Cần xử lý Công ty Đức Thành về hành vi lừa đảo trong thực hiện hợp đồng kinh tế

Chủ Nhật, 06/06/2021, 09:46
Mặc dù trong hợp đồng, Công ty Đức Thành cam kết cung cấp dây chuyền sản xuất gạch mới 100% nhưng sau đó lại giao cho Công ty Nam Phương dây chuyền sản xuất gạch cũ, đã qua sử dụng nên hành vi này được coi là hành vi thiếu trung thực, gian dối trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng.


Báo CAND số ra ngày 17/4/2021 đăng bài phản ánh việc Công ty TNHH Nam Phương (viết tắt là Công ty Nam Phương) tố cáo Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Đức Thành (viết tắt là Công ty Đức Thành) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc bán dây chuyền sản xuất gạch không đảm bảo chất lượng, máy móc không vận hành được và phía cung cấp sản phẩm cũng không trả lại 40% tiền tạm ứng cho bên mua. 

Để bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về giao dịch mua bán giữa hai công ty, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về những vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này.

P.V: Thưa luật sư, việc Công ty Đức Thành ký hợp đồng bán cho Công ty Nam Phương dây chuyền sản xuất gạch không nung DET 500 mới 100% với giá trị hơn 7 tỷ 649 triệu đồng, nhưng sau đó lại cung cấp dây chuyền sản xuất gạch cũ, sai hoàn toàn với hợp đồng đã ký cho thấy có dấu hiệu gì?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Trên thực tế, các sản phẩm cũ, đã qua sử dụng luôn có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm mới, mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù trong hợp đồng, Công ty Đức Thành cam kết cung cấp dây chuyền sản xuất gạch mới 100% nhưng sau đó lại giao cho Công ty Nam Phương dây chuyền sản xuất gạch cũ, đã qua sử dụng nên hành vi này được coi là hành vi thiếu trung thực, gian dối trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng. 

Dây chuyền sản xuất gạch DET 500 không đúng hợp đồng tại Nhà máy Công ty Nam Phương.

P.V: Thực tế là dây chuyền sản xuất gạch không nung DET 500 cũ mà Công ty Đức Thành cung cấp cho Công ty Nam Phương đã được Công ty Đức Thành bán cho một công ty khác trước đó, nhưng bị họ phát hiện và trả lại vì không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Vậy mà Công ty Đức Thành vẫn cố tình bán cho Công ty Nam Phương, dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Hành vi cố tình giao sản phẩm không đúng chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật như cam kết trong hợp đồng của Công ty Đức Thành không chỉ vi phạm vào các nội dung của hợp đồng đã ký mà còn là hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch dân sự, cụ thể là vi phạm quy định về việc bảo đảm chất lượng vật mua bán. 

Nếu bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, bên mua có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo khoản 6.1 Điều 6 của hợp đồng, Công ty Nam Phương có quyền yêu cầu Công ty Đức Thành thanh lý hợp đồng đã ký và yêu cầu trả lại số tiền đã tạm ứng là 3.059.600.000 đồng, đồng thời tháo dỡ hệ thống dây chuyền lỗi và tính toán bồi thường thiệt hại cho Công ty Nam Phương. 

Ngoài ra, việc Công ty Đức Thành cố tình bán dây chuyền sản xuất gạch cũ, trong khi dây chuyền này đã từng bán cho công ty khác nhưng bị phát hiện và trả lại còn có dấu hiệu của hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Những người đứng đầu Công ty Đức Thành biết rõ tình trạng chất lượng của dây chuyền sản xuất gạch này nhưng vẫn cố tình che giấu, đưa ra các thông tin giả để Công ty Nam Phương tin tưởng và ký kết hợp đồng. 

Do đó, trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì những người có liên quan, đứng đầu là ông Hoàng Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Đức Thành có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

P.V: Trong trường hợp Công ty Đức Thành cố tình chây ì không trả tiền cho Công ty Nam Phương thì pháp luật sẽ xử lý thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc giao kết hợp đồng giữa các bên được coi là giao dịch dân sự, được pháp luật ghi nhận, điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp lý chuyên ngành. Nếu một trong các bên vi phạm, bên còn lại có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng đã ký, bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng. 

