Cư dân tố chủ đầu tư chiếm dụng hàng chục tỷ

Thứ Bảy, 27/06/2020, 09:08
Đỉnh điểm của khúc mắc giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Thống Nhất- Bắc Việt và cư dân tại tòa nhà Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là việc chủ đầu tư cắt nước của hơn chục hộ dân trong tòa nhà vào chiều ngày 22/6.

Một số hộ dân mua xe nước về tổ chức tắm giặt dưới chân tòa nhà. Theo phản ánh của người dân, với số diện tích bị thiếu hụt của từng căn hộ tính thành tiền, cùng khoản tiền bảo trì 2%, chủ đầu tư đang chiếm dụng của hơn 500 hộ dân dự án này hàng chục tỷ đồng.

Chủ đầu tư có nhập nhằng cách tính diện tích?

Theo phản ánh của cư dân, đây là dự án chung cư cao cấp có 550 căn hộ. Mức phí dịch vụ được chủ đầu tư đưa ra là 8,8 nghìn đồng/m². 

Từ khoảng tháng 12/2018 đã có nhiều hộ dân dọn về đây sinh sống. Chủ đầu tư bàn giao chính thức căn hộ cho cư dân vào tháng 6/2019. Mặc dù khi đó, hệ thống hạ tầng, dịch vụ chưa hoàn thiện, nhưng chủ đầu tư vẫn tính mức giá dịch vụ là 8,8 nghìn đồng/m². Do vấp phải sự phản đối từ phía người dân, chủ đầu tư đã hạ mức phí dịch vụ xuống 6,6 nghìn đồng/m². 

Vậy nhưng, khi cư dân yêu cầu, chủ đầu tư lại không thống kê và công khai các khoản chi làm cơ sở tính phí dịch vụ 6,6 nghìn đồng/m², dẫn đến việc một số hộ dân bức xúc không nộp tiền phí dịch vụ. Chủ đầu tư cắt nước, mâu thuẫn bùng phát. Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, đây cũng chỉ là cái cớ để bùng phát những mâu thuẫn lớn hơn giữa chủ đầu tư và cư dân tại dự án này.

Chị Vân, ở tại căn hộ 403, tháp A bức xúc cho biết, diện tích căn hộ của chị trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư ghi rõ là 88,22m². Trong khi đó, hồ sơ kỹ thuật cũng của chính chủ đầu tư lại chỉ có 86,6m². Diện tích đo thực tế lại chỉ còn 85,7m². Như vậy diện tích thiếu hụt của căn hộ này là 2,5m². Với mức giá xấp xỉ 30 triệu đồng/m2, như vậy chủ đầu tư đã thu thêm căn hộ của chị số tiền lên tới 70 triệu đồng. 

Cư dân khu nhà Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.

“Tôi cũng đã từng ở chung cư trước khi về đây. Với số diện tích bị thiếu hụt, chủ đầu tư phải tính thành tiền trả lại cho dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư Thống Nhất Complex lại không đề cập gì. Khi bị cư dân yêu cầu làm rõ thì lại nói rằng sẽ trả lại tiền khi chủ đầu tư làm sổ hồng. Chúng tôi có thể tự làm sổ, đâu cứ nhất thiết phải là chủ đầu tư. Việc thiếu hụt diện tích thì phải trả lại cho người dân. Chỉ cần tạm tính diện tích thiếu hụt tính thành tiền mỗi căn hộ là 50 triệu đồng, thì với hơn 500 căn hộ tại dự án này, số tiền mà chủ đầu tư đang giữ của chúng tôi đã lên tới hơn 25 tỷ đồng. Nếu chủ đầu tư không trả lại ngay mà cứ lý do này nọ thì có nghĩa họ đang chiếm dụng số tiền này”, chị Vân bức xúc cho hay.

