Vụ tiêm thuốc an thần 3750 con lợn:

Cần xử lý nghiêm vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:45
Liên quan đến vụ 3.750 con lợn tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) bị phát hiện tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, Sở NN&PTNT TP HCM đã chỉ đạo Chi cục Thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và 2 tổ phó tổ kiểm dịch tại đây để phục vụ điều tra của cơ quan chức năng; 17 cá nhân của tổ thú y tại lò mổ này cũng đã làm kiểm điểm xác định trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên. 

Dư luận vẫn đang rất quan tâm đến vụ việc khi được biết liều lượng thuốc an thần tiêm cho lợn được cho là rất thấp trong khi thực tế hàng ngàn con lợn sau 4-5 ngày bị tiêm chưa được tiêu hủy vẫn "bê bết", mê man. Có phải lợn được tiêm còn vì mục đích khác?

Không "canh" được thương lái?

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, lò giết mổ Xuyên Á do Trạm thú y Củ Chi kiểm tra, giám sát. Trạm thú y Củ Chi có 46 người nhưng quân số túc trực thường xuyên ở lò giết mổ Xuyên Á từ 17-19 người. 

Hằng ngày, khoảng từ 19-22h, khi lợn từ các tỉnh đổ về nhập vào lò giết mổ, nhân viên thú y xé niêm phong rồi kiểm tra lâm sàng và cho vào các dãy chuồng. Sau đó, chuẩn bị cho việc giết mổ, cứ một nhân viên thú y quản lý kiểm tra 2 dây chuyền. Cao điểm của hoạt động giết mổ lợn tại đây vào lúc nửa đêm đến khoảng 5h sáng hôm sau.

Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, cán bộ có trách nhiệm tại lò giết mổ này vẫn khẳng định rằng từ khi lợn đưa vào lò đến khi giết mổ đều có sự giám sát, theo dõi kiểm tra (?). 

Cán bộ điều tra lấy lời khai bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ cơ sở giết mổ vi phạm.

Trước đó, những người chịu trách nhiệm của ca trực “không hề nhìn thấy hành vi của nhân viên tại ô giết mổ”. Thực tế, 22h30 ngày 28-9, các trinh sát của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tại phía Nam - Bộ Công an (C49B) cùng Thanh tra Bộ NN&PTNT đã bắt quả tang 2 người đàn ông đang tiêm thuốc an thần cho lợn. 

Khi 2 tổ trinh sát của C49B ập vào thì tại hiện trường, việc tiêm thuốc an thần vào lợn đã lên đến gần 4.000 con; tất cả đều đã ngấm thuốc. Chính thực tế này mà mấy ngày qua, dư luận không thể không nghi vấn: Cán bộ thú y có tiếp tay, nhận tiền của thương lái để bỏ qua sai phạm?

Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết trước đây, thương lái thường tiêm thuốc an thần trong quá trình vận chuyển để nhập vào lò giết mổ. 

“Khi kiểm tra khâu lùa lợn xuống khỏi phương tiện vận chuyển, thấy con nào đi không nổi, và kiểm tra lâm sàng, nhân viên thú y phát hiện ngay. Vì vậy, khi khám lâm sàng thì tại 3 đầu cầu dẫn lợn vào bao giờ cũng có nhân viên thú y kiểm tra khu vực đó. Nhưng bây giờ, khi đưa lợn  vào trong từng ô chuồng, họ mới tiến hành tiêm trong từng ô chuồng đó. Bây giờ họ cũng không tiêm từng xilanh mà dùng bơm kim tự động để tiêm, không phải thay từng ống như trước nữa. Họ chỉ cần núp trong đó thì cán bộ thú y cũng... chịu chết” (?).

Khẩn trương làm rõ những nghi vấn

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, 3.750 con lợn dương tính với thuốc an thần có hoạt chất gây ngủ là số hàng hoá của chủ 13/21 thương lái có hợp đồng thuê mặt bằng tại Cơ sở Xuyên Á. Cán bộ thú y tại điểm giết mổ "yếu kém" về chuyên môn dẫn tới hậu quả trên là thừa nhận của lãnh đạo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh. Song nếu chỉ nhận lỗi suông như vậy, dư luận cho rằng “không thể chấp nhận”.

Theo các cán bộ Phòng 7, C49B, cơ sở giết mổ Xuyên Á nằm ở vị trí hoàn toàn xa khu dân cư, diện tích rộng hơn 2ha, bao quanh có chỗ nước ngập tới tận thắt lưng. 

Do vậy, anh em trinh sát đã rất vất vả khi khám phá vụ việc này. Khi trinh sát ập vào, hai nhân viên bị bắt quả tang đang tiêm thuốc an thần cho lợn định phi tang vật chứng để chạy bỏ trách nhiệm nhưng không kịp hành động. Hai người này thừa nhận họ pha lọ thuốc Combistress (dung tích 50ml) với chai nước dạng truyền (loại Lactated Ringer's 500ml). Sau đó đưa dung dịch đã pha trộn này vào vỏ chai nước ngọt (chai C2). 

Theo đó, cứ mỗi con lợn là tiêm 2cc. Việc tiêm được tiến hành trước khi giết mổ khoảng 3 giờ đồng hồ, Những người này còn quả quyết sau 24 giờ được tiêm, lợn sẽ rã thuốc, hết li bì (?). 

