhà mạng, thống nhất khóa trên 100 thuê bao điện thoại di động được xác định là phục vụ hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Công an các huyện, thành phố cũng đã triệu tập, xử lý hành chính, khởi tố điều tra một số vụ liên quan đến hoạt động này.
Khắc Lịch
.
.
.