Ném 70 tỷ của Nhà nước thu về… 164 gam vàng!

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:17
Qua 4 năm tiêu tốn gần 70 tỉ đồng tiền Nhà nước vào việc thăm dò, khai thác vàng tại khu vực thôn A Luông, xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị), nhưng Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1, thuộc Công ty CP Phát triển khoáng sản 4 (trụ sở tỉnh Nghệ An) báo cáo thu về chỉ… 164 gam vàng(?!)

Điều đáng nói, không chỉ Nhà nước bị mất tiền của, người dân quanh khu vực khai thác phải hứng chịu những hiểm họa khôn lường…

Ông Hồ Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết, từ năm 2005, Công ty CP Phát triển khoáng sản 4 đã được cấp phép thăm dò vàng tại khu vực thôn A Luông. Công ty này đã tiến hành khoan sâu vào lòng núi hàng chục điểm, hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Đến đầu năm 2014, Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 có tuyển dụng lao động tại địa phương, nhưng vào cuối năm đó lại bất ngờ chấm dứt hợp đồng với lý do… không có vàng(?). 

Cũng theo ông Nhâm, quá trình xí nghiệp này khai thác vàng tại khu vực thôn A Luông đã bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường; việc nổ mìn phá núi làm cho đất đá bay vào nhà dân, gây ảnh hưởng lớn đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khó lường… 

Đồi núi bị đào phá để khai thác vàng tại A Luông.

Ông Nhâm bức xúc: “Trong các đợt tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay mọi việc vẫn tiếp diễn như cũ. Đặc biệt, việc xử lý lọc lấy vàng bằng hóa chất của doanh nghiệp đã thẩm lậu vào môi trường xung quanh, gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Đakrông, nhưng không bị xử lý. Các phòng ban chức năng, như: Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đakrông có vào kiểm tra, nhưng rồi họ kết luận không rõ ràng…”.

Đi thực tế khu vực Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 khai thác vàng tại A Luông, chúng tôi nhận thấy các điểm nổ mìn phá núi rất gần với nhà dân. Cụ thể, nhà của các hộ dân: Côn Tam, Hồ Văn Chế, Hồ Thanh Tâm…, cách các điểm nổ mìn chỉ từ 50-100m đường chim bay. Các chất thải và hóa chất xử lý lọc lấy vàng của Xí nghiệp đều thải từ trên cao xuống thấp, trong đó một phần được thu gom đổ xuống hai hồ chứa bên dưới có màu đen xỉn...  

Làm việc với ông Trần Hữu Đạt, Giám đốc Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 về những phản ánh của người dân, ông Đạt cho rằng, tình trạng cá chết trên sông Đakrông là do hóa chất của các “vàng tặc” thải xuống, chứ không phải hóa chất của đơn vị ông(?!). Hỏi, tình trạng cá chết trắng xảy ra từ cầu A Luông đến thôn Ti Nê, xã A Bung dài khoảng 1,5km; trong khi khu vực này chỉ có một đơn vị khai thác vàng duy nhất là Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1; vậy “vàng tặc” nào đã thải hóa chất ra đoạn sông này? Ông Đạt im lặng (!). 

Cũng theo ông Đạt, Công ty CP Phát triển khoáng sản 4 được cấp phép thăm dò vàng tại khu vực thôn A Luông trên diện tích 3,24 héc-ta, thời gian 2 năm từ 2005-2007. Công ty đã phối hợp với Liên đoàn Địa chất 4 (nay là Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ) thực hiện công tác thăm dò. Sau đó được Hội đồng khoáng sản quốc gia phê duyệt, đánh giá trữ lượng vàng tại khu vực kể trên là 398kg vàng ròng (tương đương 3,5-3,6 gam vàng ròng/tấn đất đá). Theo đó, năm 2008 đến 2012, Công ty thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác. Sau khi được cấp phép khai thác vào 2013, đầu tháng 2-2014, Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 đã thực hiện việc khai thác kể trên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Xí nghiệp chỉ khai thác, chế biến được… 164 gam vàng (khoảng 120 triệu đồng). 

PV Báo CAND làm việc với ông Trần Hữu Đạt, Giám đốc Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 (ngoài cùng bên trái).

Hỏi về nghịch lý này, ông Đạt cho rằng, nguyên nhân do sai số giữa thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng với thực tế khai thác, thu hoạch được là quá lớn. Thực tế khai thác được chỉ 1,1-1,25 gam vàng? Do không có vàng nên Xí nghiệp có thời gian đã phải tạm dừng hoạt động, đến tháng 11-2015 thì vận hành lại tại điểm quặng mới phát hiện, đánh giá có trữ lượng vàng lớn hơn 2,5 gam/tấn đất đá. Điểm vàng này nằm sâu 30m so với mặt đất, hiện tại đã bốc phong hóa được 20m…

Khác với những gì ông Đạt nói, ông Nhâm dẫn chúng tôi một vòng quanh khu vực khai thác, lắc đầu, nghi ngờ: “Thật phi lí khi nói rằng ở đây không có vàng trữ lượng lớn. Thực tế, họ đã làm cả ngày lẫn đêm, từ cái gọi là “thăm dò” đến khai thác hợp pháp, nhưng rồi bất ngờ sa thải các lao động địa phương một cách khó hiểu…”. 

Chưa hết, những bất thường kể trên không chỉ trong quan sát, suy nghĩ của người dân và cán bộ địa phương, nó xảy ra ngay cả trong cách lập luận, trả lời của lãnh đạo xí nghiệp này. 

Ông Đạt cho rằng, mặc dù đã tiêu tốn gần 70 tỉ đồng vào việc thăm dò và khai thác vàng tại A Luông (trong đó có tới 75% vốn của Nhà nước), nhưng do không thu được kết quả như mong đợi nên Xí nghiệp đã có lúc phải tạm dừng khai thác, rồi hiện tại đang tiếp tục khai thác và lập đề án xin… thăm dò bổ sung (!). Hỏi gần 70 tỉ đồng, trong đó phần lớn là tiền của Nhà nước nhưng lại bị Xí nghiệp sử dụng không hiệu quả. Trong trường hợp không có vàng thật, tại sao Xí nghiệp Khoáng sản Quảng Trị 1 và Công ty CP Phát triển khoáng sản 4 không chấm dứt hoạt động khai thác mà cứ tiếp tục cái gọi là “phiêu lưu” từ hết lần này đến lần khác? Ông Đạt lại im lặng không trả lời…

Phan Thanh Bình
.
.
.