Quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên:

Cần những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn

Chủ Nhật, 28/02/2021, 06:56
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ phá rừng với quy mô lớn nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Đã đến lúc ngành chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng như hiện nay…

Rừng liên tục bị đốn hạ

Những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhận được tin báo của người dân về tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk, PV Báo CAND đã tìm cách tiếp cận hiện trường ghi nhận vụ việc. Để có mặt tại Tiểu khu 64 (xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea Hleo quản lý, nơi xảy ra vụ phá rừng), chúng tôi phải trải qua nhiều giờ lội bộ, băng qua những con dốc thẳng đứng trơn trượt.

Tại khoảnh 3, Tiểu khu 64, trước mặt chúng tôi là hàng trăm cây gỗ có đường kính từ 30 - 80cm, chiều dài trên 4m bị cưa hạ nằm đổ ngổn ngang, chất chồng lên nhau với vết cưa còn rất mới. Cũng tại địa điểm này, chúng tôi ghi nhận nhiều cây gỗ được chủ rừng cắm biển “Cấm chặt phá rừng” nhưng vẫn bị lâm tặc phớt lờ đốn hạ không thương tiếc. Tiến sâu vào bên trong khoảng hơn 500m, tại khoảnh 1, Tiểu khu 68, hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ cũng bị lâm tặc cưa hạ nằm chất chồng lên nhau.

Hiện trường vụ phá rừng tại Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea Hleo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Một người dân địa phương cho biết, địa điểm xảy ra vụ phá rừng này nằm giáp ranh với huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. “Đây là địa bàn ít người qua lại, lại nằm sâu bên trong. Để đến được vị trí này, chỉ có duy nhất là đi bộ hoặc đi xe trâu và phải mất rất nhiều thời gian. Không hiểu vì sao lâm tặc vẫn vào đây đốn hạ gỗ một cách ngang nhiên, lại phá trong nhiều ngày nhưng cơ quan chức năng vẫn không hay biết”, người này cho biết rồi thắc mắc.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea Hleo cho biết, vụ phá rừng nêu trên đã được đơn vị phát hiện vào ngày mùng 4 Tết vừa qua. “Hai địa điểm xảy ra vụ phá rừng có địa hình phức tạp, nằm ở vị trí xa và giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Để đến được 2 địa điểm này, quá trình di chuyển, tuần tra của anh em trong đơn vị gặp nhiều khó khăn, chỉ di chuyển bằng cách đi bộ nên mới xảy ra vụ phá rừng như thế. Đây được xác định là vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn do đơn vị quản lý. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã báo cáo lên Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện Ea Hleo để có hướng xử lý”, ông Hùng nói.

Còn tại địa bàn huyện Krông Bông, một địa phương khác của tỉnh Đắk Lắk cũng đã xảy ra tình trạng “nóng” về nạn chặt phá rừng thời gian qua. Chỉ tính trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2021, hàng chục cây gỗ pơ mu quý hiếm (nhóm IIA) nằm trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển ra khỏi rừng.

Theo báo cáo của Công ty, chỉ tính riêng trong ngày 23/2, có tổng cộng 15 cây gỗ pơ mu, có đường kính từ 70 - 100cm tại 15 địa điểm khác nhau, nằm rải rác trong Tiểu khu 1198 và 1929 bị lâm tặc đốn hạ mang ra khỏi rừng. Điều đáng nói là trong vụ phá gỗ rừng quý hiếm với quy mô lớn này, lực lượng quản lý bảo vệ rừng không hề hay biết và chỉ khi lực lượng Công an xác lập chuyên án, vào cuộc đấu tranh mới bắt giữ được các đối tượng phá rừng…

Chủ rừng có buông lỏng bảo vệ rừng? 

Không chỉ ở Đắk Lắk, mà các tỉnh khác như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông cũng đang diễn ra tình trạng “nóng” về nạn phá rừng thời gian qua. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Tây Nguyên còn khoảng 2,5 triệu ha rừng, độ che phủ gần 46%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tình trạng rừng ít, số liệu nhiều xảy ra phổ biến từ cấp cơ sở cho đến Trung ương, làm cho các quy hoạch, dự báo và đưa giải pháp quản lý bảo vệ rừng không đạt được hiệu quả.

“Có một thực trạng hiện nay là chủ rừng đang báo cáo số liệu về rừng không đúng với thực tế. Vừa qua, cơ quan chức năng đã làm rõ một số chủ rừng giấu số liệu mất rừng là để tiếp tục nhận tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền ngân sách dành cho chăm sóc, phòng chống cháy rừng. Đã đến lúc chúng ta phải có hướng xử lý nghiêm để khắc phục tình trạng báo cáo sai, đã trở thành căn “bệnh” kinh niên của các chủ rừng”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên hồ sơ, trong 10 năm (giai đoạn 2009-2019), rừng tự nhiên ở huyện Ea Súp giảm từ 130.000ha xuống còn hơn 60.000ha, độ che phủ còn 42%. Nhưng thực tế, mức độ giảm còn trầm trọng hơn rất nhiều. Thậm chí, Ea Súp đã cơ bản không còn rừng.

“Bây giờ đi họp, mấy anh cứ nói độ che phủ còn 42% nhưng cứ đọc ngược lại 24% thì đúng hơn. Bây giờ diện tích rừng cấp dưới cung cấp số liệu lên nhưng khi đi thực tế vào kiểm tra thì đâu phải rừng đâu, nó hết rồi, không còn gì ở trong đó. Khi mới về tiếp nhận Hạt Kiểm lâm, riêng số liệu rừng báo cáo lên là tôi không nhận, tôi không đồng ý. Bởi vì trên thực tế rừng hết rồi làm gì còn nữa mà tại sao trên số liệu vẫn còn”, ông Hoàng thẳng thắn.

Cũng theo ông Hoàng, ngoài việc báo cáo số liệu không chính xác thì có một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp được thuê rừng, đất rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp đang bỏ bê công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Không chỉ năng lực yếu, các doanh nghiệp còn rất kém về trách nhiệm. Thực trạng là hầu hết không làm gì được, rừng bị phá hết. Ký cho họ vào đây làm, họ không thực hiện, buông bỏ, rừng bị phá thoải mái, dân lấn chiếm hết, trách nhiệm thuộc về ai, ai làm công việc này”, ông Hoàng nêu.

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, rừng mất sẽ kéo theo bao hệ lụy. Mưa bão xảy ra ngày càng tăng cả về tần suất và nguy hại, trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế. Trước thực trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên đến mức đáng lo ngại, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo “đóng cửa” rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nạn khai thác lâm sản trái phép ở Tây Nguyên vẫn đang diễn ra âm ỉ hằng ngày, thực sự trở thành điểm “nóng”.

“Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng. Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm. Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ được diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa”, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cảnh báo.
Văn Thành
.
.
.