Chống “giặc lửa” nơi cảng sông, biển hậu vụ cháy tàu chở xăng Hải Hà 18

Nêu cao ý thức người dân và doanh nghiệp (bài cuối)

Thứ Tư, 21/03/2018, 06:59
Với đặc điểm cảng sông, biển và tuyến đường thủy nội địa đa dạng, những “túi bom” – tàu chở xăng dầu, hóa chất nơi đất Cảng - Hải Phòng luôn tiềm ẩn nguy cơ phát nổ. Hơn lúc nào hết, bên cạnh việc khắc phục những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), chủ các doanh nghiệp và bản thân người lao động trên các cảng sông, biển cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công.


Công tác PCCC tại chỗ còn nhiều bất cập

Vai trò của phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC ở các cảng sông, biển là rất quan trọng. Cảng Hoàng Diệu nằm trên địa bàn quận Ngô Quyền – Hải Phòng. Nơi đây có 9 cầu tàu (với chiều dài 1.474m), 1 bãi và 4 kho hàng phục vụ hoạt động xuất, nhập hàng của các tàu, thuyền trong và ngoài nước. Sản lượng thông qua cảng vào năm 2017 đạt 6,5 triệu tấn với các mặt hàng chủ yếu như quặng, lưu huỳnh, sắt thép, gỗ...

Đặc điểm này cũng đồng nghĩa với việc công tác PCCC tại đây phải luôn được chú trọng. Ông Trần Lưu Phương - Giám đốc Cảng Hoàng Diệu cho biết, với đặc điểm trên cũng như do quá trình lịch sử để lại – Cảng được xây dựng từ năm 1909 nên bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị thường xuyên chú trọng công tác PCCC.

Bởi, chỉ một chút bất cẩn, hỏa hoạn xảy ra, thiệt hại nặng nề về người và tài sản sẽ xảy ra. Thế nên, Cảng luôn chú trọng việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC. Theo đó, đã có một đội PCCC gồm Ban Chỉ huy và 7 tổ với 55 đội viên. Hằng nằm, các thành viên đều được tham gia huấn luyện và cấp chứng chỉ công tác PCCC.

Lực lượng PCCC TP Hải Phòng cần được trang bị tàu chữa cháy trên biển chuyên dụng.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như ngăn ngừa hỏa hoạn xảy ra trong quá trình các tàu ra vào cảng xuất, nhập hàng, Cảng Hoàng Diệu đã ban hành nội quy quy định về phòng chống cháy nổ; xây dựng các phương án chữa cháy tổng thể; có văn bản hướng dẫn có phương án PCCC cụ thể với các mặt hàng đặc biệt có nguy cơ cháy nổ cao như: Lưu huỳnh, xăng dầu, chất dễ nổ…

Cùng đi kiểm tra các trang thiết bị PCCC với Tổ công tác PCCC của Cảng do ông Nguyễn Đức Dư, Trưởng phòng An toàn làm Tổ trưởng, chúng tôi thấy mỗi kho hàng ở cảng này có diện tích khoảng 4.000m2. Để chủ động phát hiện kịp thời các sự cố liên quan đến cháy, nổ, nơi đây cho lắp đặt hệ thống thiết bị cảm biến, cảnh báo cháy tự động gắn với từng khu vực kho hàng cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Dư cho hay, nhờ sự chủ động trên, nên 20 năm qua, Cảng chưa để xảy ra bất cứ một vụ cháy nổ nào gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, do các kho của Công ty (Kho 3, 4, 10, 11) được xây dựng trong khoảng những năm 1970 trước khi Luật PCCC có hiệu lực nên hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của Luật PCCC hiện hành, nỗi lo vẫn còn đó.

Đề cập đến công tác PCCC tại chỗ, Thiếu tướng Lê Quốc Trân – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cho rằng, thời gian qua tuy đã có nhiều doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác PCCC, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, song nhìn chung, lực lượng PCCC tại chỗ ở các phương tiện thủy nội địa và các cảng sông, biển còn thiếu, mỏng, chưa thường xuyên ứng trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH nhất là về ban đêm, trong những ngày giông bão.

Việc tổ chức tự kiểm tra tại chỗ chưa được tiến hành thường xuyên. Trình độ và hiểu biết về công tác PCCC của lực lượng này còn hạn chế, trong khi đó, việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ lại không thường xuyên. Mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp, thuyền viên, người lao động chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ hóa chất; sử dụng lao động còn mang tính thời vụ...

