Chuyện ông chủ một Tập đoàn nhiều lần cách chức vợ cũ không đúng luật (!)

Thứ Bảy, 30/09/2017, 10:38
TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa xử phúc thẩm, tuyên huỷ toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, đồng thời ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (44 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (46 tuổi, chồng cũ bà Thảo). Trong vụ này, Công ty CP Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, bà Thảo là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) và là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn cà phê Trung Nguyên theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN) do Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cấp lần đầu năm 2007, thay đổi lần thứ 7 năm 2013.

Đến ngày 10-10-2015, bà Thảo nhận được văn bản ký trước đó 3 ngày của ông Vũ đề nghị triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận và biểu quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty. Bà Thảo đã ký văn bản trả lời không đồng ý việc triệu tập cuộc họp.

Trước đó, ngày 1-10-2015, bà Thảo đã gửi đơn đến Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương đề nghị ngăn chặn mọi việc thay đổi nội dung đăng ký DN với Công ty CP cà phê hoà tan Trung Nguyên để chờ kết quả giải quyết vụ án ly hôn của toà án.

Một nhãn hàng nổi tiếng của Trung Nguyên.

Ngày 21-10-2015, với tư cách thành viên HĐQT, ông Vũ có văn bản trả lời bà Thảo rằng cuộc họp vẫn tiến hành. Một tuần sau, ông Vũ lập văn bản thể hiện nội dung cuộc họp đã được tổ chức, bà Thảo vắng mặt. Do không đủ 3/4 thành viên dự họp nên ông Vũ thông báo cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 2-11-2015.

Dù bà Thảo có văn bản không đồng ý họp với lý do “bận việc gia đình” nhưng đúng ngày đó, cuộc họp vẫn diễn ra với sự tham gia của ông Vũ và bà Lê Thị Ước. Ông Vũ đã lập biên bản và ra nghị quyết bãi miễn bà Thảo ra khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT, TGĐ và đại diện pháp luật của công ty.

Theo bà Thảo, việc ông Vũ quyết định bãi nhiệm chức vụ của bà là trái quy định pháp luật, không có giá trị pháp lý. Lý lẽ mà bà Thảo chỉ ra là theo quy định về quyền và nhiệm vụ của HĐQT tại Điều lệ công ty, không có quy định nào cho phép HĐQT có thẩm quyền miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT.

Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật nên yêu cầu thay đổi người đại diện theo pháp luật cũng không thể thực hiện được khi tư cách đại diện pháp luật này gắn liền với chức danh Chủ tịch HĐQT. Về số lượng thành viên HĐQT của công ty, hiện có 3 thành viên gồm bà Thảo, ông Vũ và Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, tại các lần tổ chức cuộc họp HĐQT nêu trên, chỉ có mỗi mình ông Vũ và tự cá nhân ông ra quyết định, kết luận các nội dung cuộc họp, còn bà Lê Thị Ước không phải là thành viên HĐQT của công ty.

Với lý do vừa kể, bà Thảo yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương huỷ bỏ các quyết định ngày 2-11-2015 và biên bản họp ngày 2-11-2015 của HĐQT công ty do trái thẩm quyền.

Trong quá trình tố tụng, phía nguyên đơn yêu cầu ông Vũ phải công khai xin lỗi bà Thảo về việc ông Vũ đã ra thông báo bãi miễn bà khỏi các chức vụ của công ty, yêu cầu ông Vũ phải gửi thông báo đến các cơ quan ban ngành, đối tác về việc thu hồi các nghị quyết do ông Vũ ban hành ngày 2-11-2015; đề nghị ông Vũ phải có các văn bản chứng minh vốn điều lệ của ông Vũ đã góp vào công ty.

Phía bà Thảo còn yêu cầu Toà đưa Công ty CP cà phê hoà tan Trung Nguyên vào tham gia tố tụng vì việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty là ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty này.

Quá trình toà án giải quyết vụ việc, cụ thể ngày 11-12-2015, ông Vũ và thành viên Lê Thị Ước đã phát hành văn bản đến bà Thảo thông báo thu hồi các nghị quyết ban hành ngày 2-11-2015, thực tế đã thực hiện hết các yêu cầu theo đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản án sơ thẩm TAND tỉnh Bình Dương xét xử ngày 4-8-2016 đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (bà Thảo) đối với bị đơn (ông Vũ) về việc "Tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau". Đến ngày 12-8-2016, bà Thảo có đơn kháng cáo yêu cầu huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ kiện.

Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX nhận định đây là việc kinh doanh thương mại, không phải là vụ án kinh doanh thương mại. Cấp sơ thẩm xác định đây là “vụ án” là chưa đúng pháp luật. Nguyên đơn yêu cầu huỷ các nghị quyết của HĐQT nhưng các văn bản này đã bị thu hồi, huỷ bỏ nên đối tượng khởi kiện của nguyên đơn không còn. Đáng lý phải trả lại đơn kiện nhưng toà sơ thẩm vẫn thụ lý, xét xử là không đúng quy định. Từ những nhận định này, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà Thảo, đình chỉ xét xử đối với vụ việc này.

Ngoài vụ kiện trên, sau ly hôn, giữa ông Vũ và bà Thảo xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp tài sản. Và thực tế, chuyện ông Vũ “cách chức” bà Thảo không đúng pháp luật cũng không phải lần đầu. Mới đây nhất, ngày 22-9, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp giữa các thành viên trong Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.

Theo đó, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Thảo với tư cách thành viên HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, tuyên hủy bỏ quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó TGĐ thường trực của bà Thảo (người vợ) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ (người chồng) ký ban hành vào khoảng giữa tháng 4-2015 với tư cách là Chủ tịch HĐQT của công ty.

Lý do hủy bỏ là theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty, Chủ tịch HĐQT không có quyền miễn nhiệm người quản lý quan trọng của công ty. Song song đó, Toà tuyên bố khôi phục tư cách Phó TGĐ của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu ông Vũ không được ngăn cấm bà điều hành và quản lý tại Tập đoàn này.

PV
.
.
.