Chống “giặc lửa” nơi cảng sông, biển hậu vụ cháy tàu chở xăng Hải Hà 18

Hiểm họa chực chờ từ những con tàu chở xăng dầu (bài 2)

Thứ Hai, 19/03/2018, 09:06
Theo đánh giá của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, cảng biển Hải Phòng tăng trưởng với tốc độ nhanh. Hằng năm, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt khoảng 90 triệu tấn/năm.

Trong đó, số xăng, dầu qua cảng đạt 4-5 triệu tấn, con số này chưa kể đến một lượng lớn hóa chất (phốt pho, lưu huỳnh…). Thực tế này một lần nữa đặt ra mối lo về nguy cơ cháy nổ...

Muôn vàn ẩn họa

Chiều 15-3, được sự phối hợp, giúp đỡ của các đồng chí trong Thủy đội – Phòng Cảnh sát đường thủy (CATP Hải Phòng), chúng tôi có dịp lưu thông trên luồng sông Cấm – nơi mà chỉ cách đó 5 ngày, các lực lượng phải căng mình chống “giặc lửa” không để con tàu Hải Hà 18 cháy, nổ gây ra thảm họa.

Trung tá Đỗ Thanh Hải, cán bộ Phân đội 2, Thủy đội đưa chúng tôi trở lại hiện trường vụ hỏa hoạn trên chiếc xuồng máy của đơn vị.

Đi dọc luồng sông Cấm, chúng tôi thấy có hàng chục cầu cảng đang hoạt động bốc dỡ, nhập xuất hàng hóa từ các tàu, thuyền. Trong số này có nhiều cảng có sự xuất hiện của những kho chứa xăng, dầu, hóa chất cao ngất ngưởng.

Tàu chở xăng Hải Hà 18 bốc cháy tại cảng K99

Là người có thâm niên công tác trên các tuyến sông, cửa biển, Trung tá Đỗ Thanh Hải hiểu khá rõ về những nguy cơ cháy nổ đi kèm với các cảng sông, biển có hoạt động xuất, nhập xăng dầu, hóa chất.

Bởi đây là những chất nguy hiểm có nguy cơ cháy nổ cao. Trên chiếc cầu cảng K99 – vị trí con tàu Hải Hà 18 mới đây gặp sự cố là vô số kho chứa xăng dầu với dung tích lên đến hàng trăm ngàn mét khối. Quả thực khi trở lại nơi đây, chúng tôi chưa hết “gai” người.

Cũng chính nơi đây - khu vực cầu cảng K99 này, vào ngày 21-9-2017, một vụ nổ buồng bơm trên con tàu đang vận chuyển khoảng 5 ngàn m3 xăng đã xảy ra. Khoảnh 4h30 ngày 21-9-2017, tàu Hải An 16 cập cầu Cảng K99 và tiến hành bơm trả hàng vào kho K99.

Đến 12h10, tại buồng bơm phát ra tiếng nổ làm 3 người bị thương. Lực lượng tại chỗ trên tàu và Cảng K99 nhanh chóng tổ chức cứu chữa, xử lý sự cố, đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều động phương tiện, cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Thượng tá Nguyễn Duy Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng – người trực tiếp tham gia chỉ đạo lực lượng ứng phó, dập tắt đám cháy hôm đấy nhớ lại, khi lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường, sự cố cơ bản đã được xử lý.

Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển tàu Hải An 16 đến neo tại phao số 3, Khu neo Bạch Đằng, do tác động của vụ nổ, đáy tàu bị thủng, ống sông chưa đóng, nước sông và xăng tràn vào buồng bơm và buồng máy, tạo môi trường nguy hiểm cháy, nổ, không đảm bảo an toàn cho các lực lượng khám nghiệm hiện trường. “Trên tàu sau khi rút xăng, còn chứa gần 4 ngàn m3. Rấy may sau đó, sự cố đã được khắc phục, cháy nổ đã không xảy ra. Nếu không thì không biết thế nào nữa…”, Thượng tá Thắng cho biết thêm.

Cần chú trọng hơn nữa công tác PCCC tại các cảng sông, biển ở Hải Phòng

Đánh giá của Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cho thấy, trên các phương tiện giao thông đường thủy nội địa luôn tồn tại một lượng lớn chất cháy như dầu phục vụ chạy máy, bàn ghế đệm mút, vách sàn bằng gỗ, nhựa, đặc biệt là các tàu chuyên chở xăng dầu, hóa chất dễ cháy, nổ và tàu du lịch trên biển có bếp nấu phục vụ ăn uống nên còn có một lượng lớn gas tồn trữ thường xuyên.

Các tàu đánh cá có vỏ tàu, sàn chủ yếu là gỗ và thường xuyên neo đậu tập trung tại một khu vực… nếu gặp sự cố sẽ gây ra cháy lan, cháy lớn do đặc thù tàu, thuyền hoạt động trên sông nước, lực lượng bên ngoài khó ứng cứu hoặc ứng cứu chậm gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Sai một ly, hậu quả kinh hoàng

Cùng với hệ thống các cảng biển lớn như: Quảng Ninh, Sài Gòn, Đà Nẵng, các cảng sông, biển ở Hải Phòng là một trong những đầu mối trung tâm giao lưu hàng hải lớn nhất của cả nước.

Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, khu vực cảng biển Hải Phòng tăng trưởng rất nhanh.

Hằng năm, lượng hàng hóa qua cảng dự kiến đạt khoảng 80-90 triệu tấn. Trong đó, số xăng, dầu qua cảng đạt 4-5 triệu tấn, con số này chưa kể đến một lượng lớn hóa chất (phốt pho, lưu huỳnh, thuốc bảo vệ thực vật…). 

Điều này cho thấy, nguy cơ cháy nổ xăng dầu, hóa chất được chở trên các con tàu cũng như tập kết trên cảng trở thành những “túi bom” luôn nhãn tiền.

Làm việc với đại diện Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, chúng tôi được biết, thành phố Hải Phòng có trên 125km bờ biển và trên 142km đường sông với nhiều tuyến sông chạy qua như: sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Bạch Đằng, sông Văn Úc, sông Đá Bạc…

Với ưu thế này, hàng chục doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cầu cảng đã được hình thành. Mỗi năm, các cảng sông, biển có hàng vạn lượt tàu ra vào cảng vào xuất, nhập hàng.

Trong khi đó, các bến cảng sông, biển và các khu vực neo đậu đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép phục vụ cho các tàu thuyền neo đậu, trung chuyển các loại hàng hóa với số lượng lớn kéo theo nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ rất cao.

Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng nhấn mạnh, với một lượng lớn xăng dầu, hóa chất được tập kết tại các kho tàng, trung chuyển ở các cảng sông, biển như vậy nên tình trạng cháy, nổ diễn biến phức tạp. Khác với các loại chất cháy khác, đối với các tàu chở xăng, dầu và hóa chất, khi xảy ra sự cố cháy nổ rất dễ rất tới những hậu quả khôn lường không chỉ về tính mạng, tài sản mà còn cả đối với môi trường.

Điển hình như hồi 16h15, ngày 27-11-2015, tàu Contship Ace quốc tịch Cộng hòa Síp có trọng tải 7.170 tấn trong lúc xếp 150 container hàng hóa các loại (trong đó có 20 container chứa 480 tấn phốt pho vàng) tại Cảng Nam Hải, quận Ngô Quyền – Hải Phòng, các thủy thủ phát hiện cháy hàng trong container, khói trắng bốc lên ngùn ngụt và bao trùm toàn bộ khu vực Cảng Nam Hải.

Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn tại các cảng sông, biển ở Hải Phòng

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC cùng các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường, tích cực khống chế, dập tắt đám cháy. Hậu quả, vụ cháy đã khiến 1 container chứa 24 tấn phốt pho bị hỏng, hơn 50 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị nhiễm độc nặng phải vào viện cấp cứu.

Theo Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, phốt pho là hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; không hòa tan trong nước, tự bắt cháy khi tiếp xúc với không khí và tạo ra khói trắng có độc tính.

Do đó, trong vụ hỏa hoạn trên, nếu con tàu Contship Ace bị nổ, lực lượng tham gia chữa cháy và nhiều người dân quanh khu vực cảng sẽ bị thương vong. Môi trường theo đó không bị nhiễm độc nặng.

Một số vụ cháy tàu tại các bến cảng sông, biển ở Hải Phòng

1-Hồi 10h05’ ngày 5-8-2011 tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng xảy ra vụ nổ tại hầm trục buồng máy dẫn ra chân vịt trên tài Shinsung Arcord đóng mới trọng tải 17.500 tấn làm 1 người chết và 4 người bị thương.

2-Khoảng 2h50’ ngày 27-9-2011 xảy ra cháy tại xe nâng hàng trong Cảng Nam Hải (quận Ngô Quyền), hậu quả khiến một số thiết bị, máy móc trên xe nâng hàng bị hư hỏng.

3-Hồi 14h30 ngày 29-9-2012, tại khu vực phao số 0, gần đảo Dáu, tàu Shun Cheng đã xảy ra cháy. Hậu quả vụ cháy đã khiến 1 người bị chết và khoảng 1.000m2 xung quanh tàu bị cháy. 

4-Hồi 14h20 ngày 17-8-2013, tàu BRD Borea quốc tịch Cộng hòa Síp có trọng tải 10.000 DWT chở 698 container hàng hóa các loại với trị giá hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có 10 container chứa phốt pho, mỗi container chứa 96 phuy loại 50 kg trên đường từ Cảng Hải Phòng đi Hồng Kông, khi đến khu vực cửa biển Hải Phòng thì xảy ra cháy hàng trong container, khói trắng bốc lên ngùn ngụt.

Ngày 11-3-2018, sau khi đám cháy tại tàu Hải Hà 18 được dập tắt hoàn toàn, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã gửi thư cảm ơn tới các đơn vị chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời cho biết, việc kịp thời huy động lực lượng, phương tiện vật tư, thiết bị tham gia chữa cháy đã giúp Công ty giảm thiểu tối đa thiệt hại; ngăn chặn được nguy cơ cháy lan gây thiệt hại về người cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.


V.Huy – V.Thịnh – T.Huy
.
.
.