Chính quyền xã “ép” dân nghèo mua bò với giá quá cao

Thứ Tư, 28/12/2016, 10:15
Việc hỗ trợ cho người dân thêm công cụ sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc làm này của chính quyền ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk còn quá máy móc, không đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, gây bức xúc trong dư luận cần phải xem xét lại và xử lý nghiêm minh.


Cư Kbang, huyện Ea Súp, một trong những xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2016, toàn xã có tổng cộng 100 hộ nghèo được thụ hưởng theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho những hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo (gọi tắt là Chương trình 755). Do không còn quỹ đất, địa phương này đã mua bò sinh sản cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương này đã để xảy ra nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.

Theo phản ánh của ông Phan Văn Cường (trú tại thôn 3, xã Cư Kbang) cho biết, do không có đất sản xuất, nhà lại đông người nên bao nhiêu năm qua gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2016, gia đình ông được xét duyệt thụ hưởng Chương trình 755 bằng việc hỗ trợ mua một con bò sinh sản. 

“Tuy nhiên, khi ra xã thì thì tôi nhận được thông báo giá con bò quá cao nên đã không đồng ý nhận. Bởi theo giá thị trường, con bò chỉ khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng. Trong khi đó, xã lại bắt chúng tôi mua với giá hơn 20 triệu đồng”, ông Cường bức xúc nói.

Dù bò to hay nhỏ, những con bò này được chính quyền xã bán cho các hộ dân với giá chung 20 triệu đồng.

Không giống như gia đình ông Cường, gia đình bà Vương Thị Xuân (trú tại thôn 6, xã Cư Kbang) khi biết tin bị xã “ép” mua bò với giá cao nhưng lại không dám phản đối. Vì theo bà Xuân, sau khi một số hộ dân đứng ra phản đối thì xã “dọa” sẽ cắt thụ hưởng chương trình và chuyển cho hộ dân khác. 

“Khi xã thông báo sẽ cho gia đình tôi được nhận hỗ trợ mua một con bò sinh sản về nuôi, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng nên mừng lắm. Tuy nhiên, khi ra nhận bò thì được xã báo giá lên đến 20 triệu đồng. Do lo sợ bị thiệt đơn, thiệt kép, gia đình tôi phải chấp nhận vay thêm 15 triệu của Ngân hàng Chính sách để lấy bò về dù giá thị trường con bò này chỉ khoảng từ 10 đến 12 triệu đồng”, bà Xuân cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ gia đình ông Cường, bà Xuân mà nhiều hộ dân khác tại xã Cư Kbang đang rất bức xúc khi bị xã “ép” họ phải mua cho dù bò to hay nhỏ cũng phải chịu chung một mức giá là 20 triệu đồng. 

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho rằng, việc mua bán bò của người dân xã không hề can thiệp, xã chỉ có trách nhiệm báo lên Ngân hàng Chính sách huyện khi người dân đã lấy bò về, sau đó ngân hàng sẽ giải ngân. 

“Xã không thể cấp tiền cho người dân để họ tự đi mua bò được mà chúng tôi phải đứng ra giới thiệu rồi họ đến mua. Bời vì mỗi khi cấp tiền, sợ họ lại lấy tiền đó đi đánh bạc, uống rượu hoặc mua xe máy hết mà không chịu mua bò”, ông Hà cho hay. 

Tuy nhiên, khi được chúng tôi hỏi có hay không việc xã “ép” người dân mua bò với giá cao hơn thị trường nhiều thì ông Hà cho rằng, việc này do huyện chỉ đạo.

Còn ông Lê Văn Giang, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ea Súp cho biết, năm 2016, thực hiện Chương trình 755, toàn huyện nhận được số tiền 940 triệu đồng hỗ trợ mua bò. Sau khi UBND huyện họp đã thống nhất phân bổ số vốn này cho 3 xã Cư Kbang, Ea Rốk và Ea Lê với 188 hộ được nhận hỗ trợ. Phòng Dân tộc tham mưu cho UBND huyện ra quyết định giao cho UBND các xã có trách nhiệm tổ chức họp thôn buôn, lấy ý kiến của nhân dân, trong đó thống nhất phương án nào thì xã lấy phương án đó để triển khai thực hiện.

“Đối với việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo theo Chương trình 755 thì UBND xã chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện, tổ chức phương án, họp dân rồi đưa ra giải pháp để báo cáo với cấp trên. Riêng việc người dân khiếu nại xã “ép” dân mua bò với giá cao hơn thị trường thì đến nay chúng tôi mới nhận được thông tin. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và có hướng xử lý sớm”, ông Giang cho hay.

Việc hỗ trợ cho người dân thêm công cụ sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc làm này của chính quyền ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk còn quá máy móc, không đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, gây bức xúc trong dư luận cần phải xem xét lại và xử lý nghiêm minh.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 755 sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt… 

Về hỗ trợ đất sản xuất, những nơi còn quỹ đất thì được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất, mức hỗ trợ bình quân 30 triệu đồng/hộ, trong đó Ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ 15 triệu và được vay không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm với mức lãi suất 1,2%/năm. 

Những nơi không còn quỹ đất sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề (NSTW hỗ trợ tối đa không quá 4 triệu đồng/lao động); mua sắm dụng cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc để làm các nghề khác (NSTW hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm, lãi suất 1,2%/năm); hỗ trợ xuất khẩu lao động; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng.

Văn Thành
.
.
.