Công an vào cuộc vụ phá rừng Báo CAND phản ánh

Thứ Sáu, 18/06/2021, 16:02
Công an huyện Đức Trọng đang phối hợp với Hạt kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh khoanh vùng, sàng lọc các đối tượng nghi vấn để triệu tập lên lấy lời khai. 


Chiều 18/6, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Đức Trọng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thành lập tổ công tác, khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phá rừng tại tiểu khu 267C, xã Hiệp An, mà Báo CAND đã phản ánh.

Rừng thông tại tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị cưa hạ.

Hiện tại, Công an huyện Đức Trọng đang phối hợp với Hạt kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh khoanh vùng, sàng lọc các đối tượng nghi vấn để triệu tập lên lấy lời khai.

Trước đó, để phục vụ công tác điều tra, các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định khối lượng lâm sản bị thiệt hại. Có 18 cây thông thuộc đối tượng rừng sản xuất đã bị lâm tặc cưa hạ, cắt thành 117 lóng ngắn, gây thiệt hại gần 8m3 gỗ.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, mục đích của hành vi phá rừng này là để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp.

Khu vực xảy ra vụ cưa thông nhiều năm qua là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái pháp luật khi giá đất trong vùng liên tục tăng mạnh theo thị hiếu của nhiều người.

Gỗ thông bị các đối tượng cưa nhỏ chuẩn bị đốt phi tang.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, lợi dụng mùa mưa và ban đêm, tình trạng kẻ xấu bơm hóa chất vào thân cây, chặt xung quanh gốc, cưa hạ thông sau đó đốt gỗ phi tang đang có chiều hướng gia tăng tại khu vực xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, nơi giáp ranh với TP Đà Lạt. Diện tích đất rừng bị lấn chiếm lập tức được các đối tượng trồng cây ăn trái như mít, bơ, hồng...

Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa nhiều khu vực đất rừng bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiến hành cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ diện tích nhà kính, nhà lưới được làm trên đất lâm nghiệp, đồng thời siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương, các chủ rừng để xảy ra vi phạm.

Khắc Lịch
.
.
.