Quanh việc doanh nghiệp xây tượng Phật trên đất thuê của khu công nghiệp:

Chính quyền tỉnh Sóc Trăng nói làm đúng (?!)

Chủ Nhật, 15/09/2019, 11:24
Vừa qua, dư luận ở Sóc Trăng quan tâm đến doanh nghiệp (DN) thuê đất khu công nghiệp (KCN) của tỉnh xây dựng công trình Liên Hoa Bảo Tháp (LHBT) với tượng Phật Dược sư dát vàng, với nhiều ý kiến khác nhau.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng có thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí,  nêu rõ: “Dự án đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Tân Huê Viên của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm - Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên (Công ty Tân Huê Viên) đã được BQL các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh thẩm định và cấp giấy phép xây dựng theo qui định hiện hành. Theo Thông tư số 01/2018//TT-BVHTTDL ngày 18-1-2018 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật thì tượng Phật Dược sư này (của Công ty Tân Huê Viên) thuộc tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, không phải là tượng đài, tranh hoành tráng.

Việc Công ty Tân Huê Viên dự kiến đặt tượng Phật Dược sư bên trong tòa biểu tượng hình đài sen đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng thẩm định phần kết cấu, chịu lực khi đặt tượng; đồng thời không phải lập thủ tục xin phép đặt tượng”.

Trước đó, ngày 6-3-2018, Công ty Tân Huê Viên tổ chức khởi công xây dựng dự án LHBT. Theo ông Thái Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Huê Viên, công trình được xây dựng nằm trong KCN An Nghiệp và liền kề với vị trí của Công ty Tân Huê Viên, với tổng diện tích trên 42.000m2.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục. Công trình LHBT có chiều cao dự kiến 68m, đường kính 99m, được thiết kế 3 tầng, gồm nơi đặt tượng Phật Dược sư đúc bằng đồng đỏ dát vàng 24K cao hơn 6m, tượng được xoay 4 phương, 8 hướng theo chu kỳ trong 365 ngày.

Khu đất rộng 4,2ha mà ông Thái Tuấn thuê của KCN An Nghiệp để xây dựng LHBT.

Ngoài các hạng mục công trình chính, diện tích còn lại được dùng làm hoa viên, trồng cây xanh, cây kiểng, xây dựng thác nước, thủy cung, công viên dành cho trẻ em. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng.

Quanh ý kiến cho rằng việc đặt tượng Phật Dược sư sẽ hình thành khu du lịch tâm linh, ông Tuấn cho biết mục đích của DN là phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn riêng biệt chứ không cúng bái theo kiểu thờ tự, tôn giáo. Đây là điểm dừng chân, không bán vé.

Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng BQL các KCN tỉnh Sóc Trăng xác nhận, khu đất Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư là thuê của Nhà nước 49 năm. Công trình này do BQL các KCN Sóc Trăng cấp phép xây dựng vì khu đất này được quy hoạch DL-DV.

“Công ty xây đài sen, bên trong đặt tượng Phật, nhằm thu hút khách du lịch chứ không có mục đích tôn giáo. Nghị định 82 của Chính phủ có nói về KCN đô thị. Vì vậy, tỉnh khuyến khích vừa thực hiện KCN kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch”, ông Trong nói.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Công Tân Huê Viên xây tượng Phật Dược sư giống như một số điểm du lịch xây tượng Phật Di lặc và Suối Tiên ở TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện khẳng định, không có việc Công ty Tân Huê Viên thuê đất trong KCN An Nghiệp để xây dựng dự án kinh doanh tâm linh.

“Việc giao đất cho DN được thực hiện đúng quy định. Các cơ quan chức năng đã thẩm định, cấp phép cho DN để xây dựng dự án. Sóc Trăng còn nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng chưa phát triển… nên những năm qua, tỉnh luôn kêu gọi, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh”, ông Chuyện chia sẻ.

X.Cao
.
.
.