Đáng lưu ý, lực lượng trên các phương tiện thủy nội địa thường xuyên lưu thông trên sông, biển. Các phương tiện chữa cháy xách tay đã được các chủ phương tiện trang bị nhưng chưa đầy đủ hoặc có nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. 

Cần sớm trang bị tàu chữa cháy chuyên dụng trên biển

Nguy cơ cháy, nổ xăng dầu, hóa chất tại các cảng sông, biển ở Hải Phòng luôn tiềm ẩn xảy ra và kéo theo hàng loạt hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó thực tiễn qua các vụ cháy tàu chở xăng dầu, hóa chất ở các cảng sông, biển thời gian qua trên địa bàn cho thấy, một số bất cập cần được quan tâm, giải quyết một cách kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.

Đã có 25 năm làm lính cứu hỏa, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cho rằng với những phương tiện chữa cháy trên sông, biển với nhiều cảng lớn như hiện nay là chưa đủ.

Công tác PCCC trên biển hiện nay đặt ra yêu cầu cần ít nhất 4 tàu chữa cháy bố trí tại các khu vực trọng yếu như: Phà Rừng, Đình Vũ, Cái Viềng, Đồ Sơn. Nhưng hiện lực lượng Cảnh sát PCCC của thành phố không có tàu chữa cháy trên biển chuyên dụng. Phương tiện “hiện đại” duy nhất thường dùng để chống lại “giặc lửa” nơi cửa sông, biển thời gian qua chỉ là 1 chiếc tàu chữa cháy trên sông, 600 mã lực, chạy với vận tốc 12,5 hải lý/giờ và được sản xuất từ năm 1997.

Trong khi đó, có nhiều tàu biển chở xăng dầu, hóa chất, hàng hóa cao hàng chục mét, con tàu “hiện đại” trên với tầm vòi nước phun trong khoảng 20 mét, sức chứa 200 lít chất chữa cháy dưới dạng bọt thì không thể tương xứng, chữa cháy không thể đạt hiệu quả được. Bởi vậy cho nên khi xảy ra vụ hỏa hoạn Hải Hà 18 (ngày 10-3-2018), lực lượng PCCC đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của các tàu chữa cháy đến từ tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận.

Mặt khác, theo đại diện Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, hiện chỉ có một số tàu chuyên dụng chở hàng nguy hiểm nguy cơ cháy nổ cao được Cảnh sát PCCC cấp phép, còn lại với các tàu khác, nhất là đối với các tàu từ nước ngoài cập Cảng, lực lượng Cảnh sát PCCC không có chức năng quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng ngừa “giặc lửa” gặp không ít khó khăn. 

Theo Thiếu tướng Lê Quốc Trân – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, để góp phần đẩy lùi những vụ cháy nổ xảy ra, các chủ phương tiện thủy đội địa và các cảng sông, biển cần kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC cơ sở, phân công rõ trách nhiệm và có quy chế hoạt động hiệu quả. 

Đội viên đội PCCC phải được tổ chức học tập huấn luyện nghiệp vụ PCCC và được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận huấn luyện PCCC theo quy định. Hằng năm chủ động tổ chức học tập nghiệp vụ PCCC định kỳ cho thủy thủ, thuyền viên làm việc trên các phương tiện thủy chở khách; rà soát, bổ sung đầy đủ kịp thời phương án đảm bảo an toàn PCCC.

Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng: “Qua những vụ cháy tàu xảy ra trong thời gian qua cho thấy, sự hiệp đồng của các lực lượng trong quá trình chữa cháy là rất quan trọng. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong việc khống chế “giặc lửa”, bên cạnh việc trang bị gấp các phương tiện chuyên dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: tàu chữa cháy trên biển, mặt nạ phòng chống độc…, các cơ quan chức năng trong đó lực lượng PCCC làm nòng cốt cần có một kế hoạch ứng phó tổng thể; thường xuyên diễn tập các phương án để khi có sự cố cháy nổ tương tự xảy ra, sẽ chủ động trong quá trình xử lý hơn nữa. 

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải; xây dựng và tiếp tục hoàn thiện, ký quy chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể trong quá trình thông tin trao đổi.

V.Huy – V.Thịnh – T.Huy
.
.
.