Cận cảnh hiện trường rừng nguyên sinh bị lâm tặc triệt hạ

Thứ Tư, 27/03/2019, 18:11
Ngày 27-3, từ sáng sớm theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thâm nhập, chứng kiến cận cảnh rừng nguyên sinh bị lâm tặc triệt hạ hàng chục m³
gỗ quý như lim, cẩm lai, gõ, chua…thuộc huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Trước mắt chúng tôi là tiểu khu 329, thuộc lâm phận Trường Sơn, do Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Long Đại) nằm ở xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình quản lý. Mặc dù rừng có chủ rừng nhưng nhìn cảnh tan hoang nơi đây, chúng tôi khẳng định Lâm trường Trường Sơn có cũng như không trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này.

Nhìn những cây gỗ lim hàng trăm năm tuổi, bị lâm tặc cưa mang đi chỉ còn trơ lại gốc hai ba người ôm thật xót xa. Mất bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ để có những cây rừng như thế này. Thủ tướng đã ký quyết định đóng cửa rừng, bao nhiều ban, ngành ở địa phương chăm sóc, lo lắng việc mất rừng, nhưng rừng ở nơi đây vẫn bị triệt hạ ở ngay gần chủ rừng là Lâm trường Trường Sơn quản lý.

Nhiều loại gỗ quý, hiếm bị lâm tặc khai thác, cưa xe chưa kịp mang ra khỏi hiện trường vụ phá rừng.

Những cây rừng lớn phải mất nhiều ngày lâm tặc mới triệt hạ nổi chỉ cách Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn chừng 3 km. Tiếng cưa máy, tiếng xe chạy vận chuyển gỗ, đoàn người vào rừng khai thác gỗ chẳng lẽ cán bộ, công nhân viên lâm trường nơi đây không biết?

Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến hàng chục gốc lim, gõ, chua... lớn có đường kính từ 60 - 120 cm bị lâm tặc đốn hạ, hiện trường chỉ để lại nhiều phách gỗ, nhành cây, bìa gỗ nằm ngổn ngang.

Được biết, vụ phá rừng quy mô lớn nơi đây chỉ được phát giác trong một bữa nhậu của lâm tặc bàn với nhau chuyện đưa gỗ ra khỏi rừng. Một cán bộ kiểm lâm, ngồi tiếp bạn học ở phòng bên nghe được, về báo cáo với kiểm lâm cấp trên, và được chỉ đạo lập tức vào cuộc để bảo vệ rừng.

Sau đó, tại Tiểu khu 329 - lâm phận rừng Trường Sơn, đoàn liên ngành của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã xác định được có 45 cây gỗ Gõ N1, Lim N2 và Chua N3 bị chặt hạ, khai thác trái phép.

Qua kiểm tra, một số thân gỗ đã bị lâm tặc cưa xẻ và lấy ra khỏi rừng, số gỗ còn lại là phần ngọn, và một số hộp, thanh gỗ với số lượng 88 khúc, hộp có khối lượng 19,8m³.

Nhiều cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc triệt hạ mang đi, để lại cành, ngọn lên đến hàng m³ gỗ.

Nhiều phách gỗ lớn lâm tặc để lại hiện trường.

Chỉ phần thân, ngọn của cây rừng mà lâm tặc để lại chưa kịp tẩu tán, lấy đi đã lên đến gần 20m3, như vậy theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng nơi đây, hàng trăm m3 gỗ rừng đã bị lâm tặc lấy đi trước đó. Được biết, thời gian rừng bị triệt hạ từ đầu năm 2019 đến nay.

Khi nói về vụ phá rừng nghiêm trọng này, lãnh đạo Lâm trường Trường Sơn, đơn vị chủ rừng để mất rừng vẫn “tát bùn sang ao” bằng cách cho rằng: “Mặc dù lâm trường đã chỉ đạo trạm bảo vệ rừng tăng cường công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, tuy nhiên thời gian qua, một số đối tượng khai thác keo rừng trồng lợi dụng việc chở gỗ keo để vận chuyển gỗ trái phép qua chốt liên ngành…”.

Việc lâm tặc chở cả trăm m3 gỗ, chặt hạ rừng trên một diện tích rộng lớn gần nơi trạm bảo vệ đứng chốt, nhưng lãnh đạo Lâm trường Trường Sơn nói về việc mất rừng thật nhẹ bẫng, khó hiểu.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của trạm bảo vệ rừng Lâm trường Trường Sơn và các cá nhân có liên quan.

Tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác rừng trồng trong lâm phần quản lý và yêu cầu người và phương tiện (đặc biệt máy cưa xăng) ra khỏi khu vực rừng bị xâm hại.

Tổ chức bảo vệ nguyên hiện trường khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 329, đồng thời xây dựng phương án đưa số gỗ sót lại ra khỏi rừng, báo cáo chờ cấp trên xử lý. Giao các đơn vị liên quan là Chi cục Kiểm Lâm, Công  an…nhanh chóng vào cuộc để hoàn thiện hồ sơ khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Dương Sông Lam
.
.
.