Coi chừng dính “bẫy” mỹ phẩm dỏm

Thứ Năm, 18/01/2018, 09:31
Lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, "ẩn mình" trên online rồi tung ra các kiểu chào mời, quảng cáo, khá nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm áp dụng phương thức có tính chất lừa đảo khiến nhiều khách hàng "tiền mất tật mang". Không ít trường hợp mua phải mỹ phẩm kém chất lượng phải nhập viện gấp do tai biến.

Tại Bệnh viện (BV) Da liễu TP Hồ Chí Minh, hằng tháng vẫn tiếp nhận xử trí các trường hợp bị biến chứng do làm đẹp, do dùng phải mỹ phẩm không nguồn gốc, nhất là dùng phải kem trộn, dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn dính “bẫy”.

"Ma trận" mỹ phẩm

Gần đây, "kho mỹ phẩm" của người mẫu Phi Thanh Vân đã bất ngờ bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện việc kinh doanh vi phạm các qui định về quản lý dược phẩm, mỹ phẩm. Đặc biệt, trong hàng chục ngàn lít "sữa rửa mặt trắng da"; sữa tắm “trắng da toàn thân cao cấp”… buộc phải tiêu huỷ do thành phần kiểm nghiệm không đạt yêu cầu, còn đang làm rõ về nguồn gốc, xuất xứ của những lô hàng "bán thành phẩm" trong kho. Vì tại nơi đăng kí địa chỉ sản xuất của công ty này đều không có hoạt động sản xuất.

Một cán bộ thanh tra Sở cho biết, thực tế đợt thanh kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ và kinh doanh mỹ phẩm vừa qua, có cơ sở quảng bá sản xuất kinh doanh mỹ phẩm có nhiều sản phẩm trên mạng, nhưng khi kiểm tra tại hiện trường, chỉ thấy có một chiếc máy trộn, còn qui trình sản xuất không có.

Để tìm hiểu thực tế, từ một số điện thoại hotline 0985…049 quảng bá hoành tráng trên trang web của Công ty TNHH Mỹ phẩm H.V, chúng tôi đã thử tìm cách liên hệ. Ngay khi vừa gọi, đầu dây kia đã xuất hiện giọng một người đàn ông gắt gỏng, từ chối phắt, rằng: không sản xuất mỹ phẩm, rồi tắt máy.

Lần theo địa chỉ trên trang web và trên các sản phẩm của  công ty này, có địa chỉ tại khu vực Miếu Bình Đông, phường Bình Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Nhưng chúng tôi thật bất ngờ, nơi đây chỉ là  một căn nhà cấp bốn cũ kỹ, nằm trong một con hẻm nhỏ. Tại đây có treo tấm biển màu đồng ghi tên Công ty TNHH Mỹ phẩm H.V, nhưng bên ngoài khóa cửa im lìm.

Thấy chúng tôi đứng trước cửa, hàng xóm chạy ra cho biết căn nhà này là của hai vợ chồng khoảng 40 tuổi, gia đình đi làm từ sớm tới tối mới về, chứ không hề có sản xuất mỹ phẩm gì ở đây.

Với mẫu mã bắt mắt và hình thức quảng cáo online, mỹ phẩm giả - thật rất khó phân biệt.

Trong khi ấy, tên trang web của công ty này quảng bá rất nhiều loại sản phẩm như: kem ngừa tàn nhang - tái tạo lão hóa UV30, kem dưỡng trắng - chống nhăn - giảm nám - làm se, khít lỗ chân lông… với giá bán hàng trăm ngàn đồng mỗi hộp. Trên các hộp có chỉ dẫn liên hệ nhiều số điện thoại khác nhau, nhưng khi gọi vào thì lại không liên lạc được.

Tiếp tục vào trang chủ của Công ty H.V có mã vùng Đồng Nai: 0616…871, đề nghị cho biết về chính sách hoa hồng thì được 1 nhân viên nữ cho liên hệ số điện thoại di động 0903…758 gặp cô Nguyệt để được tư vấn. Người này chỉ nói, sản phẩm công ty sản xuất ở Đồng Nai, nhưng do cô là nhà phân phối nên không biết địa chỉ cụ thể. Gọi tiếp nữa thì được một nhân viên nói rõ, nếu làm  đại lý thì không được biết địa chỉ công ty…(?!).

