Ngậm quả đắng vì hụi (Bài cuối):

Cảnh giác trước cái bẫy của phường, họ

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:05
Việc chơi phường, họ, hụi trên thực tế chỉ kết nối với nhau bằng “tín chấp”. Người chơi góp vốn với nhau bằng niềm tin, chứ không có tài sản bảo đảm. Trong một số trường hợp các thành viên không biết mặt nhau nên khi các chủ phường, hụi, họ tuyên bố vỡ nợ, người chơi thiệt đơn, thiệt kép. Bởi vậy, để tránh những hậu quả có thể xảy ra, mỗi người cần phải có cách bảo vệ tài sản của riêng mình.

1. Theo Nghị định 144/2006/NĐ – CP thì khi tham gia, các thành viên có nghĩa vụ đóng góp theo thỏa thuận cho chủ phường, hụi, họ. Nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi. Nghị định này cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm của những người tham gia chơi phường, họ. 

Song trên thực tế, để giải quyết được các vụ việc trên đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức; rất ít trường hợp chủ phường, hụi, họ bị xử lý hình sự, bởi ngoài những rào cản do các quy định của pháp luật còn phải kể đến sự tinh quái của các chủ phường, họ, hụi. 

Trước khi tuyên bố vỡ nợ, các đối tượng này thường tìm cách tẩu tán tài sản. Rồi khi vụ việc đổ bể, họ không bỏ trốn khỏi địa phương mà cam kết trả nợ nhưng sau đó thì trả tiền một cách nhỏ giọt. Trong trường hợp có quyết định thì bản án dân sự cũng chẳng thể thi hành do không có tài sản... Một số trường hợp chủ hụi đã bỏ đi, do không xác định được nơi cư trú nên căn cứ theo Điều 168 của Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án không thể thụ lý hồ sơ để giải quyết.

Trở lại vụ vỡ nợ tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, trao đổi với chúng tôi, một đồng chí Phó Trưởng Công an huyện Trực Ninh cho biết: Việc các cá nhân tự tổ chức hình thức chơi phường, họ bằng tiền, vàng với nhau và thỏa thuận thống nhất với nhau về hình thức và lợi tức được hưởng với nhau là vấn đề thỏa thuận dân sự (Theo Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27-4-2006 của Chính phủ và quy định của Bộ luật Dân sự).

Một căn nhà của chủ hụi ở Liêm Hải cửa đóng, then cài.

Để ổn định tình hình địa bàn, tránh gây thiệt hại về kinh tế, tính mạng, sức khỏe của công dân, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, lực lượng Công an Huyện ủy, UBND huyện, Đảng ủy, UBND xã Liêm Hải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân hiểu các quy định của pháp luật về phường, hội, nếu tổ chức tham gia phải đảm bảo an toàn. 

Bên cạnh đó, đã tiến hành xác minh, ghi lời khai đối với các chủ phường và các thành viên còn lại của phường để làm rõ các nội dung kiến nghị, tố cáo của công dân; hướng dẫn họ tự thỏa thuận giải quyết, nếu không được hướng cho họ viết đơn khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự. Cùng với đó, đã tập trung xác minh làm rõ số chủ phường, hội tổ chức nhiều phường, hội và vay tiền, vàng của một số người, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý theo pháp luật hình sự.

2. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Quý Tân, Đội phó Đội trọng án Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra một số vụ việc cho vay nợ với lãi suất cao, khi người vay không có khả năng trả nợ, bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì các đối tượng cho vay tìm đến người thân trong gia đình.

Những người mà bọn chúng hướng đến ngoài là người thân, phải là người có điều kiện kinh tế hoặc đang làm ăn kinh doanh. Từ đó, chúng sẽ đe dọa người thân của người vay tiền, ép những người này phải trả nợ thay cho người vay, mặc dù những người này không hề liên quan đến khoản vay này. 

Cụ thể, ngày 29-5-2016, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định nhận được đơn tố giác của chị Nguyễn Thị N, trú tại xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trình báo có một số đối tượng đến đe dọa gia đình chị phải trả tiền thay cho con dâu của chị khiến chị N lo không dám đi làm, ảnh hưởng đến tinh thần… 

Thậm chí các đối tượng này còn đến cả cửa hàng (địa chỉ tại phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định) nơi chị Nguyễn Thị N đang làm thuê cho một người họ hàng để đe dọa, quấy rối hoạt động kinh doanh. Cũng theo đơn trình báo này, các đối tượng đã yêu cầu chị N phải trả 200 triệu đồng thay con dâu và kèm theo lời đe dọa “nếu không trả sẽ không yên và phải chuyển đi khỏi địa phương". 

Trước sức ép của các đối tượng, chị Nguyễn Thị N đã phải hứa đưa trước số tiền 70 triệu đồng. Ngày 29-5, khi 3 đối tượng gồm Nguyễn Huy Tiệp, 27 tuổi và Nguyễn Huy Việt, 23 tuổi (em trai Tiệp), cùng trú tại xã Mỹ Xá, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, cùng Nguyễn Đức Chung, 23 tuổi, trú tại phường Nguyễn Du, TP Nam Định, đến nhà chị Nguyễn Thị N ở xã Nam Vân để lấy số tiền 70 triệu đồng thì bị lực lượng Công an bắt quả tang về hành vi cưỡng đoạt tài sản. 

Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, đầu tháng 2-2016, Việt đã cho con dâu chị Nguyễn Thị N vay số tiền là 80 triệu, đến trước khi bị bắt, Việt cộng cả số tiền lãi và tiền gốc tổng cộng khoảng 200 triệu đồng nên đã yêu cầu chị Nguyễn Thị N phải trả thay cho con dâu.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định còn xuất hiện thủ đoạn "chạy nợ" mới. Theo đó, có trường hợp, các đối tượng lợi dụng tín nhiệm đã vay của nhiều người với số tiền lớn. Sau đó, chúng dùng một phần số tiền này đi mua nhiều mảnh đất khác nhau với giá thành rẻ nhưng có đầy đủ giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận đất đai... 

Sau một thời gian, các đối tượng tuyên bố vỡ nợ và dùng chính những mảnh đất này làm tài sản thay thế để trả cho những chủ nợ. Khi chủ nợ đến thu tiền thì các đối tượng đã tự ý quy định giá trị mảnh đất gấp lên nhiều lần rồi thỏa thuận trả cho chủ nợ với giá ngang bằng số tiền đã vay. Như vậy, các đối tượng có thể thoát nợ với số tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền đã vay và vẫn sống, sinh hoạt tại địa phương mà không hề bị xử lý theo pháp luật.

3. Ngày 1-7, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực thi hành. Theo Bộ luật Hình sự mới, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175, có thuận lợi hơn trong việc xử lý. 

Theo quy định của Luật thì người thực hiện một trong những hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ Luật này, chưa được xóa án tích  mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... 

Điểm mới còn thể hiện ở chỗ đưa ra các quy định cụ thể hơn; quy định khung cá thể hóa từng khung hình phạt; từng khoản tiền đồng thời cá thể hóa các hành vi mà luật này quy định. Việc xử lý các vụ việc vỡ phường, hụi, họ sẽ có những chiều hướng thuận lợi hơn…

Một căn nhà của chủ hụi ở Liêm Hải cửa đóng, then cài.
Xuân Mai - Trần Xuân
.
.
.