Còn thi công tắc trách sẽ còn nhiều người gặp nạn

Thứ Ba, 01/11/2016, 09:06
Vụ người đàn ông đuổi theo xe buýt rơi xuống hố ga trên đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh tử vong chiều 21-10 như “giọt nước tràn ly” khiến người dân vô cùng bức xúc.

Bởi không chỉ công trình tại khu vực này thi công cẩu thả, làm việc tắc trách khiến người lưu thông trên đường gặp nạn mà còn nhiều vụ việc khác liên quan đến các công trình công cộng thi công tắc trách gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.

Vị trí đơn vị thi công tắc trách khiến nạn nhân rơi xuống hố ga tử vong.

Kết quả khám nghiệm tử thi nạn nhân bị rơi xuống hố ga công trình thi công trên đường Kinh Dương Vương được Công an quận Bình Tân xác định là do ngạt nước. Điều đáng buồn là gần 10 ngày sau vụ tai nạn thương tâm, người nhà của nạn nhân vẫn chưa hay biết để đến nhận thi thể về mai táng, Công an quận Bình Tân cũng chưa làm rõ được danh tính nạn nhân.

Vì vậy, mặc dù Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư đã đứng ra nhận trách nhiệm, đồng ý bồi thường nhưng chưa có người nào làm đại diện của nạn nhân đến làm việc, xử lý vụ việc.

Trở lại hiện trường vụ việc, tất cả các hố ga dọc tuyến đường Kinh Dương Vương đang nâng cấp đã được đơn vị thi công đậy kín bằng nắp bê tông, được rào chắn bằng hàng rào tôn. Tuy nhiên xung quanh hố ga này vẫn còn nhiều phần lồi lõm và đất đá vương vãi xung quanh khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. 

Buổi tối qua khu vực này đèn chiếu sáng không có, nhiều phương tiện liên tục đụng nhau, nhiều xe gắn máy loạng choạng ngã vì đất đá rải trên mặt đường. Nhiều người dân sống ở mặt tiền đường này vô cùng bức xúc vì bụi bẩn bay vào nhà.

Về vụ người đàn ông rơi xuống hố ga cho thấy sự tắc trách của đơn vị thi công, ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho hay: “Đây là một bài học cần rút ra đối với đơn vị thi công, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về vụ việc này. Phía trung tâm đã họp với nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Quá trình thi công, công nhân không bố trí người trông coi, không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn nên để xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên. Đây là một bài học quá lớn mà chúng tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm”.

Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh vụ tai nạn xảy ra là do sự tắc trách, lơ là của chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn giám sát. Sự cố đã làm xấu đi hình ảnh của ngành, của TP Hồ Chí Minh. Ông Cường cho biết, trước mùa mưa Sở GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đang thi công công trình dang dở phải tổng kiểm tra rào chắn và có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động... Tuy nhiên vẫn có nạn nhân của các công trình thi công cẩu thả này.

Những công trình nâng cấp đô thị, cải tạo môi trường nước thi công tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần giúp người dân cải thiện môi trường sống, tuy nhiên việc làm tắc trách của nhà thầu, đơn vị thi công khiến người dân phải sống trong phập phồng, lo lắng, nhất là thời điểm cao điểm của mùa mưa bão.

Công trình khi thi công đã tạo ra khói bụi, lô cốt vây kín mặt đường, ảnh hưởng đến kinh doanh nay lại ảnh hưởng đến cả tính mạng người dân.Thời gian gần đây những tai nạn đau lòng xảy ra liên quan đến những miệng cống thiếu che chắn an toàn. Gần đây nhất một bé trai ở Bình Dương bị nước dâng cao cuốn trôi vào bên trong cống nước không có rào chắn khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tuy nhiên nhiều vụ liên quan đến việc đơn vị thi công tắc trách khiến người đi đường thiệt mạng chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại mà chưa có vụ “tắc trách” nào bị xử lý hình sự, bị khởi tố.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết theo khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ thì: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí biển báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Do đó, đơn vị thi công này đã không rào chắn, nắp cống mở đã làm cho một người đàn ông đang vội vã chạy đón xe buýt bị vấp té, rớt xuống tử vong là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa thấy tiền lệ nào khởi tố các vụ việc do thi công tắc trách gây ra dù hậu quả dẫn đến vô cùng nghiêm trọng. Trách nhiệm thì các bên tự “truy cứu” đổ lỗi cho nhau. Bởi vậy nếu không có hình phạt đủ sức răn đe, những cái chết rình rập người đi đường từ những công trình thi công thiếu an toàn thế này vẫn còn tái diễn.”

Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, qua đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án do các đơn vị thuộc Sở làm chủ đầu tư trên địa bàn thành phố đã “lộ” ra hàng loạt lỗi vi phạm của các nhà thầu như  thi công bê bối, cẩu thả, gây ô nhiễm môi trường, dẫn tới mất an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường.

Hằng năm, thanh tra Sở GTVT TP đều lập danh sách đen những nhà thầu thi công bầy hầy, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và mức phạt đối với nhà thầu, đơn vị thi công này là rất nặng.

Dư luận bức xúc với việc, nếu nhà thầu và các đơn vị thi công còn thi công tắc trách kiểu này thì còn nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

M.Đ.
.
.
.