Chai thuốc an thần Combistress và chai dịch truyền để pha thuốc.

Thực tế, vẫn theo các cán bộ C49B, qua giám sát từ khi phát hiện vụ việc (đêm 28-9) tới tận sáng chủ nhật (1-10), tức sau 4 ngày, đàn lợn tại đây vẫn trong tình trạng nằm "bê bết", mê man không dậy nổi. Và các mẫu xét nghiệm vẫn dương tính với thuốc an thần. Phải chăng đàn lợn tại đây bị tiêm một lượng thuốc rất lớn hơn chứ không phải chỉ 2cc/lần như tường trình của những người bị “bắt tại trận”. 

PGS.TS Lê Thanh Hiền, Trưởng Bộ môn Thú y Cộng đồng - Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phần quan trọng của Combistress là Acepromazine. Đây là thuốc an thần được sử dụng cho con người nhằm trị giảm đau, căng thẳng, lo lắng… 

Ngoài ra, thuốc an thần này thường được sử dụng trong các ca phẫu thuật. Tuy nhiên, do khả năng bài thải chậm và độc tính cao, nên hiện nay, thuốc chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thú y với mục đích khống chế trường hợp động vật hung hăng, mệt mỏi trong quá trình vận chuyển. 

Nhưng, Combistress được khuyến cáo chỉ dùng cho những loại động vật như: chó, mèo, ngựa và một số thú hoang dã, khuyến cáo không sử dụng cho các loài thú cung cấp thịt và sữa (như lợn, bò). Hiện Mỹ, EU, Canada cấm nhưng cũng còn nhiều nước không quy định về việc phải dùng hay cấm loại thuốc này trong thú y. 

Trong trường hợp đặc biệt nếu dùng trên thú lấy thịt như lợn thì phải 7 ngày sau đó mới được giết thịt. Do thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải rất chậm nên nếu tồn dư thuốc an thần trong thịt, độc hại cho người khi ăn phải. 

Người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hoà thân nhiệt.

Nếu buộc phải dùng Combistress cho động vật, liều dùng khuyến cáo là: 0.1– 0.2 mg/kg thể trọng. Tức nếu lợn 100kg thì liều dùng là 10-20 mg/1 con. Trong chai Combistress 1ml có 20mg, như vậy một chai có thể tiêm cho 50-100 con. 

Trong vụ việc này, theo lời khai của nhân viên lò mổ, thì lượng pha được 500ml (khoảng 2mg/ml), xong tiêm 2ml cho mỗi con (1 chai sẽ tiêm được 250 con). Như vậy là không phải liều quá cao. Vấn đề đáng nghi ngờ tại đây chính là tại sao sau 4 ngày mà số lợn bị tiêm vẫn trong tình trạng li bì? Có phải lượng thuốc được tiêm cao hơn so với khai báo, hay tiêm cho mục đích khác chứ không đơn thuần là mục đích "nhân đạo", để lợn bị giết mổ sẽ "ra đi" một cách êm thấm, ít kêu la, ít "stress"? 

Cũng theo PGS.TS Hiền, nếu kết quả xét nghiệm trên lô lợn "tang vật" có hàm lượng Acepromazine 0,47-0,51 mg/ml, tức là tiêm 2cc cho 1 con thì chỉ 1 mg/con thì liều an thần cũng rất thấp. Nhưng số lợn này li bì như vậy nhiều ngày, phải chăng chúng còn “được” tiêm Combistress phối hợp thêm chất gì khác?

Theo các chuyên gia, trong giết mổ, cách giết mổ "không nhân đạo" cũng có thể làm thú stress, dẫn đến chất lượng thịt kém (nhạt màu, rỉ dịch). Có phải vì vậy mà người ta mới tiêm thuốc an thần Cobistress cho lợn? Nhưng, nếu xét tới toàn bộ qui trình tiêm thuốc cho lợn, phải tiêm từng con với hàng mấy ngàn con như vụ việc này cho thấy... mất quá nhiều công sức. 

Khi thấy lời tường trình, khai nhận của “người trong cuộc” một đằng (sau 24 giờ được tiêm, lợn sẽ rã thuốc), trong khi sau 4-5 ngày chúng vẫn li bì, nhiều người đã đặt vấn đề: Không loại trừ việc dùng thuốc an thần với liều lượng lớn hơn, cho lợn li bì, sẽ thuận lợi hơn cho việc bơm nước vào chúng nhằm tăng thêm trọng lượng trước khi giết mổ. Nghi vấn này cũng rất cần được điều tra làm rõ.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết đã chỉ đạo Chi cục thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và 2 tổ phó tổ kiểm dịch thuộc Trạm thú y Củ Chi để phục vụ điều tra; đồng thời yêu cầu 17 người có liên quan, kể cả lãnh đạo Trạm này làm giải trình; nếu phát hiện có tiếp tay vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

“Đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, là tội ác và lãnh đạo Sở NN&PTNT không chấp nhận với trường hợp nào tiếp tay cho tội ác này. Nếu phát hiện bất cứ cá nhân nào sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, có thể ở mức cao nhất là buộc thôi việc, để cảnh tỉnh, làm bài học cho công tác quản lý ATTP tại thành phố”.

Huyền Nga - Thuý Hà
.
.
.