Cảnh giác trước lời mời “bao đậu” thi lấy bằng lái xe

Thứ Ba, 25/06/2019, 08:42
Trước thông tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến từ quý III-2019 sẽ tăng bộ câu hỏi thi sát hạch lý thuyết lái xe từ 450 lên 600 câu, nhu cầu thi cấp giấy phép lái xe (GPLX) đột ngột tăng cao. Nắm bắt được tâm lý người đi thi lo “khó, dễ trượt”, trên mạng xã hội đã xuất hiện tình trạng cung cấp dịch vụ “bao đậu” thi lấy bằng lái xe.


Thi bằng lái xe “trọn gói”

Mở một trang fanpage trên mạng xã hội, chúng tôi thấy thông tin: “Khi bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, nếu không có bằng lái xe máy A1, B1, B2 sẽ bị phạt rất nặng từ 800.000đ - 1.200.000đ”. Trang này còn đưa ra lời mời chào: “Bạn đang có nhu cầu thi bằng lái xe máy, ôtô tại Hà Nội nhưng không biết làm thế nào? Bạn muốn tìm hiểu về thủ tục quy trình thi, chi phí trọn gói để cầm bằng trên tay để tránh bị phát sinh, hay địa điểm thi và học lý thuyết thực hành như thế nào? Không cần phải xác minh GPLX là thật hay giả; không lo chi phí học và thi quá đắt; không lo thủ tục rườm rà, rắc rối; không sợ không sắp xếp được thời gian học để thi đỗ chỉ với 1 lần thi; thời gian học linh động... Trung tâm sẽ giúp bạn giải quyết mọi vướng mắc, mọi lo lắng về thời gian, thủ tục, việc cấp bằng lái xe nếu bạn có nhu cầu đăng ký khóa học và thi sát hạch bằng lái xe tại Hà Nội”.

Thậm chí trên mạng xã hội, một số đối tượng còn công khai cho biết sẽ bao đỗ cấp GPLX 100% cho học viên. Những thông tin này thực sự gây sốc bởi lẽ việc “bao đậu” là trái luật, hơn nữa quá trình thi diễn ra do máy chấm, từ lý thuyết cho tới thực hành, rất khó có tác động của con người vào để có thể “đậu 100%”.

Ông Lê Ngọc Diễn, Phó phòng Quản lý phương tiện - Sở GTVT Hà Nội cho biết, quy định của Luật Dạy nghề nêu rõ - thời gian đào tạo sơ cấp nghề với khóa học lái xe ôtô hạng B2 là 93 ngày, hạng C là 135 ngày. Đây là quy định rất rõ ràng. Cũng theo ông Diễn, hiện nay trên mạng, thậm chí trên cột điện, bờ tường, và ngay cả trên bảng hiệu của các điểm tuyển sinh đào tạo lái xe luôn có những câu quảng bá như lấy bằng B2 bao đậu, cam kết đỗ 100%, học nhanh, thi sớm, đậu cao, học lái ôtô ba tháng là có bằng, hỗ trợ ghi danh tại nhà…

Một buổi thi lý thuyết cấp giấy phép lái xe.

Đó là những quảng cáo dối trá vì hiện nay tỉ lệ đậu lý thuyết và sát hạch tay lái ở các trường, trung tâm chỉ khoảng 85%, nơi đào tạo - sát hạch có chất lượng đạt đến 90% là rất hiếm. Cạnh đó, thời gian học, thi lý thuyết, tập lái và thi sát hạch tay lái đến lúc có bằng của một học viên trung bình là 3 tháng, không thể “đốt cháy” thời gian như những lời quảng bá trên.

Sẽ tổ chức giám sát đột xuất một số kỳ sát hạch lái xe

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa chính thức ký văn bản gửi tới Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý tình trạng rao bán GPLX và “bao đậu” thi cấp GPLX trên trang mạng xã hội.  Văn bản nêu rõ, hiện nay trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều lời mời chào bao đậu thi cấp GPLX; bán GPLX giả, giấy khám sức khoẻ, bán và cho thuê thiết bị viễn thông nghe nhìn cho học viên dùng để gian lận kết quả thi; tạo ra hình ảnh xấu và đánh giá sai lệch về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX do ngành Giao thông vận tải quản lý.

Để kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Thông báo công khai các trụ sở, địa điểm tiếp nhận hồ sơ học lái xe, địa điểm đào tạo lái xe và địa điểm sát hạch lái xe ôtô, môtô, địa điểm bộ phận một cửa cấp, đổi GPLX tại địa phương; khuyến cáo người dân có nhu cầu học lái xe không đến các cơ sở, văn phòng nằm ngoài danh sách Sở đã thông báo để nộp hồ sơ học lái xe ôtô và môtô tránh bị đối tượng xấu lừa gạt.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các tài khoản trên trang mạng xã hội đăng tin rao bán GPLX giả, giấy khám sức khoẻ, bán và cho thuê thiết bị nghe nhìn, chào mời, thi lái xe bao đậu không đúng làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giao thông vận tải trong công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tổ chức quán triệt đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, các hội đồng sát hạch, tổ sát hạch thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ GTVT, các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong đào tạo, sát hạch lái xe; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của hội đồng sát hạch, tổ sát hạch.

Đặc biệt không để học viên dự sát hạch lái xe mang điện thoại và các thiết bị viễn thông khác vào phòng sát hạch lý thuyết và mang lên xe sát hạch; kiểm tra kỹ xe sát hạch trong hình để đề phòng trường hợp xe sát hạch được gắn cố định điện thoại, thiết bị thu phát ra bên ngoài trong quá trình sát hạch. Nghiên cứu, có phương án để áp dụng kiểm tra đối với từng học viên dự sát hạch lái xe, nhằm phát hiện phòng ngừa học viên dự sát hạch lái xe gắn thiết bị viễn thông nghe nhìn trong người.

Tăng cường giám sát các kỳ sát hạch lái xe; đồng thời mỗi tháng tổ chức giám sát đột xuất một số kỳ sát hạch lái xe để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch (nếu có) nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Cuối cùng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT các tỉnh chỉ đạo bộ phận cấp, đổi GPLX tra cứu dữ liệu, tra cứu vi phạm trong hệ thống cơ sở dữ liệu GPLX và tại địa chỉ truy cập của CSGT để phát hiện GPLX giả, GPLX bị cơ quan Công an thu giữ hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi.

Phạm Huyền
.
.
.