Xét xử sơ thẩm vụ chủ đầu tư kiện đòi nhà khách hàng:

Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô phải trả khách hàng hơn 3,1 tỷ đồng

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:23
Như Báo CAND đã đưa tin, vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn mua căn hộ chung cư số 93 Lò Đúc, Hà Nội giữa Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Công ty Kinh Đô) và bà Phan Thị Thanh (ủy quyền cho ông Văn Cao Điền là chồng bà Thanh) đã diễn ra nhiều năm nay.

Năm 2013, Tòa án nhân dân (TAND) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Kinh Đô đòi lại căn hộ của bà Thanh. Sau nhiều năm chờ đợi, trong hai ngày 20-4 và 27-4, TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và đưa ra phán quyết.

Nội dung vụ việc như sau: Ngày 31-12-2003, bà Phan Thị Thanh ký “Hợp đồng góp vốn xây dựng mua căn hộ” số 34/HĐGV với Công ty Kinh Đô ở 93 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Thanh góp vốn xây dựng mua căn hộ số A12, tầng 15, diện tích sàn 88m² tại công trình toà nhà Kinh Đô tại 93 Lò Đúc. Giá trị hợp đồng là 891,66 triệu đồng nhưng sau đó diện tích căn hộ có thay đổi nên giá trị căn hộ tăng lên.

Theo dự kiến, Kinh Đô sẽ bàn giao căn hộ cho bên góp vốn vào ngày 30-6-2006. Hợp đồng thỏa thuận góp vốn làm 4 đợt. Tuy nhiên, gia đình bà Thanh không nộp tiền đúng ngày như trong hợp đồng. Và tại thời điểm phải bàn giao nhà cho khách hàng theo hợp đồng thì phía Công ty Kinh Đô mới chỉ xây dựng xong phần thô và đang hoàn thiện.

Căn hộ A12 tầng 15 chung cư 93 Lò Đúc đã được giải quyết sau nhiều năm tranh chấp.

Ngày 21-5-2007, Công ty Kinh Đô có Thông báo số 01/TB-KTTV đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với bà Phan Thị Thanh về việc góp vốn xây dựng để mua căn hộ số A12 tầng 15 với lý do vi phạm tiến độ góp vốn 3 đợt. 

Tại tòa, ông Văn Cao Điền trình bày chậm góp vốn có lý do khách quan, trong đó có khoảng thời gian không nộp được là do một số cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của Công ty Kinh Đô vi phạm pháp luật, bị bắt giam. Đến tháng 9-2004, công ty trở lại hoạt động bình thường thì gia đình ông lại tiếp tục góp vốn.

Như đã nói ở trên, tuy Công ty Kinh Đô ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng sau đó hai bên đã gặp nhau thỏa thuận và vợ chồng ông Văn Cao Điền tiếp tục nộp nốt nghĩa vụ tài chính như tiền phát sinh diện tích, hệ thống gas… Thế nên tháng 10-2007, Công ty Kinh Đô giao chìa khoá nhà và gia đình ông Điền tiến hành làm sàn gỗ, lập bàn thờ tại căn hộ trên.

Mặc dù đã có biên bản bàn giao nhà do những người có trách nhiệm của công ty này ký, nhưng sau đó hai bên tiếp tục phát sinh tranh chấp. Công ty Kinh Đô thay ổ khóa căn hộ, treo trước cửa biển “Kho vật tư” và khởi kiện bà Thanh ra tòa đòi lại căn hộ. 

Tại tòa, đại diện Công ty Kinh Đô là ông Nguyễn Thành Đính, Phó Giám đốc Công ty cho rằng việc bàn giao nhà cho ông Điền là không đúng quy trình và bị ép buộc. Công ty Kinh Đô yêu cầu thanh lý hợp đồng góp vốn, yêu cầu bà Thanh nhận lại số tiền vốn góp và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên phía Công ty Kinh Đô không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bị ép buộc việc lập biên bản bàn giao căn hộ.

Hội đồng xét xử nhận định, Công ty Kinh Đô có lỗi khi xây dựng và bàn giao nhà chậm so với tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng, còn việc chậm nộp tiền của vợ chồng ông Điền là lý do khách quan.

Bên cạnh đó, mặc dù phía Kinh Đô đã ban hành thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng sau đó vẫn thu tiền phát sinh diện tích căn hộ cùng một số nghĩa vụ khác tức là đã bỏ qua lỗi vi phạm chậm nộp tiền của ông Điền để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bởi vậy, trong việc xảy ra tranh chấp hợp đồng góp vốn xây dựng mua căn hộ trên, Hội đồng xét xử xác định lỗi của Công ty Kinh Đô là 70% trong đó có việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định của pháp luật; lỗi của vợ chồng ông Văn Cao Điền là 30% do nộp tiền chậm tiến độ.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng góp vốn giữa hai bên của Công ty Kinh Đô, yêu cầu Công ty Kinh Đô bồi thường thiệt hại 2,169 tỷ đồng và hoàn trả 954 triệu đồng là số tiền vợ chồng ông Điền đã đóng góp. Tổng số tiền Công ty Kinh Đô phải trả cho vợ chồng ông Điền là 3,123 tỷ đồng.

Việt Hà
.
.
.