Trong khi đó, anh Lê Việt Anh, căn hộ B2205, người đã cùng một số hộ dân đứng đơn gửi chính quyền kiến nghị những vấn đề tại dự án chung cư Thống Nhất Complex này cho hay, chủ đầu tư đưa ra cách đo và tính diện tích chưa phù hợp với luật, gây thiệt hại kinh tế cho khách hàng. Thế nhưng nhiều lần chúng tôi gửi đơn đến chủ đầu tư, nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa trực tiếp gặp mặt để giải quyết triệt để tranh chấp. “Mặc dù chủ đầu tư đã có thông báo làm sổ cho khách hàng, nhưng việc không giải quyết tranh chấp về cách đo diện tích đã khiến việc làm sổ hồng bị chậm trễ, gây ảnh hưởng tới hàng trăm căn hộ đang sinh sống tại đây”, anh Việt Anh cho biết.

Chủ đầu tư không hợp tác với cư dân?

Không chỉ tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ, chủ đầu tư và cư dân dự án này còn đang phát sinh nhiều mâu thuẫn khác. Theo anh Nguyễn Vĩnh Quý, căn hộ A307, thì mặc dù được gắn mác “chung cư cao cấp”, nhưng chất lượng lại không tương xứng. Chủ đầu tư thu phí dịch vụ chưa đúng theo nguyên tắc thu đủ bù chi. “Chủ đầu tư không công khai thu - chi phí dịch vụ theo đúng nguyên tắc “thu đủ bù chi” của pháp luật quy định. Mức thu hiện nay là 6,6 nghìn đồng/m² mà chủ đầu tư tạm thu là quá cao so với mặt bằng của các chung cư lân cận nhưng chất lượng chưa tương xứng”, anh Quý cho biết.

Một vấn đề quan trọng hơn cũng được cư dân đề cập, đó là mặc dù dự án đã đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được Ban Quản trị. Trong cuộc gặp đầu xuân 2020 giữa chủ đầu tư, cư dân và đại diện quận Thanh Xuân, phường Thanh Xuân Trung, chủ đầu tư đã khẳng định, tháng 6- 2020 sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị. 

“Thế nhưng nay đã hết tháng 6, chủ đầu tư vẫn chưa có động tĩnh gì. Việc chưa bầu được Ban Quản trị, chủ đầu tư vẫn đang nắm giữ số tiền 2% quỹ bảo trì. Số tiền này của hơn 500 hộ dân lên đến hàng chục tỷ”, anh Lê Việt Anh, căn hộ B2205 cho biết. Nhưng vấn đề đáng bàn nhất theo anh Lê Việt Anh là việc chủ đầu tư không hợp tác với cư dân để giải quyết những khúc mắc này, không trả lời đơn thư tiếp nhận mà khách hàng gửi đến, không tiếp xúc với trực tiếp với khách hàng dù khách hàng đã năm lần bảy lượt đề nghị.

Liên quan đến tranh chấp giữa cư dân dự án Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân và chủ đầu tư, đại diện phường Thanh Xuân Trung cho biết, khi xảy ra sự việc người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư chiều tối ngày 22/6, ngay sáng 23/6, chính quyền phường Thanh Xuân Trung đã mời đại diện cư dân và chủ đầu tư đến để thống nhất, bàn các giải pháp giải quyết. 

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Chung cho biết, tại cuộc họp, chính quyền đã yêu cầu chủ đầu tư phải mở nước lại ngay cho cư dân. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị. 

“Chủ đầu tư đã hứa sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị trong tháng 7 tới đây. Tuy nhiên, việc tranh chấp lớn nhất về diện tích căn hộ thì liên quan đến rất nhiều góc độ như về luật, các thông tư, nghị định, rồi cả hợp đồng mua bán ký kết giữa hai bên về phương pháp, cách đo diện tích. Luật thì đưa ra thế này nhưng mỗi bên lại hiểu một cách khách nhau. Do đó, hai bên có thể giải quyết ở tòa án bởi chính quyền địa phương cấp phường không có đủ thẩm quyền để giải quyết việc này”, ông Vũ cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.