Bỏ ngỏ quản lý bến bãi, vật liệu xây dựng xâm hại công trình giao thông

Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:28
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng, trên địa bàn hiện có trên 250 bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), nằm ở bờ các tuyến sông như sông Lạch Tray, sông Cấm... các khu vực cầu như cầu Khuể, cầu Bính... và trên các tuyến đê sông, biển, các bãi bồi...

Hoạt động tập kết, kinh doanh các loại vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch, than (hầu hết là không phép) diễn ra hết sức phức tạp từ nhiều năm nay, xâm hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê và các công trình vượt sông. Tuy nhiên, cho đến nay thành phố cũng như các địa phương vẫn chưa có qui hoạch thống nhất, cụ thể nào làm cơ sở để đưa việc quản lý loại hình kinh doanh này vào nề nếp.

Theo Phòng quản lý hạ tầng thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, hiện nay có tới 85% diện tích hành lang bảo vệ công trình giao thông bị xâm hại do hoạt động của các bến bãi gây ra. Như tại khu vực cầu Kiền, cầu Bính thuộc huyện Thuỷ Nguyên; cầu Niệm, cầu Kiến An, quận Kiến An... Kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành thành phố vừa qua cho thấy, phần lớn các bến bãi này vi phạm qui định về luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các qui định về bảo vệ môi trường.

Qua kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi thì có tới 21 cơ sở vi phạm về không có giấy phép kinh doanh hoặc hoạt động không đúng nội dung đăng ký, không cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng sai mục đích thuê đất, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc...

Bến bãi tập kết kinh doanh VLXD vi phạm hành lang đê điều.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bến bãi tự phát, vi phạm tràn lan, kéo dài nêu trên do xuất phát từ sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các qui định thuộc các lĩnh vực liên quan như: Quản lý đường thủy nội địa; quản lý các công trình vượt sông; quản lý về đất đai, cát, sỏi... Đi với đó việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các đơn vị có chức năng quản lý chuyên ngành về đê điều, đường thủy nội địa kém hiệu quả. Nhất là cho đến nay, thành phố vẫn chưa có qui hoạch chi tiết về kinh doanh bến bãi VLXD.

Trong khi đó, loại hình kinh doanh này lại đang thuộc nhiều ngành quản lý như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn... Sự phối hợp giữa các ngành này cũng rất mờ nhạt. Ví như việc cấp phép bến thủy nội địa là do ngành GTVT. Tuy nhiên việc kiểm tra, hướng dẫn và áp dụng các biện pháp ngăn chặn chưa được quan tâm thường xuyên, không nói là gần như bỏ ngỏ, dẫn đến các bến bãi không phép vẫn mọc ra và ngang nhiên hoạt động.

Ông Vũ Hữu Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết: Để lập lại trật tự các bãi VLXD cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành. Vừa qua, Sở đã xây dựng dự thảo Đề án qui hoạch các bến bãi kinh doanh VLXD đủ tiêu chuẩn để cấp phép cho hoạt động.

Sở Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nguồn gốc đất mà các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh VLXD thực hiện các thủ tục về qui hoạch, đầu tư và lập dự án, thủ tục giao, cho thuê đất… các bãi phù hợp sẽ cho tạm thời hoạt động. Tuy nhiên các chủ sử dụng phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cam kết thực hiện các yêu cầu theo qui định.

Văn Thịnh
.
.
.