Trong vụ việc trên, nếu Công ty Đức Thành cố tình chây ì không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng, Công ty Nam Phương có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Công ty Đức Thành hoàn trả lại số tiền mà Công ty Nam Phương đã thanh toán, đồng thời bồi thường thiệt hại cho Công ty Nam Phương. 

Tuy nhiên, trong vụ việc này, có thể thấy ngay từ đầu, Công ty Đức Thành đã có những hành vi gian dối trong giao kết hợp đồng, nhằm tạo sự tin tưởng của Công ty Nam Phương, anh Luân (nhân viên kinh doanh Công ty Đức Thành) đã tạo dựng lên kịch bản sắp xếp cho Công ty Nam Phương gặp gỡ anh Khoa (người tự xưng là chủ của Nhà máy gạch Hưng Long). 

Do tin tưởng vào lời giới thiệu của anh Khoa về hiệu quả của hệ thống dây chuyền nên Công ty Nam Phương đã ký hợp đồng mua dây chuyền sản xuất gạch của Công ty Đức Thành. Tuy nhiên, trên thực tế, anh Khoa chỉ là nhân viên kỹ thuật của Công ty Đức Thành, số máy móc mà anh Khoa giới thiệu cho Công ty Nam Phương tham quan chỉ là máy móc cũ, hỏng, không sử dụng được, bị Công ty Hưng Long trả lại. 

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Đức Thành đã vận chuyển và lắp đặt dây chuyền trên cho Công ty Nam Phương nhưng trong quá trình chạy thử thì dây chuyền không vận hành được. Công ty Nam Phương đã yêu cầu bên thứ ba thẩm định và được biết, dây chuyền thiếu đồng bộ, chắp vá, sử dụng chi tiết máy cũ lắp ráp lại; hồ sơ thiết kế máy không đúng với thực tế dây chuyền đã lắp đặt; dây chuyền không đảm bảo sản xuất và không đúng với điều khoản về tiêu chuẩn thiết bị đã ký giữa hai bên. Ông Hoàng Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Đức Thành cũng đã thừa nhận dây chuyền cung cấp cho Công ty Nam Phương là dây chuyền cũ, không đồng bộ, không mới 100%.

Theo quy định tại khoản 6.1 Điều 6 hợp đồng, Công ty Nam Phương đã yêu cầu đình chỉ, chấm dứt hợp đồng. Thế nhưng sau nhiều lần gửi công văn, gọi điện thoại liên lạc, phía Công ty Đức Thành vẫn cố tình trốn tránh, thiếu hợp tác, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, thị trường… cho Công ty Nam Phương. 

Như vậy, Công ty Đức Thành, cụ thể là Tổng Giám đốc Hoàng Ngọc Thanh cùng với anh Khoa, anh Luân đã có hành vi câu kết với nhau cung cấp thông tin sai sự thật và giả mạo hồ sơ nhằm lừa dối Công ty Nam Phương về chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, đồng thời còn có hành vi trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ do vi phạm hợp đồng nhằm chiếm đoạt tài sản là số tiền 3.059.600.000 đồng mà Công ty Nam Phương đã tạm ứng.

P.V: Trong trường hợp này, Công ty Nam Phương phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Hợp đồng mua bán dây chuyển sản xuất gạch không nung giữa Công ty Nam Phương và Công ty Đức Thành thoạt đầu là một giao dịch dân sự nhưng như đã phân tích ở trên, bên bán đã có nhiều hành vi gian dối, nhằm đánh lừa bên mua. Sau khi vụ việc bị phát giác lại không có thiện chí khắc phục mà tiếp tục trốn tránh trách nhiệm. Những hành vi này mang dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Như vậy, giao dịch giữa hai bên không còn là một giao dịch dân sự nữa. Công ty Nam Phương cần sớm có đơn gửi cơ quan điều tra có thẩm quyền đề nghị xác minh, điều tra những người có liên quan ở Công ty Đức Thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật.

P.V: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.