Chúng tôi vào vai người muốn mở shop mỹ phẩm ở Bình Dương và gọi vào số điện thoại 0933…368 (nằm trong danh sách các nhà phân phối của công ty mỹ phẩm này), được nghe người phụ nữ tên Hoa "xổ" một tràng về sản phẩm của công ty. Chủ yếu ca ngợi: sản phẩm chính hãng, chất lượng rất tốt, có nhà máy sản xuất quy mô lớn tại địa chỉ: ...Miếu Bình Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh với trang thiết bị máy móc nhập khẩu vô cùng hiện đại. Nhân viên này nói tới nơi sản xuất chính là cơ sở trước đó PV tìm hiểu chỉ là một căn nhà cấp 4, xập xệ và không có nhân viên làm việc trên.

Như vậy, câu hỏi đặt ra, hàng trăm loại sản phẩm mang tên mỹ phẩm H.V này được sản xuất ở đâu? Tại sao rất nhiều số điện trên các sản phẩm công ty này lại không liên lạc được? Theo tìm hiểu, công ty này hoạt động từ năm 2008, tức đã 10 năm, nhưng với cung cách hoạt động như trên, liệu các cơ quan quản lý đã nắm được hay chưa và bao nhiêu khách hàng đã dùng sản phẩm mang tên mỹ phẩm H.V này, có tác hại hay không?

Kem trộn: "Tiền mất tật mang", da hỏng vĩnh viễn

Trao đổi với PV Báo CAND, BS Nguyễn Thị thu Cúc, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân là nạn nhân của kem trộn. Kem trộn với các thành phần chính: vitamin E, Becozym, Cortibion, Aspirin… và đặc biệt là Corticoid. Một sản phẩm còn phát hiện pha trộn thuỷ ngân, đều có tác dụng làm trắng, tẩy mạnh.

Khi được bôi lên da, Corticoid làm da "ngậm nước" rất nhanh, trở nên căng mọng, láng đẹp chỉ sau khoảng 2 tuần sử dụng. Nhưng về lâu dài, da bệnh nhân dùng phải kem trộn Corticoid sẽ trở nên bị bào mỏng, xuất hiện gân máu. Tai hại hơn, khi người dùng bị lệ thuộc nên càng dùng nhiều hơn, tính tự bảo vệ của da không còn, da sẽ sinh mụn, hoặc bị nám trầm trọng. Cho nên theo nhận định của các chuyên gia da liễu, kem trộn vô cùng nguy hiểm.

Cũng theo BS Cúc, nếu như trước đây kem trộn được đặt trong những chiếc hũ đựng đơn giản, thì bây giờ được đưa vào hộp mẫu mã đẹp, lại được nhiều người đẹp quảng bá trên mạng, rằng, sau thời gian sử dụng trở nên láng mịn, đẹp tươi... do vậy, nhiều người bị ngộ nhận, mua phải.

BV Da liễu từng tiếp nhận nhiều ca bị dị ứng do mỹ phẩm corticoid đã làm bệnh nhân bị nổi mụn toàn bộ da mặt. Có trường hợp bị tai biến, mụn mủ li ti đầy mặt. Do corticoid là thuốc ức chế miễn dịch gây bít tắc chân lông. Có bệnh nhân thì ngứa, vết tổn thương chảy nước, rỉ dịch rất nặng. Các bệnh nhân khai sử dụng loại kem mua ngoài thị trường, mua trên mạng.

Theo BS Cúc, điều trị các trường hợp phản ứng do corticoid tàn phá da phải rất kiên trì. Có trường hợp phải điều trị kháng sinh, nhưng khi da phục hồi cũng không trở lại bình thường. Điều lạ, trong các nạn nhân, có người da thật đã rất đẹp nhưng do muốn đẹp hơn nên cũng mua kem trộn và hậu quả phải vào viện với khuôn mặt sưng vù, nổi đầy mụn mủ.

Có người dùng mấy năm cho tới khi vào BV thì đã bị teo da. Điều trị tốn rất nhiều tiền mà vẫn không thể "cai" được Corticoid nữa! Do vậy, theo BS Cúc, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng phải biết cách tự bảo vệ mình trước khi mua, dùng một loại mỹ phẩm; cần xem xét xuất xứ, nguồn gốc, có công bố chất lượng sản phẩm.

Đáng sợ nhất là nếu trong sản phẩm mỹ phẩm còn có trộn thuỷ ngân, qua thời gian lâu dài, thuỷ ngân sẽ thẩm thấu vào da, vào mạch máu, ảnh hưởng tới gan, thận, do lắng đọng kim loại nặng trong gan, thận, không thải ra được....

Huyền Nga
.
.
.