Cần làm rõ khuất tất trong việc sử dụng tiền góp làm đường của dân

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:37
Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đầu năm 2014, hàng trăm hộ dân tại xã Nâm NJang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã đóng góp hơn 450 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, đến nay đường vẫn chưa được khởi công, người dân vẫn phải chịu cảnh đi trên con đường “nắng bụi, mưa lầy” trong suốt gần 3 năm qua…

Ông Nguyễn Phúc Văn, Trưởng thôn 10 cho biết: “Không chỉ góp tiền mà nhiều hộ còn hiến cả mấy trăm mét vuông đất, thậm chí chặt bỏ cả nhiều diện tích cà phê đang kinh doanh để việc thi công đường được thuận tiện. Ấy vậy mà gần 3 năm qua, hàng trăm hộ dân chúng tôi vẫn phải lưu thông trên đường đất bụi bặm về mùa nắng và lầy lội về mùa mưa”.

Mặc dù đã đóng góp tiền nhưng gần 3 năm qua, hàng trăm hộ dân vẫn phải đi lại trên con đường “nắng bụi, mưa lầy” này.

Bà Ngô Thị Hiếu (trú thôn 11) cho hay, mặc dù đoạn đường đất từ khu dân cư ra QL14 chỉ chưa đầy hai cây số nhưng hôm nào gặp trời mưa thì người dân phải lội bộ hàng tiếng đồng hồ mới ra đến nơi để mua nhu yếu phẩm. Khổ nhất là con em trong thôn mỗi khi tới trường đi học. Những ngày tạnh ráo còn đỡ vất vả, còn vào những ngày trời mưa thì các cháu phải mang theo quần áo đến trường để thay.

“Khi Nhà nước kêu gọi người dân đóng góp chúng tôi đều nhiệt tình hưởng ứng nhưng gần 3 năm qua, người dân vẫn phải lưu thông trên con đường “nắng bụi, mưa lầy” này khổ lắm chú à. Nguyện vọng của người dân là chính quyền các cấp, các ngành cần sớm hỗ trợ làm đường, hoặc trả lại tiền đóng góp để người dân tự làm” bà Hiếu bức xúc nói.

Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc của người dân nêu trên, ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm NJang cho hay, trong năm 2014, xã đã phê duyệt và thiết kế cho hai thôn 10 và 11 làm gần 2km đường bê tông. UBND xã cũng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vạn Tín Phát (Công ty Vạn Tín Phát, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để thi công.

“Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh quyết định tạm dừng hình thức “Nhà nước hỗ trợ 65% số vốn” nên công việc bị tắc lại. Hiện nay, số tiền đóng góp của các thôn đang được gửi tại ngân hàng. UBND xã đang chờ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết HĐND tỉnh về Quy định cơ cấu nguồn vốn thực hiện kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện làm đường cho các thôn”, ông Tầm cho biết.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, số tiền đóng góp của người dân thì xã đã cho Công ty Vạn Tín Phát ứng trên 200 triệu đồng để thi công xây dựng đường. Thế nhưng, sau khi được ứng tiền thì công ty này đã “lặn mất tăm”.

Ngoài ra, những cán bộ liên quan đến việc quản lý số tiền đóng góp của người dân cũng để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể như số tiền 354 triệu đồng đóng góp của thôn 10 nộp về cho UBND xã vào khoảng giữa năm 2014 nhưng mãi đến ngày 24-12-2015, bà Nguyễn Thị Như Hương (kế toán UBND xã Nâm NJang) mới nộp gần 270 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi của xã lập tại Ngân hàng Agribank huyện Đắk Song chứ không gửi vào Kho bạc Nhà nước huyện.

Ngoài ra, UBND xã Nâm NJang đã thanh toán tiền thi công trước khi ký hợp đồng xây dựng. Cụ thể vào ngày 21-5-2014, UBND xã nộp số tiền 100 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước huyện Đắk Song (do nhân dân thôn 11 đóng góp đợt đầu).

Cùng ngày, xã đã tạm ứng cho Công ty Vạn Tín Phát số tiền 100 triệu đồng; đồng thời tiếp tục nộp số tiền 102,5 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước huyện Đắk Song (do nhân dân thôn 10 đóng góp đợt đầu) và làm thủ tục ứng luôn cho Công ty Vạn Tín Phát 100 triệu đồng.

Trong khi đó, mãi đến 4-6-2014, xã mới ký hợp đồng xây dựng với công ty này (?). Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Như Hương còn cho công ty này ứng tiền mặt thêm 2 lần nữa với tổng số tiền 25 triệu đồng. Như vậy, xã Nâm NJang đã cho ứng tiền của dân mà chưa có hợp đồng xây dựng để Công ty Vạn Tín Phát chiếm đoạt số tiền 225 triệu đồng của người dân mà chưa làm một mét đường nào.

Theo ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, huyện đã thành lập đoàn thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân.

Qua quá trình thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý tài chính của cán bộ xã.

“Để xảy ra các sai phạm nêu trên là do công tác quản lý tài chính tại đơn vị còn lỏng lẻo. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Chủ tịch UBND xã, kế toán và một số cán bộ, công chức có liên quan. UBND huyện Đắk Song đã giao cho Phòng Nội vụ huyện tham mưu cho UBND huyện xem xét trách nhiệm và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định đối với đơn vị, cá nhân liên quan”, ông Phò cho hay.

Văn Thành
.
.
.